Vì sao phố cổ Hội An được vinh danh trên Google Doodles?

Ngày 16/7, Google Doodles đã để hình ảnh phố cổ Hội An trên trang chủ Tiếng Việt nhân dịp Hội An được bình chọn là thành phố du lịch tốt nhất thế giới năm 2019.

Hôm nay (16/7) người dùng khi truy cập vào trang chủ Google Tiếng Việt (Google.com) sẽ thấy hình ảnh chùa Cầu - biểu tượng của Hội An thanh bình dưới đêm đêm trăng tròn. Bên dưới dòng sông là những chiếc đèn hoa đăng đầy màu sắc.

Google Doodles lần đầu tiên vinh danh phố cổ Hội An bởi mới đây, Hội An được tạp chí Travel and Leisure bình chọn là thành phố du lịch tốt nhất thế giới năm 2019, vượt qua Tokyo (Nhật Bản) và Rome (Italy).

Google Doodles lần đầu tiên vinh danh phố cổ Hội An

Google Doodles lần đầu tiên vinh danh phố cổ Hội An

Phố cổ Hội An là một đô thị cổ nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn, thuộc vùng đồng bằng ven biển tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 30 km về phía Nam.

Nhờ những yếu tố địa lý và khí hậu thuận lợi, Hội An từng là một thương cảng quốc tế sầm uất, nơi gặp gỡ của những thuyền buôn Nhật Bản, Trung Quốc và phương Tây trong suốt thế kỷ XVII và XVIII. Trước thời kỳ này, nơi đây cũng từng có những dấu tích của thương cảng Chăm Pa hay được nhắc đến cùng con đường tơ lụa trên biển.

Thế kỷ 19, do giao thông đường thủy ở đây không còn thuận tiện, cảng thị Hội An dần suy thoái, nhường chỗ cho Đà Nẵng khi đó đang được người Pháp xây dựng. Hội An may mắn không bị tàn phá trong hai cuộc chiến tranh và tránh được quá trình đô thị hóa ồ ạt cuối thế kỷ 20. Bắt đầu từ thập niên 1980, những giá trị kiến trúc và văn hóa của phố cổ Hội An dần được giới học giả và cả du khách chú ý, khiến nơi đây trở thành một trong những điểm du lịch hấp dẫn của Việt Nam.

Đô thị cổ Hội An ngày nay là một điển hình đặc biệt về cảng thị truyền thống ở Đông Á được bảo tồn nguyên vẹn và chu đáo. Phần lớn những ngôi nhà ở đây là những kiến trúc truyền thống có niên đại từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 19, phần bố dọc theo những trục phố nhỏ hẹp. Nằm xen kẽ giữa các ngôi nhà phố, những công trình kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng minh chứng cho quá trình hình thành, phát triển và cả suy tàn của đô thị.

Hội An cũng là vùng đất ghi nhiều dấu ấn của sự pha trộn, giao thoa văn hóa. Các hội quán, đền miếu mang dấu tích của người Hoa nằm bên những ngôi nhà phố truyền thống của người Việt và những ngôi nhà mang phong cách kiến trúc Pháp.

Bên cạnh những giá trị văn hóa qua các công trình kiến trúc, Hội An còn lưu giữ một nền văn hóa phi vật thể đa dạng và phong phú. Cuộc sống thường nhật của cư dân phố cổ với những phong tục tập quán, sinh hoạt tín ngưỡng, nghệ thuật dân gian, lễ hội văn hóa vẫn đang được bảo tồn và phát triển. Hội An được xem như một bảo tàng sống về kiến trúc và lối sống đô thị.

Những chiếc đèn hoa đăng lung linh được thả xuống sông Hoài luôn thu hút khách du lịch khi đến Hội An. Ảnh minh họa

Vào các ngày 14 âm lịch hàng tháng, người dân phố cổ Hội An đều tổ chức Lễ hội Đèn lồng. Người dân cùng khách du lịch thắp sáng những chiếc đèn lồng nhiều màu sắc dọc các con phố nhỏ xinh.

Ngoài ra, buổi tối những ngày mùng 1, 14 và 15 âm lịch hàng tháng, Hội An còn thả đèn hoa đăng như một lời cầu nguyện may mắn. Vào những ngày này, dòng sông Hoài sẽ ngập tràn ánh sáng lung linh và đủ sắc màu của những chiếc đèn hoa đăng

Năm 1999, Hội An được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới.

Minh Tú

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/vi-sao-pho-co-hoi-an-duoc-vinh-danh-tren-google-doodles-82540.html