Vì sao phụ nữ mang thai khiến người khác khó chịu?

'Vì sao phụ nữ mang thai khiến người khác khó chịu?' là vấn đề được một người phụ nữ đặt ra thẳng thắn, khiến nhiều người phải suy ngẫm.

Ngày 28/3, trang web https://ca-girlstalk.jp đã đăng một bài có nhan đề: "Tôi chán ngấy những người phụ nữ mang thai tự hào về cái bụng của họ!".

Bài viết của người phụ nữ 30 tuổi tự xưng là Evarira được in không hề cắt xén hoặc sửa đổi. Bài viết sử dụng các từ ngữ gay gắt khi nói về sự xuất hiện và hành vi của những người phụ nữ mang thai.

Chẳng hạn: "Thật là chướng mắt khi thấy những người phụ nữ mang thai chẳng được việc gì hơn là suốt ngày vuốt ve cái bụng của mình". Bài viết về những người phụ nữ mang thai gây hiệu ứng rất lớn trong mạng xã hội và nhận được nhiều bình luận của bạn đọc.

Tính đến ngày 3/4, bài viết có khoảng 1.000 bình luận được công bố và được in lại trên trang web của Matome. Một trong những phản ứng bức xúc nhất đối với bài viết là: "Tôi sợ lắm khi thấy họ buộc tội các thai phụ nặng nề như vậy".

Khá nhiều người bày tỏ sự khó chịu của mình đối với thai phụ và những hành động của họ. (Ảnh: Sputniknews)

Tờ Sputnik đề nghị tiến sĩ khoa học tâm lý, giáo sư bộ môn tư vấn tâm lý thuộc Viện phân tích tâm lý Moskva Nadezhda Mazurova bình luận về bài viết này. Trong nhiều năm, bà đã tư vấn cho các cặp vợ chồng hôn nhân hỗn hợp tại Nhật Bản.

- Bản thân bà có quan sát thấy tại Nhật Bản, đây là thái độ của mọi người đối với phụ nữ mang thai hay chỉ là biểu hiện đặc biệt?

Đúng vậy, đó không phải là điển hình cho người Nhật. Nhưng thực tiễn của tôi tại Nga đã từng xảy ra hiện tượng này.

Trong 6-7 năm trở lại đây, tôi thấy đã có sự gia tăng về số lượng người đến tham vấn, các em gái và phụ nữ trẻ trong độ tuổi từ 16 đến 30 nói với tôi rằng họ sẽ không sinh con, vì con cái sẽ gây phiền nhiễu và làm cho họ vướng bận.Và họ nói thẳng rằng họ chán ghét những người phụ nữ có thai, khó chịu và họ không thích nói về chủ đề sinh sản con đẻ cái.

- Bà sẽ mô tả hồ sơ tâm lý cá nhân của những người phụ nữ trẻ này như thế nào?

Về mặt xã hội mà nói, đó là những người khá giàu có, nhưng khi nói chuyện với họ, tôi thấy họ biểu lộ một số triệu chứng rối loạn thần kinh.

Đôi khi, đó là cả một tập hợp các biểu hiện thần kinh khác nhau mang tính tự kỷ, xã hội. Thông thường, trong cuộc sống, các biểu hiện đó thường đi kèm với bệnh chán ăn hoặc ăn vô độ, không biết no.Hoặc họ đang trong cơn hoảng loạn.

Đó là loại phụ nữ mong manh và dễ bị tổn thương, vì một lý do đặc biệt nào đó mà họ thường thấy khó chịu khi gặp trẻ em và phụ nữ mang thai.

Xung đột tâm lý thường xảy ra ở những người phụ nữ không muốn sinh con hoặc không lấy gia đình làm mục tiêu phấn đấu

- Các hiện tượng này liên quan đến điều gì? Chỉ liên quan đến các đặc điểm sinh lý và tâm lý hay đó là hiện tượng xã hội?

