Vì sao ta lấy nhầm người?

Lấy nhầm người là một trong những điều lo sợ nhất của bất kỳ ai. Lo lắng là vậy, đắn đo lựa chọn đối tượng kết hôn…nhưng nhiều người vẫn cảm thấy mình đã lấy nhầm người.

Glynn DeMoss Wolfe, người từng giữ kỷ lục thế giới khi trải qua 26 cuộc hôn nhân, từng nói rằng: “Hôn nhân giống như sưu tập tem, bạn luôn tìm kiếm những điều hiếm hoi, có thể thành công hoặc thất bại”. Hôn nhân tựa như “mò kim đáy bể” để tìm một người bạn đời phù hợp. Nhưng thực tế, không phải ai cũng tìm được mảnh ghép phù hợp. Nhưng có lẽ, nói đúng hơn, sự thật có thể đơn giản hơn ta nghĩ: Hoàn hảo chẳng mấy người. Tật xấu lại thường xuyên.

Khi độc thân, con người thường đặt ra nhiều tiêu chuẩn từ thấp đến cao để lựa chọn người bạn đời phù hợp với mình. Nhưng sau khi kết hôn, nhiều trường hợp lại lâm vào cảnh “hôn nhân là nấm mồ của tình yêu”, mọi tiêu chuẩn bị “xoay vần”.

Nếu như bản thân và đối tác không hạnh phúc như hồi yêu nhau, đó là khi trào lên cảm giác thất vọng về lựa chọn người bạn đời. Nhưng nếu bản thân cảm nhận được ý nghĩa và mục đích sống trong cuộc sống gia đình, cùng chia sẻ với đối tác sẽ làm tăng cảm giác hài lòng về hôn nhân. Đó chính là lý thuyết về lựa chọn người bạn đời: Bạn có thể đào thấy “quả mìn” hoặc “mỏ vàng” trong hôn nhân.

Khi yêu, con người thường cho rằng họ đã tìm thấy “mỏ vàng” của mình. Hai bên đều hào hứng, trải qua cảm giác yêu thương, rung động con tim với những cảm xúc ngọt ngào. Sự lãng mạn giúp họ có những hành động tốt đẹp, cư xử vị tha hơn, luôn muốn tạo ra hình ảnh bản thân tốt nhất trong cảm nhận của người bạn đời tương lai. Nhưng khi đã kết hôn, thì những cảm xúc, tình cảm đó không còn vẹn tròn khiến hình ảnh “soái ca”, “mỹ nữ” dần mai một.

Giả định, trong quá trình tán tỉnh, một anh chàng sẽ sẵn sàng trở thành chú mèo Kitty, lặng yên lắng nghe những cảm xúc của người yêu về cuộc sống, cùng chia sẻ, động viên để vượt qua những khó khăn. Nhưng hành động lại hoàn toàn biến mất sau khi kết hôn thì đó chính là khi cô gái cảm thấy đã kết hôn nhầm người. Vì sao lại vậy?

Không hiểu mình

Con người thường có xu hướng tìm kiếm những người có thể lấp đầy khoảng trống trong tâm hồn họ. Vì vậy, việc đặt ra tiêu chuẩn bạn đời rất quan trọng, có thể quyết định cảm giác thất vọng hay thỏa mãn trong hôn nhân. Thực tế, nhiều cô nàng vẫn than rằng, khi chọn người yêu không đặt ra tiêu chuẩn, chỉ cần tình yêu chân thành, “nắng mưa biết chạy vào nhà” là được. Điều đó không hẳn là sai, nhưng chính những cảm giác mơ hồ như vậy có thể khiến họ cảm thấy thất vọng trong hôn nhân.

Lầu đầu tìm bạn đời, con người thường đưa ra những yêu cầu và tô vẽ chúng rất mơ hồ, đầy cảm tính, không rõ ràng nhưng vô cùng đẹp đẽ: họ cho rằng muốn tìm một nửa còn lại “tử tế” hoặc “vui khi sống cùng”, rồi “hấp dẫn” hoặc “thích phiêu lưu”…Nhưng thực tế, con người hiếm khi tự vấn để thấu hiểu những phức tạp của bản thân trước khi tiến tới hôn nhân. Họ chỉ nhìn thấy nỗi đau khổ của mình và đặt câu hỏi: “Tại sao tôi đột nhiên trở nên rất bất hạnh và tôi cần làm điều gì?”

Trước khi kết hôn, con người hiếm khi vướng vào những căng thẳng đến mức phải cầm gương soi lại sự rối rắm trong tâm trí. Chỉ đến khi hôn nhân bị đe dọa khiến họ bộc lộ những khiếm khuyết, bản chất, rồi đổ lỗi luôn cho “đối phương”. Đó chính là lý do vì sao chỉ đến khi xảy ra xích mích, khó khăn vợ chồng thường lời qua tiếng lại trong trạng thái mất kiểm soát tâm trí, buông những lời xúc phạm nhau. Còn với bạn bè, họ dĩ nhiên là chả quan tâm đến mức chọc ngoáy vào con người thật của ta, họ chỉ muốn một buổi tối đi chơi vui vẻ. Kết quả, ai cũng mù tịt về các khía cạnh kỳ quặc trong bản tính của mình để rồi đổ lỗi hôn nhân không hạnh phúc cho đối phương.

