Vì sao phim Việt chưa thể tranh Cành cọ vàng?

LHP Cannes danh giá và có sức hấp dẫn với mọi nhà làm phim trên thế giới, như đạo diễn nổi tiếng Thái Lan Apichatpong Weerasethakul từng là tấm gương cho Đông Nam Á với tác phẩm Uncle Boonmee Who Can Recall His Past Lives - Cành cọ vàng 2010 nhưng sau đó thì không có một phim nào của Đông Nam Á với tới giải thưởng cao quý này.

Muốn tranh giải phải… từ từ

Thời gian gần đây, số phim Việt đoạt giải quốc tế tăng dần lên, mới nhất năm 2018 là “Cha cõng con” của đạo diễn Lương Đình Dũng giành giải phim Châu Á hay nhất tại LHP quốc tế Iran.

Cảnh phim Việt “100 ngày bên em”. Ảnh do Galaxy Media cung cấp

Trước đó, tác phẩm này cũng giành khá nhiều giải lớn, nhỏ tại nhiều LHP quốc tế đa dạng khác nhau, có điều chưa phải là các LHP quốc tế hạng A. Xa hơn nữa, “Đảo của dân ngụ cư” của nữ đạo diễn Hồng Ánh cũng giành giải phim hay nhất tại LHP Asean 2017…

Nhưng “cửa” vào Cannes vẫn khép chặt với phim Việt. Năm nay ở Cannes có một dự án phim của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên xin tài trợ, phim của con gái của đạo diễn Trần Anh Hùng là Trần Lãng Khê góp mặt trong hạng mục Director Fornight. Và đạo diễn Mỹ gốc Việt Trần Quốc Bảo - phim “Hổ giấy” tham dự vào hạng mục Proof of Concept Presentation của Frontìeres. Tất cả là những hạng mục nhỏ, không phải hạng mục chính, tranh giải Cành cọ vàng.

Nhưng để lọt vào tranh giải chính thức, gần như không có chuyện “một phát ăn ngay” mà nói như thiên hạ hay nói, rằng “muốn nhanh thì phải từ từ”. Đạo diễn Apichatpong trước khi đoạt giải Cành cọ vàng, từng là khách quen của Cannes từ mấy năm trước.

Nhìn vào phim của 5 đạo diễn Châu Á lọt vào vòng tranh giải Cannes 2018 phần lớn cũng là những đạo diễn quen thuộc: Ash Is Purest White (đạo diễn Giả Chương Kha, Trung Quốc), Burning (Lee Chang Dong, Hàn Quốc), Asako I & II (Ryusuke Hamaguchi, Nhật) và Shoplifters (Hirokazu Kore-eda, Nhật). Everybody Knows (Asghar Farhadi - Iran), chỉ có Ryusuke Hamaguchi là lần đầu có phim tranh giải…

Sáng tạo độc đáo và dấu ấn lịch sử

Nếu như Giải Oscar dành cho những phim xuất sắc nhưng khá cân bằng giữa cá tính sáng tạo đặc sắc của đạo diễn và doanh thu phim thì Cannes chỉ trao giải cho những phim sáng tạo độc đáo.

Càng độc càng dễ thắng, nhất là những phim có những khám phá mới mẻ về thủ pháp, ngôn ngữ điện ảnh. Còn phim ít khán giả không hề hấn gì, bằng chứng rõ nhất chính là phim của đạo diễn Thái Lan kể trên, khán giả đại chúng xem rất mệt và lắm khi oải, còn dân nghề thì khâm phục cảnh quay “độc nhất, vô nhị”, ví như những cảnh người sống, người chết gặp nhau trong những không gian khác lạ...

Hay như tại Cannes 2018, bộ phim Ash Is Purest White (đạo diễn Giả Chương Kha, Trung Quốc) kể về câu chuyện tình của một cô gái và một tên trùm băng đảng suốt 17 năm để phản ánh những đổi thay của xã hội Trung Quốc. Và những diễn biến kịch tính, éo le của câu chuyện khi cô gái phải vào tù vì cứu người yêu, hay lúc ra tù tìm lại bạn trai, và mâu thuẫn với cuộc sống mới… lại không được chú ý bằng việc tác giả đặt ra hàng loạt câu hỏi về xã hội Trung Quốc với những biến đổi.

Trong khi đó, các phim Việt Nam hầu hết chỉ là những câu chuyện nhỏ lẻ mang tính uẩn ức cá nhân nhiều hơn. Mô tả hiện thực có thể rất trần trụi, gây shock nhưng đó lại không phải là hoàn cảnh điển hình của xã hội Việt Nam. Cũng như những đổi thay, biến cố của lịch sử không thấy xuất hiện trong phim Việt.

Lấy ví dụ như phim “Cô Ba Sài Gòn” của Ngô Thanh Vân vừa thắng giải Cánh diều vàng năm nay, người xem không thấy tý nào dấu vết của thời kỳ miền Nam Việt Nam trước năm 1975.

Sự lạc quan, tính nhân văn

Một điều đáng nói nữa là tính nhân văn của một số phim độc lập Việt Nam không cao, nếu không nói là thiếu. Kết cục phim thường bế tắc, ngột ngạt và nhân vật chính không có lối thoát. Trong khi những phim hay của thế giới, thường luôn có “ánh sáng cuối đường hầm”.

Bài học từ phim của Kim Ki Duk (một tên tuổi lớn của điện ảnh Hàn quốc, từng đoạt giải Sư tử vàng, LHP Venice, Italia) tại LHP Berlin tháng 2.2018 mới đây là ví dụ.

Bộ phim mới của ông “Human, Space, Time and Human” (tạm dịch: Con người, không gian, thời gian và con người) gây shock và tạo dư luận trái chiều, trong đó “phe ném đá” chiếm đa số. Buổi chiếu của ông, 1/3 khán giả bỏ về sớm. Vì trên 120 phút phim đầy rẫy cảnh bạo lực và sex. Dù có nhà phê bình khen ông vẫn trung thành với cách kể độc đáo, và luôn ẩn chứa những thông điệp triết học về sự tồn tại và diệt vong của loài người, thì rõ ràng tính nhân văn của bộ phim mới nhất của vị đạo diễn họ Kim này bị đặt dấu hỏi.

Và nhìn lại sự nghiệp của Kim Ki Duk có thể thấy phim ông đoạt giải cao và được khán giả yêu mến lại là những phim giàu tính nhân văn như: “Xuân, Hạ, Thu, Đông rồi lại Xuân”, “Pieta”… mà không phải là những phim tràn ngập cảnh bạo lực và sex sau này.

Theo Việt Văn/ laodong.vn

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/vi-sao-phim-viet-chua-the-tranh-canh-co-vang-73719.html