Vì sao rừng vẫn bị tàn phá nghiêm trọng? (Kỳ 1)

Ðã hơn một năm, kể từ khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đóng cửa rừng tự nhiên, tình trạng phá rừng tại nhiều địa phương vẫn xảy ra hết sức phức tạp, khiến công tác quản lý, bảo vệ rừng ngày càng trở nên khó khăn hơn.

Hiện trường rừng tự nhiên bị phá trên địa bàn xã Ia Jlơi, huyện Ea Súp, tỉnh Ðác Lắc.

Bài 1: Ngang nhiên phá rừng

Theo đánh giá của ngành lâm nghiệp, từ đầu năm đến nay, số vụ việc vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng có xu hướng giảm so với những năm trước đây. Tuy nhiên, lại xảy ra một số vụ phá rừng hết sức nghiêm trọng, gây thiệt hại về kinh tế, xã hội, khiến dư luận bức xúc.

Nhiều vụ việc nổi cộm

Vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng nổi cộm trong thời gian gần đây phải kể đến vụ phá gần 61 ha rừng tại xã An Hưng, huyện An Lão, tỉnh Bình Ðịnh. Ðây là vụ phá rừng quy mô lớn nhất, liều lĩnh nhất từ trước tới nay ở địa phương này. Sau khi vụ việc xảy ra, Chi cục Kiểm lâm tỉnh khởi tố vụ án hình sự về tội hủy hoại rừng theo Ðiều 189 Bộ luật Hình sự. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Bình Ðịnh điều tra, làm rõ vụ án. Tiếp đó, gần đây, hàng trăm héc-ta rừng phòng hộ ở xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam cũng bị chặt phá nghiêm trọng. Phần lớn diện tích bị chặt là do người địa phương bất chấp luật pháp phá rừng để lấy đất trồng keo. Vụ việc một lần nữa lại gióng lên hồi chuông báo động về sự lỏng lẻo trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Tại tỉnh Bắc Cạn, qua kiểm tra việc quản lý, bảo vệ rừng tại Vườn quốc gia Ba Bể, lực lượng chức năng xác định, trong năm tháng đầu năm 2017, có 27 cây gỗ nghiến bị chặt hạ trái phép với khối lượng gần 200 m3. Ðây là loại gỗ quý hiếm bị chặt hạ được phát hiện với số lượng lớn. Cũng tại tỉnh này, tháng 5-2017, gần 30 hộ dân ở xã Yên Thượng, huyện Chợ Ðồn tự ý chặt phá, phát, đốt hơn 23 ha rừng tự nhiên khu vực thôn Pác Cộp, Bản Liên và Nà Nhàm để lấy đất trồng rừng sản xuất. Ở xã Ðổng Xá, huyện Na Rì, thời gian qua có hơn 14 ha rừng tự nhiên bị “xóa sổ” do một số gia đình chặt phá. Một số hộ dân còn tự ý bán rừng tự nhiên cho một vài cá nhân ở tỉnh Thái Nguyên. Những người này lại thuê người dân địa phương “cải tạo” rừng bằng cách phá rừng cũ, trồng rừng mới.

Còn tại tỉnh Ðiện Biên, tháng 8-2017, các cơ quan chức năng phát hiện khoảng 6.000 m2 rừng tại bản Ðồng Mệt, xã Pá Khoang, huyện Ðiện Biên bị phá. Ðối tượng phá rừng là ông Trần Lệ và bà Mai Thị Thìn với mục đích lấy đất trồng hoa màu. Toàn bộ diện tích này là rừng đặc dụng, đã được UBND tỉnh Ðiện Biên giao cho Ban Quản lý rừng di tích lịch sử và cảnh quan môi trường Mường Phăng quản lý, bảo vệ. Các cơ quan chức năng của tỉnh Ðiện Biên đã đình chỉ hành vi phá rừng nói trên, đồng thời tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật.