Không hiểu đối tác

Trong khi đó, đối tác cũng chẳng khá khẩm hơn, mặc dù trong khi yêu, cả hai vẫn cố gắng tìm hiểu nhau. Họ đến thăm gia đình, ngắm nghía các bức ảnh, gặp gỡ bạn bè… Tất cả những việc làm này mang lại cho con người cảm giác đã làm đủ bài tập về nhà. Nhưng thực tế, họ chẳng khác gì chàng phi công tập sự, luôn tin rằng mình có thể lái máy bay sau khi phóng thành công một chiếc phi cơ giấy trong phòng.

Thực tế phũ phàng hơn nhiều, hôn nhân như một canh bạc, hứa hẹn sự tử tế, đầy vui vẻ từ hai con người luôn cho rằng mình đã hiểu nhau. Chính điều này đã khiến họ tự tự trói buộc nhau vào một tương lai chưa không rõ ràng mặc dù cả hai đã thận trọng điều tra kỹ càng.

Con người luôn bị vẻ bề ngoài “dắt mũi” mặc dù đã thu lượm được hàng đống thông tin, cho rằng đã thấu hiểu tâm tư của đối phương, hay lập trường, quyền lực, vinh nhục, nội tâm, chuyện chăn gối, lòng thủy chung…. Thực tế, những điều này không thể “nhìn mặt bắt hình dong”, không thể qua nụ cười, đôi mắt, cái mũi…

Chạy trốn cảm giác cô đơn

Con người luôn cho rằng bản thân đang tìm kiếm hạnh phúc trong hôn nhân, muốn tình yêu đôi lứa đơm hoa kết trái. Thực tế không đơn giản như vậy bởi “tình chỉ đẹp khi còn dang dở, đời mất vui khi đã vẹn câu thề”. Chính vì vậy, một người có tâm trạng cô đơn, không chịu đựng nổi cảm giác độc thân sẽ không đủ minh mẫn khi lựa cọn người bạn đời. Họ thường mau kiếm tìm những tình yêu khác để lấp đầy khoảng trống cô đơn.

Nhưng thật xui, đến độ tuổi nhất định, xã hội thường khiến việc sống độc thân thành khó chịu đến nguy hiểm. Từ “ế” khiến những cô gái chàng trai lớn tuổi đành “nhắm mắt làm liều”. Tất nhiên, sẽ khó tránh khỏi sai lầm khi luôn có suy nghĩ muốn thoát khỏi năm tháng cô đơn bằng cách chọn bừa một người để kết hôn.

Kết hôn theo lý trí

Nhìn lại suốt chiều dài lịch sử, con người thường kết hôn vì những kiểu nguyên nhân đầy lý trí: bởi vì cô này sống ngay ở làng bên, gia đình anh kia giàu có, hay anh ta có “nhà mặt phố bố làm quan”, được kế thừa cả một dinh thự, hay đơn giản là cả cha mẹ hai bên cùng theo một tôn giáo…. Chính trong những cuộc hôn nhân kiểu đó khiến nhiều người hứng chịu sự cô đơn, phản bội, ngược đãi, giày vò con tim. Đó là cuộc hôn nhân, không hề có nghĩa lý, nó chỉ mang tính hạ sách, thiển cận, hợm hĩnh và đầy thực dụng. Chính vì vậy, nó nhường ngôi cho hôn nhân của tình cảm xuất hiện như một lẽ hiển nhiên.

Kết hôn vì cảm xúc lẫn lộn

Nhiều người kết hôn sai vì nhầm lẫn giữa tình yêu với những tình cảm khác: cảm giác muốn giúp đỡ một người lạc lối, cảm giác thiếu vắng tình thương của cha mẹ, sợ hãi điều gì đó… Cứ thế, họ loại dần đi những ứng viên phù hợp để tiến tới hôn nhân với một người bị nhầm lẫn tình cảm. Họ chọn sai bạn đời vì bản thân không kết nối được cảm giác hạnh phúc với cảm xúc được yêu thương thực sự.

Người thích hợp nhất với chúng ta không phải người chia sẻ mọi khẩu vị, sở thích với ta (người đó không tồn tại), mà là người có thể thương lượng và thỏa hiệp một cách thông minh. Thông thường, con người có khả năng đó khi “đủ yêu”. Nói cách khác, khả năng tương thích là một thành tựu của tình yêu, không phải điều kiện tiên quyết.

Chủ nghĩa lãng mạn nghe thì tốt đẹp nhưng thực tế, lại là yếu tố khiến cuộc hôn nhân trở thành địa ngục. Còn chủ nghĩa bi quan, nghe thì tiêu cực, nhưng đôi khi lại có tác dụng làm giảm trí tưởng tượng quá mức phong phú về màu hồng của đời sống hôn nhân. Thay vì chỉ “một thoáng mộng mơ” rồi mặc trí tưởng tượng bay xa, học cách thích những khiếm khuyết, chấp nhận quan điểm tha thứ quan trọng cho đời sống hôn nhân hơn nhiều.

Hương Nguyên

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/xa-hoi-gia-dinh/vi-sao-ta-lay-nham-nguoi