Vì sao phòng không Syria vô tình bắn hạ máy bay Nga?

Vụ việc S-200 diệt nhầm máy bay giám sát Ilyushin Il-20 của Nga hoàn toàn xuất phát từ lỗi 'cẩu thả' của đội phòng không Syria, nhưng trong đó Israel cũng có trách nhiệm gián tiếp.

Hệ thống S-200.

Hệ thống S-200.

Lý do Israel bị cho là có lỗi

Rạng sáng ngày 18/9, lực lượng phòng không của Syria đã vô tình bắn hạ một máy bay giám sát quân sự Ilyushin Il-20 của Nga trên biển Địa Trung Hải, khiến toàn bộ phi hành đoàn thiệt mạng.

Bộ Quốc phòng Nga sau đó đổ lỗi vụ việc cho Không quân Israel, mà trước đó lực lượng này đã tiến hành các cuộc không kích nhằm vào nhiều mục tiêu trên bờ biển Syria.

Theo phía Moscow, hệ thống phòng không Syria đang nhắm vào một chiếc F-16 của Israel nhưng vô tình bắn trúng máy bay của Nga. Đây được coi là một sự cố đáng tiếc mà nguyên nhân gián tiếp bị chỉ ra là do Israel.

Trong khi đó, Tel Aviv giải thích rằng các máy bay của nước này trên thực tế đã quay trở lại không phận của mình trong thời điểm chiếc Ilyushin Il-20 bị bắn hạ.

Bình luận trên tờ Meduza, nhà phân tích quân sự Mikhail Khodarenko của Gazeta.ru đã giải thích lý do tại sao vụ việc đáng tiếc này xảy ra. Theo chuyên gia này, vụ bắn hạ máy bay Nga xuất phát từ việc lực lượng chiến đấu của Syria đã không thực sự nắm rõ tình hình trên không vào thời điểm đó.

Điều này đã dẫn đến một thực tế rằng các đòn tấn công sẽ được triển khai một cách vô định và dễ xảy ra sai lầm hơn.

Cũng theo nhà phân tích Khodarenko, ngay cả khi lực lượng phòng không Syria xác định mục tiêu tấn công cụ thể, lẽ ra họ phải cẩn thận xác định rõ đặc tính và trạng thái của mục tiêu đó. Nhưng rõ ràng, điều này đã không được thực hiện.

Ngoài ra, lực lượng của Syria cũng bỏ qua bước xác định tọa độ của mục tiêu trước khi tấn công. Nhà phân tích quân sự Nga chỉ ra rằng, việc tiến hành tấn công mà không có dữ liệu chính xác về mục tiêu đó là điều không thể.

Dựa trên một số tính năng đặc thù của hệ thống tên lửa S-200, chúng ta có thể đưa ra giả thuyết về những gì có thể đã xảy ra.

Theo chuyên gia Khodarenko, rất có thể hệ thống tên lửa của Syria đã khai hỏa dựa trên cái được gọi là “chế độ bức xạ đơn sắc”, không cần xác định khoảng cách tới mục tiêu. Việc xác nhận và tấn công hoàn toàn dựa vào tọa độ góc.

Máy bay giám sát Ilyushin Il-20.

Tuy nhiên, màn hình chỉ định mục tiêu trên S-200 cũng rất nhỏ - không lớn hơn so với hộp diêm. Nếu không có thông tin chính xác về khoảng cách đến mục tiêu, lỗi hoàn toàn có thể xảy ra.

Vì lẽ đó, để thay đổi sang chế độ tấn công bằng cách xác định khoảng cách của mục tiêu, kíp triển khai phải lựa chọn chế độ xác định "phạm vi không rõ ràng".

Tuy nhiên, chế độ này sẽ cần một khoảng thời gian để thu thập dữ liệu và những người lính Syria dường như quá vội vàng để tấn công mà không cần bận tâm kiểm tra phạm vi cần tấn công là bao xa.

Họ khai hỏa mà không hiểu rằng mình đang nhắm đến ai, chuyên gia Khodarenko nhận định.

Cũng có thể hệ thống điều hướng của tên lửa thất bại, khiến nó đi vào chế độ dò kiếm tần số và điều hướng hỏa lực vào một vật thể gần đó có diện tích phản chiếu lớn nhất - trong trường hợp này là Ilyushin Il-20.

Về “hệ thống nhận dạng bạn bè hoặc kẻ thù”, hiện vẫn chưa rõ S-200 của Syria có được cài đặt từ trước hay không. Và cũng chưa rõ tổ đội chiến đấu có tiến hành kích hoạt nó trong thời điểm xảy ra vụ việc nói trên hay không.

Sai lầm cá nhân?

Chuyên gia Khodarenko cho rằng còn thiếu quá nhiều dữ liệu để kết luận những giả thuyết nghiêm trọng có thể là nguyên nhân gây ra vụ việc.

Ông cho rằng đây có thể là một sai lầm của một số cá nhân cụ thể, như chỉ huy tổ đội, sĩ quan xác định mục tiêu hay sĩ quan điều hướng mục tiêu hoặc người khai hỏa. Về cơ bản đây có thể là lỗi do con người chứ không phải do thiết bị.

Kết lại, ai là người có lỗi trong vụ việc? Nga nên tự trách mình hay Israel mới là bên gây ra? Điều này cần phải xác định bằng câu hỏi: Ai bắn hạ máy bay?

Dù sao thì không phải Israel, mà là lực lượng phòng không của Syria đã phạm sai lầm. Nhưng nếu Israel cảnh báo Moscow trước đó về hành động của mình, Nga có thể sẽ rút máy bay của nước này ra khỏi khu vực đang giao tranh. Vì vậy, lỗi gián tiếp nằm ở phía Israel.

Mạnh Kiên

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/vi-sao-phong-khong-syria-vo-tinh-ban-ha-may-bay-nga-a403761.html