Tình hình phá rừng diễn ra nghiêm trọng nhất là tại các tỉnh Tây Nguyên. Theo UBND tỉnh Ðác Lắc, chỉ trong sáu tháng đầu năm 2017, các lực lượng chức năng của tỉnh kiểm tra, xử lý 709 vụ vi phạm lâm luật, tăng 57 vụ so với cùng kỳ năm 2016; tịch thu gần 1.400 m3 gỗ các loại, chín xe ô-tô, 76 xe máy, 47 máy móc các loại. Toàn tỉnh đã có 187 ha rừng bị phá, tập trung tại các địa phương như huyện Ea Súp (104 ha), Krông Bông (11 ha)…

Tại tỉnh Gia Lai, tình trạng phá rừng, khai thác gỗ trái phép cũng hết sức phức tạp. Bất chấp hoạt động tuần tra, kiểm soát và xử lý của các cơ quan chức năng, thời gian qua, lâm tặc vẫn ngang nhiên chặt phá những cánh rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ dọc tuyến biên giới. Chỉ tính từ tháng 2 đến cuối tháng 4-2017, lực lượng Bộ đội Biên phòng, kiểm lâm, Quản lý bảo vệ rừng của địa phương phối hợp tuần tra, phát hiện, bắt giữ hai vụ phá rừng lớn ở xã Ia Chia, huyện Ia Grai và Tiểu khu 174 thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ đông bắc Chư Păh, huyện Chư Păh với tổng số gỗ thu giữ gần 61 m3 thuộc nhóm III-IV.

Buông lỏng quản lý

Tại một số khu rừng do Công ty TNHH Một thành viên lâm nghiệp Ea H’Mơ quản lý (nay thuộc Công ty TNHH cao-su và lâm nghiệp Phước Hòa Ðác Lắc) nằm trên địa bàn xã Ia Lốp, huyện Ea Súp, tỉnh Ðác Lắc, chúng tôi tận mắt chứng kiến cảnh rừng bị tàn phá ngổn ngang. Lực lượng chức năng đã phát hiện gần 100 m3 gỗ do lâm tặc khai thác trái phép. Men theo các đường mòn từ quốc lộ 29 vào tiểu khu 293, xã Cư M’lan, nhiều cánh rừng bị “cạo trọc”, cây gỗ bị đốn hạ nằm la liệt. Ngay giữa lòng tiểu khu 293 có hàng loạt lán trại, nhà dân dựng lên. Khi được hỏi, người dân cho hay, họ đã sinh sống và canh tác ở đây trong một thời gian dài nhưng không ai ngăn cấm.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND xã Cư M’lan Phạm Văn Dân cho biết: Sau khi UBND tỉnh có quyết định thu hồi các dự án đầu tư sản xuất nông - lâm nghiệp của những doanh nghiệp tư nhân thực hiện không hiệu quả, giao về cho địa phương quản lý, nhưng chủ yếu chỉ trên giấy tờ; các ngành chức năng của tỉnh chưa đánh giá hiện trạng diện tích rừng mà các doanh nghiệp để mất là bao nhiêu, diện tích mà người dân lấn chiếm là ngần nào trước khi bàn giao lại cho xã. Do địa bàn rộng, địa hình phức tạp, xã không có lực lượng chuyên trách cho nên công tác quản lý, bảo vệ rừng hết sức khó khăn.

Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Ea Súp Trương Văn Dự cũng khẳng định, phần lớn diện tích rừng trên địa bàn huyện khá bằng phẳng cho nên có hàng trăm con đường để “lâm tặc” xâm nhập phá rừng. Thêm vào đó, vào mùa khô hằng năm, người dân địa phương ít việc làm nên thường xuyên tìm cách vào rừng để khai thác gỗ theo đơn đặt hàng của các đầu nậu. Trong khi đó, lực lượng kiểm lâm mỏng, diện tích rừng tự nhiên của huyện khá lớn, gây rất nhiều khó khăn trong quản lý.

