Vì sao quảng cáo 'thiếu muối' xuất hiện nhiều ở Việt Nam?

Ý kiến của Cố vấn SEO- Marketting Trần Hiếu, Giám Đốc công ty Công nghệ E1 Việt Nam, Giảng viên SEO & Content Marketing tại Trung tâm truyền nghề marketing E1, khi trả lời Infonet.

Ý kiến này cũng được nhiều bạn trẻ đồng tình khi vào năm 2011, có một thương hiệu máy lọc nước đã “gây ấn tượng” bằng cách dội vào tai khán giả bằng một câu giống hệt nhau, liên tục nhiều lần... gây phản cảm. Để hiểu hơn về hiện tượng quảng cáo ngớ ngẩn, Infonet đã có cuộc trao đổi với cố vấn SEO - Marketing Online Trần Hiếu.

Mới đây, một khán giả đã liệt kê ra hàng loạt những nội dung quảng cáo ngớ ngẩn trên truyền hình. Là người nghiên cứu về quảng cáo, marketing, anh có nhận xét gì về nội dung này?

Tôi thấy đây là những quảng cáo “sáng tạo thái quá”, sáng tạo không có định hướng dẫn đến... ngớ ngẩn. Thực ra quảng cáo vốn sinh ra là để thu hút khách hàng nhằm làm thay đổi hành vi, thói quen mua hàng. Để thu hút khách hàng thì cần sáng tạo không ngừng. Nhưng có lẽ khi mà người người đua nhau quảng cáo thì quảng cáo dần trở nên dễ dãi, tính sáng tạo giảm bớt nhiều dẫn đến tác dụng ngược: không những không hấp dẫn khách hàng mà còn gây cảm giác khó chịu.

Quảng cáo (hình minh họa, nguồn Internet)

Quảng cáo (hình minh họa, nguồn Internet)

Các quảng cáo thường vi phạm các nguyên tắc nội dung nào?

Các quảng cáo hiện nay thường tập trung quá nhiều vào đặc tính khác biệt của sản phẩm mà quên đi mất nguyên tắc của quảng cáo là hướng vào lợi ích của khách hàng. Về cơ bản điều mà khách hàng quan tâm đầu tiên là lợi ích, những điều họ nhận được khi sử dụng sản phẩm, dịch vụ. Sau đó họ mới quan tâm đến những yếu tố khác.

Một quảng cáo mà cộng đồng cho rằng ngớ ngẩn (nguồn Internet)

Trong thực tế nghiên cứu anh có biết những trường hợp quảng cáo ngớ ngẩn nào nữa?

Các bạn chắc vẫn còn nhớ đoạn quảng cáo ngớ ngẫn của Kangaroo - 1 trong những quảng cáo phản cảm đình đám trong lịch sử quảng cao trên truyền hình ở Việt Nam.

Đây cũng được coi là một thảm họa quảng cáo Việt Nam vì sự thái quá của quảng cáo này. Đoạn quảng cáo này xuất hiện lặp đi lặp lại trong thời gian nghỉ giữa 2 hiệp trận chung kết Champions League 2011. Âm thanh chói tai như tra tấn người xem.

Quay trở lại với liệt kê của khán giả, đây không phải là lần đầu, các quảng cáo trên truyền hình bị khán giả phản ứng. Có nhiều quảng cáo cổ vũ cho thói tham ăn, thói ích kỷ... anh có đánh giá gì về chất lượng nội dung quảng cáo trên truyền hình gần đây?

Quảng cáo trên truyền hình xuất hiện với mật độ khá dày. Các doanh nghiệp chạy đua ngân sách quảng cáo dẫn đến quảng cáo la liệt khiến chất lượng quảng cáo đang đi xuống. Theo tôi những thứ gì chạy theo số lượng thì chắc chắn sẽ không đảm bảo về chất lượng được, nhất là ngành quảng cáo lại đòi hỏi hàm lượng sáng tạo cao.

