Vì sao 'siêu pháo' A-222 Bereg của Nga không được quan tâm kể cả 'đại hạ giá'?

Tổ hợp pháo phòng thủ bờ biển A-222 Bereg của Nga đã đánh mất vị trí vào tay các tổ hợp tên lửa Bal, bởi vậy chúng đang dần bị loại biên và có thể sẽ được bán rẻ cho quốc gia nào quan tâm.

Hệ thống pháo phòng thủ bờ biển tự hành A-222 Bereg được Hải quân Nga phát triển để phối hợp tác chiến cùng những tổ hợp tên lửa bờ, nó được trang bị pháo nòng dài cỡ 130 mm có uy lực rất mạnh.

Lý do quan trọng nhất khi Hải quân Nga quyết định trang bị các tổ hợp A-222 Bereg đó là lấp kín “vùng chết” (cự ly từ 7 - 25 km) của các tổ hợp tên lửa bờ.

Ví dụ như tầm hiệu quả của tên lửa P-15M thuộc tổ hợp 4K51 Rubezh từ 8 km trở lên, con số này của tên lửa P-35 thuộc tổ hợp 4K44 Redut từ ngoài 15 km.

Mặc dù vậy khi các hệ thống Bal với tên lửa Kh-35 đi vào trực chiến thì khoảng trống cự ly trên đã được rút gọn xuống chỉ còn 5 km, đây là con số lý tưởng khi xe mang phóng có thể đứng cách bờ biển một khoảng nhằm tránh hỏa lực đáp trả của đối phương.

Trước hiệu quả của hệ thống Bal, A-222 Bereg đang dần đánh mất vai trò và được Hải quân Nga dần dần loại biên, ngoài việc đưa vào tình trạng niêm cất bảo quản thì họ cũng sẵn sàng bán rẻ lại cho quốc gia nào quan tâm.

Mặc dù vậy tổ hợp A-222 Bereg vẫn chưa được khách hàng nào quan tâm, bởi vì kể cả là hàng đã qua sử dụng thì mỗi hệ thống cũng có giá thành cao lên tới trên 20 triệu USD, nhược điểm khác là rất cồng kềnh, làm cho chi phí vận hành, bảo dưỡng tương đối lớn.

Như một động thái thuyết phục khác hàng tiềm năng hãy suy nghĩ lại thì trong buổi bình luận với hãng thông tấn Sputnik, chuyên gia quân sự Nga Alexey Leonkov đã cho biết ý kiến của mình.

Ông Alexey Leonkov nhận địn rằng A-222 Bereg vẫn không thể loại bỏ vì nó sẽ nhận trọng trách tiêu diệt tàu, xuồng cao tốc cỡ nhỏ áp sát bờ biển, khi đó tên lửa chống hạm là thiếu hiệu quả và rất lãng phí.

Nhưng có lẽ vị chuyên gia Nga quên rằng hầu như tất cả mọi lực lượng phòng thủ bờ biển hiện nay đều có trong trang bị các loại trọng pháo nòng dài uy lực chẳng kém.

Mặc dù không có hệ thống kiểm soát bắn hiện đại nhưng ưu thế của pháo xe kéo là giá thành rẻ, triển khai được nhiều, tạo ra mật độ hỏa lực đủ để tiêu diệt bất cứ nhóm xuồng cao tốc nào.

Hơn nữa trong trường hợp cần thiết thì có thể huy động pháo tự hành hay thậm chí là xe tăng chiến đấu chủ lực ra sát bờ biển để làm thay nhiệm vụ của A-222 Bereg.

Ưu điểm của xe tăng đó là nó có khả năng hạ nòng bắn thẳng chính xác hơn, khả năng cơ động linh hoạt của nó cũng vượt trội và giá thành thì cũng rẻ hơn nhiều lần.

Thậm chí khi cần thiết còn có thể huy động cả sự tham gia của các hệ thống pháo phản lực phóng loạt phối hợp tác chiến để tăng xác xuất tiêu diệt mục tiêu của lựu pháo.

Trước thực tế trên, có lẽ triển vọng xuất khẩu của tổ hợp pháo phòng thủ bờ biển A-222 Bereg là gần như không có, kể cả khi nó được bán với giá thanh lý khá dễ chịu.

Tương lai của thứ vũ khí "độc nhất vô nhị" này trong biên chế Hải quân Nga có lẽ sẽ là gắn liền với các kho niêm cất bảo quản dài hạn mà thôi.

Bạch Dương

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-vi-sao-sieu-phao-a222-bereg-cua-nga-khong-duoc-quan-tam-ke-ca-dai-ha-gia/798528.antd