Qua một số vụ phá rừng tại tỉnh Bắc Cạn cho thấy công tác quản lý của các cơ quan liên quan chưa triệt để, thậm chí thiếu trách nhiệm. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng phá rừng diễn ra tại huyện Chợ Ðồn được xác định là do lãnh đạo Vườn quốc gia, Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Ba Bể chưa thường xuyên kiểm tra, giám sát các trạm kiểm lâm và kiểm lâm địa bàn trong việc xây dựng kế hoạch, tổ chức tuần tra kiểm tra rừng theo các văn bản chỉ đạo đã ban hành. Các trạm kiểm lâm không xây dựng kế hoạch, không lập sổ theo dõi; thiếu giám sát đối với tổ nhận khoán thực hiện tuần tra, chưa chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện phòng, chống chặt phá rừng trái phép.

Việc bố trí, phân công nhiệm vụ cho các trạm kiểm lâm chưa hợp lý so với diện tích, địa hình khu vực quản lý, chưa xác định rõ các khu vực, tuyến đường trọng yếu cần tăng cường lực lượng kiểm tra, quản lý. Một số tổ nhận khoán bảo vệ không có kế hoạch, biên bản tuần tra rừng, dẫn đến rừng bị chặt phá,... Lãnh đạo Vườn quốc gia Ba Bể, Hạt Kiểm lâm chưa kịp thời tổ chức kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra phá rừng theo chỉ đạo của UBND tỉnh.

Trao đổi với chúng tôi, Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm Ðoàn Hoài Nam khẳng định, một trong những khe hở để các đối tượng phá rừng hiện nay chính là sự buông lỏng quản lý của chủ rừng, của lực lượng kiểm lâm chuyên trách và chính quyền một số địa phương. Không ít vụ việc xảy ra có sự tiếp tay của lực lượng kiểm lâm, các cơ quan chức năng và sự làm ngơ của chính quyền sở tại. Tuy nhiên, hiện nay tại nhiều địa phương, việc xác định chủ rừng chưa thật rõ ràng. Một số nơi đang trong quá trình bàn giao rừng giữa ban quản lý với các hộ dân hoặc giữa chính quyền xã với doanh nghiệp có chức năng quản lý.

Các quy định hiện hành vẫn trùng lấn, không thống nhất, sự phân biệt giữa đất sản xuất và đất rừng chưa cụ thể. Mặt khác, chính các cơ quan được giao quản lý không thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình. Ðây chính là khe hở để các đối tượng lợi dụng phá rừng. Do tập quán canh tác phát nương, làm rẫy, mở rộng diện tích trồng hoa màu... bà con cố tình phá rừng để lấy đất sản xuất. Ở một số địa phương khác, do đồng bào di cư tự do, tự ý phá rừng để lấy đất làm nhà, trồng trọt. Không ít nơi rừng bị tàn phá do chính các chủ đầu tư mượn cớ làm đường, quy hoạch sản xuất... Phần lớn diện tích rừng nằm ở vùng sâu, vùng xa nên chỉ cần lực lượng chức năng một chút buông lỏng quản lý, thiếu tinh thần trách nhiệm; khi phát hiện vi phạm lại xử lý nương nhẹ... là các đối tượng phá rừng, khai thác gỗ trái phép sẽ được đà lấn tới.

(Còn nữa)

Tám tháng đầu năm, cả nước xảy ra 11.867 vụ phá rừng trái pháp luật. Trong đó, 987 vụ khai thác rừng trái phép, 96 vụ vi phạm quy định sử dụng đất lâm nghiệp, 4.712 vụ vận chuyển, buôn bán lâm sản trái phép. Tổng số vụ việc đã xử lý là 10.065 vụ, trong đó xử lý hình sự 237 vụ, xử phạt hành chính 9.828 vụ; tịch thu hơn 13.000 m3 gỗ các loại, thu nộp ngân sách gần 120 triệu đồng...

(Nguồn: Tổng cục Lâm nghiệp)

Bài, ảnh: VŨ THÀNH, CÔNG LÝ và THẾ BÌNH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/item/34183702-vi-sao-rung-van-bi-tan-pha-nghiem-trong-ky-1.html