Vì sao PhóThủ tướng Trương Hòa Bình dùng cụm từ 'khẩn trương' khi nói về sửa đổi Luật KTNN năm 2015?

Vì sao Phó Thủ tướng khi nói về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN năm 2015 lại dùng từ 'khẩn trương'?

Mới đây trong cuộc đến thăm và chúc Tết tại Kiểm toán Nhà nước (KTNN), Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị, KTNN khẩn trương phối hợp với các cơ quan liên quan, sớm trình cấp có thẩm quyền về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN năm 2015, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành Luật một cách đầy đủ, hiệu quả, có chất lượng; chú trọng việc sửa đổi, bổ sung các quy trình, phương pháp, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, rút ngắn thời gian kiểm toán gắn với công tác cải cách thủ tục hành chính.

Vì sao Phó Thủ tướng khi nói về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN năm 2015 lại dùng từ “khẩn trương” trong khi Luật KTNN năm 2015 được Quốc hội khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ 9, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016, tức là mới được 2 năm? Trước hết, đó là do sau 1 thời gian thi hành, một số quy định của Luật KTNN năm 2015 đã bộc lộ những bất cập, hạn chế nhất định, như: nhiệm vụ, quyền hạn của KTNN chưa tương xứng với vị trí, chức năng được giao; phạm vi, đối tượng kiểm toán và đơn vị được kiểm toán chưa đồng bộ, thống nhất; quy định về đơn vị được kiểm toán chưa bao quát hết các cơ quan, tổ chức có quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; thiếu chế tài xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về KTNN.

Chính vì vậy, để thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XII, Bộ Chính trị đã ban hành Kế hoạch 07-KH/TW ngày 27/11/2017, Đảng Đoàn Quốc hội ban hành Kế hoạch 735-KH/ĐĐQH ngày 18/01/2018 xác định nhiệm vụ xem xét sửa đổi, bổ sung các luật liên quan, trong đó có Luật KTNN và phải hoàn thành trong năm 2019.

Việc sửa đổi, bổ sung Luật KTNN năm 2015 theo hướng tập trung làm rõ quy định về chức năng, nhiệm vụ của KTNN, nhất là chức năng đánh giá và xác nhận, đây là hai chức năng quan trọng của KTNN, đồng thời là cơ sở để phân biệt rõ chức năng của KTNN với các cơ quan thanh tra, kiểm tra khác. Cùng với đó, sẽ rà soát, đối chiếu với Luật NSNN năm 2015, Luật Thanh tra năm 2010 để đảm bảo phân công, phối hợp chức năng, nhiệm vụ chuyên môn của từng đơn vị, tránh chồng lấn, trùng lặp; hạn chế việc một đơn vị vừa được thanh tra vừa được kiểm toán; đặc biệt là làm rõ phạm vi của các cuộc kiểm toán với thanh tra, kiểm tra; tránh tình trạng như hiện nay một số đơn vị xin được kiểm toán một phần để coi như hợp thức tránh bị các cơ quan chuyên ngành vào thanh tra, kiểm tra sâu. Cần coi Báo cáo kiểm toán là cái gốc để trên cơ sở đó cơ quan thanh tra xem xét có cần thanh tra, làm sâu thêm thì mới tiến hành thanh tra.

Thực hiện việc sửa đổi này, cho đến nay KTNN đã tổ chức 4 cuộc hội thảo tại 4 tỉnh, thành phố gồm: Nghệ An, TP. HCM, Đà Nẵng và Hà Nội. Do đó, Phó Thủ tướng đã yêu cầu KTNN khẩn trương hoàn thiện hồ sơ tiếp thu ý kiến cho việc sửa đổi, bổ sung Luật KTNN năm 2015 để kịp đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019.

Tâm Hải

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/vi-sao-phothu-tuong-truong-hoa-binh-dung-cum-tu-khan-truong-khi-noi-ve-sua-doi-luat-ktnn-nam-2015-60217.htm