Vì sao số người rút bảo hiểm xã hội một lần chủ yếu là nữ?

Số liệu thống kê cho thấy, số người rút bảo hiểm xã hội một lần thời gian qua chủ yếu là nữ, vậy đâu là nguyên nhân của thực trạng này?

Nhằm đảm bảo quyền lợi cho lao động nữ được quy định trong Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) phù hợp với yêu cầu, điều kiện hiện nay khi một số quy định của Luật Bảo hiểm Xã hội năm 2014 đã không còn phù hợp, ngày 28/3, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức hội thảo “Đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội tiếp cận dưới góc độ quyền của lao động nữ”.

Nhiều quy định không còn phù hợp

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận vào những vấn đề liên quan đến quyền của lao động nữ được quy định trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội cần được điều chỉnh, như: Chế độ chăm sóc con ốm, thủ tục, hồ sơ đề nghị hưởng chế độ; đảm bảo quyền lợi nghỉ thai sản cho người nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi khi không nghỉ việc; nghiên cứu quy định về thời gian đi làm trước thời hạn đối với lao động nữ sinh con; điều chỉnh thời gian nộp hồ sơ hưởng chế độ thai sản; chế độ thai sản dành cho đối tượng bảo hiểm xã hội tự nguyện...

Đại biểu tham dự hội thảo

Bên cạnh đó, còn có một số quy định khác, như: Bổ sung quy định về tiếp tục hưởng lương hưu đối với người tiếp tục ủy quyền; quy định về chế độ thai sản đối với người vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Dẫn thực tế từ khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, bà Ngô Thị Liên - Phó Chủ tịch Công đoàn các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội - chia sẻ, vấn đề được công nhân lao động tại đây đặc biệt quan tâm trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội đó là phương án rút bảo hiểm xã hội một lần.

Theo đó, dự thảo đưa ra 2 phương án rút bảo hiểm xã hội một lần: Phương án một, chỉ nhóm tham gia trước khi Luật có hiệu lực (trước 1/7/2025) mới được rút. Nhóm đóng sau thời điểm này không được rút, trừ người đủ tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài định cư; mắc bệnh nguy hiểm đến tính mạng.

Phương án hai, không phân biệt thời gian đóng, tất cả lao động đóng dưới 20 năm, sau một năm không tham gia hệ thống đều được rút nhưng không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất. Số năm còn lại được bảo lưu hưởng chế độ. Thông tin này lập tức đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều và gây tác động lớn đến công nhân lao động làm việc tại các doanh nghiệp.

Bà Liên bày tỏ: “Không ai muốn rút bảo hiểm xã hội 1 lần nếu như việc để lại có lợi cho họ. Đó là điều mà Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) chưa nêu ra được”.

Phó Chủ tịch Công đoàn các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội cho biết: Qua khảo sát nhanh tại Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội bằng lấy mẫu ngẫu nhiên tại 30 doanh nghiệp, kết quả cho thấy: Doanh nghiệp không có hiện tượng rút bảo hiểm xã hội một lần: 7 doanh nghiệp; 5 doanh nghiệp có hiện tượng rút bảo hiểm xã hội một lần ghi nhận 1-2 trường hợp; 10 doanh nghiệp có hiện tượng bảo hiểm xã hội một lần ghi nhận 3-5 trường hợp; 3 doanh nghiệp có hiện tượng rút bảo hiểm xã hội một lần ghi nhận 6-9 trường hợp; 1 doanh nghiệp có hiện tượng rút bảo hiểm xã hội một lần ghi nhận 10-15 trường hợp, đó là Công ty Energy Elentec Việt Nam (Khu Công nghiệp Quang Minh).

Tìm hiểu lý do chúng tôi được biết, một số công nhân phản ánh, họ nghe thông tin nếu đóng quá 19 năm sẽ không được rút bảo hiểm xã hội 1 lần nữa. Bên cạnh đó, một số người lao động khác cho rằng tuổi hưu đủ 60 tuổi của nữ và đủ 62 tuổi đối với nam là quá dài. Họ không thể làm việc và đóng bảo hiểm xã hội đến tuổi này. Do từ 45 tuổi trở đi, sức khỏe của họ giảm dần, độ linh hoạt và khả năng hoàn thành công việc, sản lượng sản phẩm được doanh nghiệp giao rất hạn chế. Từ đó, đa phần họ đã rời thị trường lao động công nghiệp, không tham gia tiếp tục bảo hiểm xã hội được nữa nên nhu cầu hưởng bảo hiểm xã hội một lần là đương nhiên”, bà Liên cho hay.