Hiện nay, trên thế giới rất phổ biến trào lưu "child-free" mà trước đây không hề là điển hình cho Nga. Hầu hết các fan của ý tưởng này thường không thể chấp nhận hình tượng của chính mình. Họ tìm cho mình những mẫu hình khác hoàn hảo hơn để bắt chước và noi theo. Một trong những mô hình như vậy là tính cầu toàn.

Mục đích của những người phụ nữ trẻ là phải có thân hình hoàn hảo, công việc hoàn hảo, sự thành công hoàn hảo trong cuộc sống. Mang thai đối với họ không phù hợp với các thiết lập này.

Tình trạng này có thể liên quan với bệnh tật nào đó, và sau khi sinh con các số đo của phụ nữ thường thay đổi. Do đó, mục đích sống của họ không phải là gia đình, mà là sự nghiệp, các mục đích đó thường cao hơn sắc đẹp và trí tuệ của họ. Trong bức tranh quảng cáo cho cuộc sống của họ, không hề có chỗ cho chuyện mang thai và đẻ con.

Vì vậy, khi họ gặp người phụ nữ mang thai đang sung sướng hạnh phúc và không hề để ý đến số đo lý tưởng, nhẹ nhàng âu yếm vuốt ve bụng của mình, trong lòng họ xảy ra cuộc xung đột tâm lý, từ đó dẫn đến cách xử sự rối loạn thần kinh không thích đáng.

- "Child-free" có phải là một trong những xu hướng của phụ nữ trẻ hiện đại của thế giới hay không?

Nói chung, đúng là có xu hướng như vậy. Mặc dù trước đây xu hướng này không lan truyền ở Nhật Bản. Có lẽ, hiện tượng này ở Nhật Bản ít được biết đến, vì đây là một xã hội ít cởi mở. Đối với Nga, tôi nghĩ rằng ở nước ta, trong xã hội điều này thường mang tính kín đáo.

Tuy nhiên, không còn là bí mật chuyện ngày càng có nhiều phụ nữ hiện nay tập trung vào sự nghiệp hơn là hôn nhân sớm và làm mẹ. Và khi có ý thức sinh con thì thường đã quá muộn vì nhiều lý do.

Có lẽ chính vì vậy mà trong các ý kiến bình luận về bài viết, ngoài sự chỉ trích, cũng có tiếng nói thông cảm cho tác giả. Tiếng nói đồng cảm xuất phát từ những phụ nữ không thể có con và và thấy khó chịu khi gặp người khác mang thai.

Một trong những độc giả đã viết: "Những ai có con không hiểu được tâm trạng của tôi đâu. Đơn giản là khi thấy người phụ nữ mang thai tự nhiên mình thấy ghét… Và như thế thật quá sức chịu đựng!". Một số phụ nữ nói rằng khi gặp người mang thai họ có tâm trạng xấu, và thai phụ đơn giản là không thể hiểu được cảm xúc của họ.

Điều này cho thấy rằng, không thể coi tuyên bố gây bão mạng của Evarira như một hiện tượng xã hội từ mặt tiêu cực hay tích cực. Đơn giản là ngày hôm nay đang có hiện tượng như vậy.

Và các nhà tâm lý học, các nhà báo cần phải gắng sức nhiều hơn nữa, bằng cách nào đó dung hòa hai phe và dạy cho họ sống bên nhau trong sự hòa hợp hoàn hảo, cho những người mà làm mẹ là thiên chức chính và sứ mệnh cao cả trong cuộc đời và cho những người phấn đấu đạt tới tầm cao của sự nghiệp hoặc các mục đích cao cả khác trong cuộc sống của họ. Tất cả đều xứng đáng được tôn trọng và thông cảm.

Video: 25 giây miêu tả quá trình mang thai và sự phát triển của bé trong bụng mẹ

Nguồn: Sputnik

Nguồn VTC: http://vtc.vn/suc-khoe/vi-sao-phu-nu-mang-thai-khien-nguoi-khac-kho-chiu-d315423.html