Vì sao ta cần sách

Chúng ta đã nói với nhau quá nhiều về lợi ích của việc đọc sách nhưng chúng ta chưa nói nhiều về chiều bên kia của những lợi ích.

Hãy chiêm ngưỡng thật lâu một cái bánh xe. Ý tôi là bạn phải đào sâu vào ý tưởng siêu hình mà chiếc bánh xe ấy sẽ mang lại. Bạn phát hiện ra điều gì chưa? Nếu chưa cứ tiếp tục quan sát và hình dung về chúng.

Hoặc bạn có thể đọc thêm chia sẻ này như là một ý tưởng tham khảo, dĩ nhiên rồi, nếu bạn muốn dành thời gian cho những thứ trừu tượng.

Ở mỗi lĩnh vực kiến thức, nếu chỉ tiếp cận ở mức độ bề mặt, chúng ta sẽ không tận hưởng được niềm vui sướng khi chứng kiến toàn bộ nhánh tri thức đều có điểm giao nhau ở tâm. Tri thức bề mặt ở đây chỉ những nội dung cung cấp kiến thức dạng ngắn. Nó không mang lại hiểu biết sâu cho người lĩnh hội. Nó chỉ dễ tiếp cận và tạo cảm hứng để ta khám phá thêm mà thôi.

 "Đọc sách là hành động ghi nhận thông tin, ghi nhận rằng không chỉ cuộc đời mình đang sống là sống động, cuộc đời của những nhân vật bên trong sách cũng tràn trề nhựa sống". Ảnh: Lê Duyên.

"Đọc sách là hành động ghi nhận thông tin, ghi nhận rằng không chỉ cuộc đời mình đang sống là sống động, cuộc đời của những nhân vật bên trong sách cũng tràn trề nhựa sống". Ảnh: Lê Duyên.

Đó là lý do chúng ta cần sách và ý nghĩa mà sách tồn tại.

Tại sao phải là sách?

Chúng ta đã nói với nhau quá nhiều về lợi ích của việc đọc sách nhưng chúng ta chưa nói nhiều về chiều bên kia của những lợi ích. Đó là chiều kích của những ý nghĩa thuần khiết giữa sách và con người.

Đọc sách là hành động ghi nhận thông tin, ghi nhận rằng không chỉ cuộc đời mình đang sống là sống động, cuộc đời của những nhân vật bên trong sách cũng tràn trề nhựa sống. Thứ nhựa sống tuôn chảy bất chấp không-thời gian ấy cứ len lỏi vào tâm trí qua từng thế hệ để rồi chớp lấy thời cơ mà làm tan rã bản ngã của bất kỳ ai, bất kỳ những bộ óc kiêu hãnh nào.

Đọc sách là một trải nghiệm nuôi dưỡng tâm hồn. Mà tâm hồn là không gian của thụ cảm, của nhấm nháp, của lặng thinh tĩnh tại.

Nhà văn rửa sạch câu văn còn câu văn rửa sạch tâm hồn người đọc. Càng đọc nhiều sách, đọc đúng sách, tâm hồn càng trong trẻo. Chính xác là dáng hình trinh nguyên thẳm biếc của bầu trời vô tận, không chút gợn mây - những đám mây bị đẩy đưa bởi cơn gió và hàm chứa trong nó những tư tưởng, những lý tưởng và ý thức hệ sẵn sàng chiếm lấy không gian thoáng đãng mát lành và tinh khôi của tâm hồn.

Sách Đạo của vật lý. Ảnh: Lê Duyên.

Chúng ta không khác nhau ở việc ai đọc nhiều hơn hay ít hơn. Chúng ta khác nhau bởi cách chúng ta thụ cảm cuộc đời. Dĩ nhiên rồi, đọc sách không phải là cách duy nhất để mở rộng không gian nhận thức hay nâng cao mức tâm thức thụ cảm. Vũ trụ có hàng triệu cách khả dĩ dạy ta cách thực hiện điều này. Nhưng sách tồn tại lâu dài đến thế hẳn là do vũ trụ ưu ái hơn rồi phải không?