Trần Hiếu - cố vấn SEO - Marketing Online

Phải chăng, đã có sự dễ dãi, hay chỉ chuyên chú vào bán được hàng mà họ có thể bất chấp tất cả để quảng cáo?

Theo tôi, lý do chính là sức ép về doanh số bán hàng đã khiến các doanh nghiệp bất chấp tất cả để quảng cáo. Nhưng cũng chính sự bất chấp này khiến quảng cáo không hiệu quả rồi lại thành 1 vòng luẩn quẩn. Doanh nghiệp vẫn không bán được hàng, người dùng thì ngày càng chán ghét quảng cáo. Tất nhiên một phần cũng là do sự dễ dãi, quy trình quảng cáo chưa chặt chẽ, từ lâu ở Việt Nam doanh nghiệp tự cho mình cái quyền “có tiền là được quảng cáo”.

Từ quan điểm của anh, cộng đồng nên làm gì để làm sạch những quảng cáo ngớ ngẩn, vi phạm nguyên tắc đạo đức, thiếu tính nhân văn, như đã từng diễn ra?

Về phía người dùng nên bài trừ các sản phẩm quảng cáo quá lố, không sử dụng sản phẩm, dịch vụ là một trong những hình phạt lớn nhất đối với các quảng cáo phản cảm. Từ đó doanh nghiệp sẽ tự động phải cân nhắc khi quảng cáo, chặt chẽ hơn trong quy trình làm quảng cáo.

Về phía các cơ quan quản lý nên có những chế tài để hạn chế những quảng cáo ngớ ngẩn, vi phạm nguyên tắc đạo đức.

Về phía các cơ quan cáo chí truyền thông nên tích cực tuyên truyền, lên án các quảng cáo này. Ví dụ như chuỗi bài về quảng cáo mà Infonet đang thực hiện. Tôi nghĩ nó sẽ có ảnh hưởng tích cực đến xã hội giúp mọi người có cái nhìn toàn diện về quảng cáo.

Về phía các nhà quảng cáo, các marketer hãy sáng tạo hơn nữa và đừng quên tập trung vào lợi ích khách hàng.

Xin cảm ơn anh!

Những ngày qua, cộng đồng người dùng Internet Việt Nam có chia sẻ với nhau một đoạn bình luận, trong đó liệt kê một số kiểu "nhảm" trong các clip quảng cáo trên truyền hình.
Để minh họa cho bài viết này, Infonet xin trích đăng lại bình luận đó nhưng đã lược bỏ một số từ ngữ không phù hợp.

Quảng cáo của Việt Nam phải nói là nó nhảm...

- Quảng cáo Omo: "đẩy đẩy đẩy dầu nhớt đây, đẩy đẩy, đẩy đẩy đẩy". đẩy cái gì? Con nít con nôi mà hết đẩy lại đến dầu nhớt.
- Quảng cáo sữa chua Cô gái Hà Lan thì: "Vị ngon nhà làm, ngon như nhà làm"
- Quảng cáo bột giặt Viso: "Tuy mình không cao nhưng áo của mình thì luôn trắng như mới". Có gì liên quan?
- Quảng cáo Kềm Nghĩa: "Kềm Nghĩa - cho cuộc sống có nghĩa" -> thiếu muối à?
- Quảng cáo C2: "Mình yêu mua sắm và mình yêu C2" -> lại liên quan
- Quảng cáo Castrol: "Đó không phải là dầu nhớt, đó là tinh hoa của 1 công nghệ"
- Quảng cáo sữa Anlene: "Bác sĩ nói Mẹ mình có nguy cơ bị loãng xương, chính vì thế mình quyết định uống Anlene mỗi ngày". Con với cái.
- Quảng cáo Kotex: "Kotex xìn tin, tự tin khoe cá tính" khoe Kotex cho ai xem?
- Quảng cáo Close Up :"Đó không phải là kem đánh răng, đó là Close Up".

Hồng Chuyên (thực hiện)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/vi-sao-quang-cao-thieu-muoi-xuat-hien-nhieu-o-viet-nam-post145502.info