Là đơn vị có tới 77.095 đoàn viên nữ, chiếm 71% người lao động, bà Nguyễn Thanh Hoàn - Trưởng ban Chính sách – Pháp luật, Công đoàn Dệt May Việt Nam nêu vấn đề: Cần nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng và xem xét lại mức hưởng lương hưu đối với lao động nam, vì tuổi nghỉ hưu theo quy định cũ đối với nam giới là 60 tuổi, quy định mới là 62 tuổi, tức là chỉ tăng 2 tuổi trong khi lao động nữ tăng 5 tuổi nhưng mức hưởng lương hưu từ đủ 15 năm của lao động nam đang bị tính giảm cơ học gây nên sự bất bình đẳng đối với lao động nam. Đồng thời, việc giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội xuống 15 năm không có ảnh hưởng tích cực đối với lao động ngành dệt may.

Bà Hoàn phân tích, việc rút ngắn thời gian đóng bảo hiểm xã hội có lợi đối với những người tham gia bảo hiểm xã hội muộn (45 - 47 tuổi mới bắt đầu tham gia) hoặc những người tham gia không liên tục dẫn đến khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội cũng được hưởng lương hưu hàng tháng. Tuy nhiên, ngành dệt may, đa phần người lao động bắt đầu làm việc từ rất sớm (18 - 20 tuổi) nên việc rút ngắn điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu không có ảnh hưởng tích cực. Bởi vì, việc rút ngắn điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu nhưng không giảm tuổi nghỉ hưu thì khoảng cách từ lúc đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội đến lúc đủ tuổi nghỉ hưu rất lớn, trong khi từ trên 45 tuổi, người lao động ngành dệt may thường bị suy giảm khả năng lao động nên nếu nghỉ hưu sớm hơn tuổi quy định thì mức hưởng lương hưu rất thấp. Do đó, người lao động ngành dệt may sẽ vẫn lựa chọn chế độ bảo hiểm xã hội một lần mà khó có thể tiếp tục làm việc đến tuổi nghỉ hưu.

Vai trò của công đoàn

Từ những phản ánh thực tế của người lao động, Phó Chủ tịch Công đoàn các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội kiến nghị, cơ quan bảo hiểm xã hội cần dung hòa lợi ích giữa chính sách và nguyện vọng của người lao động để hạn chế tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần, cần có quy định tăng chế độ chính sách của bảo hiểm xã hội nhằm giữ người lao động tham gia thay vì hạn chế quyền rút của người lao động.

Cùng quan điểm với bà Liên, nhiều ý kiến cho rằng cơ quan chức năng cần có giải pháp tháo gỡ và triển khai hiệu quả Luật Bảo hiểm xã hội tới người lao động, hướng tới mục tiêu lớn hơn của quốc gia là đảm bảo một hệ thống bảo hiểm xã hội hiện đại để thúc đẩy công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững.

Đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho lao động nữ là một trong những nhiệm vụ quan trọng của công tác nữ công công đoàn. Trong những năm qua, tổ chức công đoàn đã không ngừng nỗ lực trong công tác đại diện, chăm lo, bảo vệ đối với lao động nữ và trẻ em thông qua nhiều hoạt động như thực hiện đối thoại tại nơi làm việc, xây dựng, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với lao động nữ, đặc biệt tham gia đóng góp nhiều ý kiến trong xây dựng Bộ Luật Lao động năm 2019 và Nghị định 145/2020/NĐ-CP nhằm bảo đảm chính sách cho lao động nữ và thúc đẩy bình đẳng giới.

Trong quá trình tham gia xây dựng Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã chủ trì tổ chức một số hội thảo và tham gia nhiều hội thảo, nhiều ý kiến đã được Ban soạn thảo tiếp thu.

Tuy nhiên, trong quá trình tham gia và nghiên cứu dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng nhận thấy một số quy định trong dự thảo Luật còn chưa rõ và cần điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tiễn đảm bảo cho lao động nữ thực hiện quyền lợi của mình. Vì vậy, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã giao Ban Nữ công Tổng Liên đoàn chủ trì tổ chức hội thảo tại 2 miền Bắc, Nam để xin ý kiến đóng góp của các chuyên gia, cán bộ công đoàn và người lao động vào dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội tiếp cận dưới góc độ quyền của lao động nữ.

Ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, Luật Bảo hiểm xã hội liên quan đến đông đảo người lao động, trong đó có nữ giới. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ tổng hợp, báo cáo Ban soạn thảo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để đóng góp tiếng nói của công đoàn nói chung và đặc biệt là tiếng nói của lực lượng làm công tác nữ công của tổ chức công đoàn nói riêng, để Luật Bảo hiểm xã hội đảm bảo tính khả thi, khoa học, chặt chẽ trong thời gian tới.

Dự kiến, dự án Luật Bảo hiểm xã hội sẽ được Quốc hội thông qua vào cuối năm 2024, trong đó có nhiều nội dung liên quan trực tiếp tới quyền và lợi ích của người lao động.

Thanh Tâm

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/vi-sao-so-nguoi-rut-bao-hiem-xa-hoi-mot-lan-chu-yeu-la-nu-311450.html