Dẫu không phải là cách duy nhất nhưng sách lại là cách âm thầm nhất, kiên nhẫn nhất để con người ta thong thả vừa khám phá chính mình vừa thưởng thức những điều đang và sẽ xảy ra bên trong chính ta và xung quanh ta.

Sách kiên nhẫn đến thế cũng bởi ta đã biết cách kiên nhẫn với chính mình, không thì làm sao những cuốn sách dày cộp thế kia được làm ra?

Chúng ta đã thể nghiệm mọi điều cùng sự kiên nhẫn từ lâu, rất lâu rồi. Chỉ là bây giờ, ở nơi mà ta gọi là nhịp sống hiện đại hối hả cuốn lấy sự nhịp nhàng chậm rãi của ta và đẩy ta vào thế sự của tức thời, của hành động này bắt lấy hành động kia trong nháy mắt, sự kiên nhẫn cần được con người nâng lên một cấp độ cao hơn, vững chắc hơn, rõ ràng hơn.

Để một lần nữa, chúng ta và sách lại tiếp tục bồi dưỡng những rung cảm từ tâm thức cũng như nuôi dưỡng ý nghĩa tồn tại cho nhau.

Cho dẫu sách, bằng cách nào đó, vô tình thôi, có thể khiến ta trở nên lạc lối trong bóng tối kiêu kỳ ngã mạn hoặc làm ta lóa mắt với nguồn ánh sáng tri thức, hãy cho phép phẩm chất kiên nhẫn bên trong mỗi người được hiển lộ sinh động hơn nữa thông qua việc đọc sách.

Hãy kiên nhẫn với sự kiên nhẫn, đào sâu tri thức thông qua sách là một trong những cách chúng ta đào sâu vào nội tâm.

Hành trình thám hiểm vào tâm sẽ bày ra trước mắt chúng ta những thông tin và hình ảnh liên kết nhau giữa các nhánh tri thức. Chúng giao thoa lẫn nhau. Niềm vui sướng trước mối liên kết siêu hình vĩ đại này còn dạy chúng ta một bài học lớn hơn nữa.

Đấy là nhận thức đại đồng về sự tồn tại (nhất nguyên thay thế nhị nguyên), bao gồm những thứ vô hình và hữu hình. Bạn sẽ thấy cách mà con người và vạn vật và vũ trụ này tồn tại như một nhất thể.

Hãy tưởng tượng thật sống động về điều này!

Toàn bộ tri thức hữu ích, thông qua kiểm chứng của thời gian, không bị đào thải, tồn tại mãi với nhân loại thường được viết ra sau khi người ta đã trở về tâm.

Để có thể suy tưởng nhiều hơn về vấn đề này, bạn có thể dành thời gian tìm đọc cuốn sách Đạo của vật lý (tác giả: Fritjof Capra, dịch giả: Nguyễn Tường Bách). Đạo của vật lý là cuộc hạnh ngộ tại tâm của khoa học phương Tây và huyền học phương Đông; sự giao thoa giữa tri thức hiện đại và cổ xưa.

Hai nhánh tri thức lớn này, nếu chỉ nhìn ở bề mặt, dường như chẳng liên quan đến nhau nhưng cuối cùng cũng có điểm giao nhau nhờ vào phẩm chất kiên nhẫn trong quá trình thám hiểm sâu vào bản chất tồn tại các hạt vật chất và vũ trụ.

Hy vọng thông qua góc nhìn sống động, sâu sắc, khái quát và dàn trải trên cả hai địa hạt tri thức quan trọng Vật lý hiện đại và Đạo học phương Đông của tác giả, sẽ góp phần thúc đẩy phẩm chất kiên nhẫn và lòng can đảm trong mỗi chúng ta để bắt đầu "Hành trình vào tâm mình và vũ trụ", chạm đến bản chất chân nguyên của sự hiện hữu.

Lê Duyên

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vi-sao-ta-can-sach-post1425177.html