Vì sao Pixar không thể để thương hiệu Toy Story kết thúc ?

Đã hơn 25 năm kể từ lần đầu xuất hiện, áp lực khai thác của Pixar có đến từ tác động của Disney ?

Trong số rất nhiều dự án mới được công bố tại Investor Day của Disney, khán giả lại được thấy sự xuất hiện của tiền truyện Toy Story, Lightyear, một phần phụ của Buzz Lightyear do Chris Evans lồng tiếng. Có vẻ như hãng phim sẽ không bao giờ buông tha cho câu chuyện đồ chơi mà vắt cạn kiệt tiềm năng của nhượng quyền thương mại béo bở. Dù đã kết thúc câu chuyện hai lần nhưng người ta thực sự khó hiểu trước mức độ lằng nhằng của Pixar.

Disney mua Pixar Animation Studios vào năm 2006 sau một cuộc đàm phán tốn giấy mực. Gã khổng lồ giải trí từ lâu đã nhận ra khả năng làm nghệ thuật 2D độc đáo và sáng tạo của Pixar và tìm cách thâu tóm đối thủ còn non trẻ. Từ khi bắt đầu mối quan hệ giữa hãng phim và nhà phân phối vào những năm 90, Disney cùng Pixar đã cùng xây dựng những quan điểm chặt chẽ khi đưa ra các quyết định kinh doanh.

Pixar ấp ủ những sáng tạo trong khi Disney cáo già am hiểu rõ tầm ảnh hưởng của tiếp thị để tồn tại trong bối cảnh nghệ thuật cạnh tranh. Các động thái nhằm bành trướng đồng dollar từ các tài sản của Pixar đã gây ra xích mích giữa hai bên khiến mối quan hệ trở nên rắc rối trong nhiều năm cho đến khi một thỏa thuận được ký kết, và Pixar buộc phải làm quen với “công nghiệp hóa”, bắt đầu sản xuất hậu truyện leo thang nhằm củng cố lợi nhuận.

Theo cảm nhận chung của đại đa số khán giả, Toy Story là trường hợp rất đặc biệt khi nói tới phần tiếp theo hay hậu truyện của thương hiệu Pixar, nơi mà ở đó chất lượng chuyên môn đồng đều theo năm tháng. Lấy một ví dụ khác như, Cars, các chiếc xe đua được nhân hóa thành công rực rỡ trên tất cả bình diện, phần tiếp theo Cars 2 bắt đầu chệch hướng, điểm xuyết nhiều đánh giá trái chiều để rồi Cars 3, hoạt động kém hiệu quả ở phòng vé.

Có thể hiểu được, nhiều người hâm mộ lâu năm của Woody, Buzz và các đồ chơi hoài niệm sẽ cảm thấy không mấy hài lòng bởi thông báo này, đặc biệt là sự thay thế của Chris Evans. Họ muốn một hồi kết thực sự cho nhượng quyền, để nó đúng với những gì là ý nghĩa nhất của câu chuyện đồ chơi, đẹp đẽ trong hòa niệm mà mỗi người trưởng thành sẽ nhớ về.

Công việc của một món đồ chơi là tạo ra sự thích thú và truyền cảm hứng cho tuổi thơ mỗi đứa trẻ, và mỗi thế hệ lại chứng kiến sự chuyển giao, đồ chơi đổi chủ để đem đến niềm vui mới, giống cách chính Andy chia sẻ trong Toy Story 3 trước khi cho đi những vật kỷ niệm rằng chúng đã từng giúp cậu hạnh phúc như thế nào. Pixar sẽ không thể kết thúc câu chuyện đồ chơi chỉ đến khi nào bộ phim dậm chân ở phòng vé, điều mà chẳng dễ gì xảy ra khi xã hội chứng kiến vòng lặp của chu kỳ dân số, hết một lứa lại sẵn sàng chào đón thế hệ khán giả nhí khổng lồ khác.

29fitz

Nguồn Nghe Nhìn VN: http://nghenhinvietnam.vn/tin-tuc/vi-sao-pixar-khong-the-de-thuong-hieu-toy-story-ket-thuc-72555.html