Vì sao Syria vây chặt nhưng chưa tấn công vào Idlib?

Quân đội Syria đã hoàn thành mọi sự chuẩn bị cho chiến dịch quân sự quy mô lớn nhằm vào Idlib, nhưng vẫn còn cần chờ một tín hiệu.

Sự sốt ruột của Syria

Chiến dịch giải phóng miền Nam của quân đội Syria phối hợp với quân đội Nga được cho là kết thúc tốt đẹp khi thành lũy cuối cùng của khủng bố IS ở al-Safa và Suwayda đã bị quét sạch. Ước tính, Syria đã loại khỏi vòng chiến đấu khoảng gần 20.000 tay súng IS.

Với chiến thắng này, chính quyền của ông Bashar al-Assad mở rộng thêm sự kiểm soát vào phần rộng lớn lãnh thổ ở miền Nam, nâng tổng diện tích kiểm soát lên khoảng 70%.

Tuy nhiên, để giải phóng toàn bộ lãnh thổ vẫn là một bài toán khó với chính quyền Damascus. Phía Bắc, tại Idlib, Aleppo, Hama... vẫn còn sự chiếm đóng của nhiều nhóm vũ trang đối lập ước chừng từ 50.000 đến 75.000 tay súng (nhiều số liệu thống kê).

Đáng kể nhất là Hay'at Tahir al-Sham (HTS) và Mặt trận Giải phóng Quốc gia (NLF). Những nhóm vũ trang này được trang bị tận răng với đầy đủ các loại vũ khí hạng nặng. Ngoài ra, thời gian một tháng vàng ngọc mà thỏa thuận Sochi mang lại đã giúp những phe nhóm này hoàn thiện việc chuẩn bị công sự, chiến hào và sẵn sàng chiến tranh lâu dài với quân đội Syria.

Quân đội Syria trong một tiền đồn gần Idlib

Tiếp đến, miền Đông Syria vẫn đang thuộc quyền kiểm soát của lực lượng Dân chủ Syria (SDF) được Mỹ hậu thuẫn với nòng cốt là người Kurd tại Syria. Đây là một lực lượng đông đảo và tinh nhuệ. Đáng gờm hơn còn nhận được sự đào tạo bài bản và trang bị đầy đủ của quân đội Mỹ và đồng minh.

Có thể đoán chắc được mục tiêu tiếp theo của Syria sau khi giải phóng miền Nam sẽ là Idlib. Bởi lực lượng tinh nhuệ nhất "Hổ Syria" vẫn túc trực tại phía Bắc và không tham gia vào các chiến dịch quân sự tại miền Nam. Điều này cho thấy tính quan trọng của chiến trường phía Bắc còn được Damascus đề cao hơn miền Nam.

Ngoài ra, quân đội Syria đã thực hiện hàng loạt cuộc chuyển quân quy mô lớn từ Nam lên Bắc sau khi hoàn thành việc tiêu diệt IS. Bản thân Tổng thống Bashar al-Assad cũng nhấn mạnh đã sẵn sàng cho các chiến dịch giải phóng Idlib.

Syria đang chờ đèn xanh

Chuẩn bị đầy đủ và sẵn sàng, nhưng quân đội Syria chưa tấn công. Vậy điều gì còn ngăn cản Syria không trút bão lửa lên Idlib như đã làm với miền Nam?

Trước hết, thỏa thuận Sochi giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ được đưa ra nhằm tránh một thảm họa nhân đạo ở đây. Khi giao tranh nổ ra, ước tính hai bên sẽ huy động khoảng hơn 100.000 quân và ảnh hưởng trực tiếp đến 2.000.000 dân thường tại khu vực này.

Moscow và Ankara thực hiện thỏa thuận Sochi nhằm yêu cầu các nhóm đối lập rút quân và vũ khí hạng nặng khỏi Idlib để tránh quá nhiều máu phải đổ xuống. Nhưng thỏa thuận Sochi đã đổ bể. Thảm họa nhân đạo vẫn còn hiện hữu. Syria đang phải đối mặt với việc chấp nhận đổ máu để giành được toàn vẹn lãnh thổ.

Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ trong một đài quan sát tại lãnh thổ Syria

Dù chấp nhận "toàn vẹn chủ quyền bằng bất cứ giá nào" như ông Assad tuyên bố hồi giữa tháng 10, thì Syria vẫn phải chờ tín hiệu thứ hai.

Cần chú ý rằng Ankara huy động không ít quân thường trực trên lãnh thổ Syria. Họ lập 12 tiền đồn, hàng trăm xe bọc thép, trải dài quân suốt một dọc biên giới phía Bắc Syria với Thổ Nhĩ Kỳ.

Dụng ý của Ankara muốn biến miền Bắc Syria thành vật trong túi với đại diện kiểm soát là lực lượng NLF. Với vùng lãnh thổ cướp được này, Thổ Nhĩ Kỳ tạo ra một vùng đệm để ngăn cản các cuộc tấn công của người Kurd nhằm vào nội địa. Đồng thời mở rộng bành trướng và gia tăng ảnh hưởng với quốc gia láng giềng Syria. Nếu Syria động binh với Idlib, chưa chắc Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đứng nhìn.

Tiếp đến, Nga chưa phát tín hiệu tấn công miền Bắc. Nếu không có sự giúp đỡ của không quân Nga, chắc chắn Syria sẽ rất khó khăn khi tấn công Idlib. Minh chứng rõ ràng nhất, nếu không có sự hỗ trợ của Nga, chiến dịch miền Nam sẽ không thể tốc chiến tốc thắng như vừa qua. Syria buộc phải chờ.

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ đang thay Nga tiêu diệt các phe phái thân Mỹ ở phía Đông Syria. Do đó, vai trò của Ankara trong bàn cờ quân sự mà Moscow đạo diễn là không hề nhỏ.

Như vậy, tín hiệu thứ hai mà Syria chờ đợi sẽ là kết quả của cuộc dàn xếp lợi ích giữa các phe phái đang hiện diện tại miền Bắc nước này. Mà cụ thể là cuộc đàm phán giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.

Tín hiệu cho Syria sẽ sớm đến thôi khi ngày 28, 29/11 tới, các bên Nga, Thổ, Iran, Syria và phe nổi dậy Idlib (cụ thể là NLF) sẽ tiến hành vòng đàm phán tiếp theo tại Kazakhstan.

Đỗ Tú

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/vi-sao-syria-vay-chat-nhung-chua-tan-cong-vao-idlib-3369509/