Vì sao Tập đoàn Hòa Phát (HPG) đề nghị điều tra chống bán phá giá thép HRC Trung Quốc?

Mặc dù tự tin chi phí sản phẩm HRC hiện ở mức cạnh tranh trong khu vực châu Á, Tập đoàn Hòa Phát (mã cổ phiếu HPG) vừa qua đã nộp đơn khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm HRC từ Trung Quốc đến Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương.

Ông Nguyễn Việt Thắng - Tổng giám đốc Tập đoàn Hòa Phát trả lời các câu hỏi của nhà đầu tư tại buổi gặp mặt.

Tại buổi Gặp mặt nhà đầu tư tại Khu Liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất do Tập đoàn Hòa Phát (mã cổ phiếu HPG - sàn HoSE) tổ chức vừa diễn ra, trước một số lo ngại của nhà đầu tư về sức ép cạnh tranh từ thép giá rẻ của Trung Quốc, ông Nguyễn Việt Thắng - Tổng giám đốc Tập đoàn Hòa Phát tự tin khẳng định giá thành hiện nay của tập đoàn “hoàn toàn có thể cạnh tranh được”.

Dữ liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 2 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã nhập 1,89 triệu tấn HRC với giá trị nhập khẩu trên 1 tỷ USD. Trong đó, thép có xuất xứ từ Trung Quốc chiếm đến 74,2% tổng khối lượng nhập khẩu. Đáng chú ý, trong 12 tháng trở lại đây, giá HRC của Trung Quốc đã giảm gần 16%, từ 618 USD/tấn xuống còn khoảng 520-560 USD/tấn tùy loại.

Chia sẻ thêm thông tin về việc giá thép Trung Quốc giảm mạnh, ông Nguyễn Việt Thắng cho biết, những năm trước, khi kinh tế phát triển, phần lớn lượng thép sản xuất của Trung Quốc được hấp thụ bởi cầu trong nước, tỷ lệ xuất khẩu thấp.

Tuy nhiên, 03 năm trở lại đây, tình hình kinh tế đi xuống, bất động sản trì trệ khiến cho lượng thép sản xuất dư thừa quá lớn, buộc các nhà sản xuất phải đẩy mạnh xuất khẩu và đưa đến hiện tượng tràn vào các nước như Việt Nam. Trung Quốc là nước sản xuất thép lớn nhất thế giới với sản lượng sản xuất chiếm 60% sản lượng toàn cầu.

Đáng chú ý, Tập đoàn Hòa Phát cho biết một số hãng thép Trung Quốc đang chấp nhận bán lỗ, cạnh tranh không lành mạnh để tiêu thụ được sản phẩm tại Việt Nam. Do đó, Tập đoàn Hòa Phát đã nộp đơn khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cuộn cán nóng (HRC) từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, việc điều tra và áp thuế chống bán phá giá hay không đều không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của doanh nghiệp. Đơn vị đưa ra quyết định là cơ quan quản lý, dựa trên dữ liệu và đánh giá khách quan, ông Nguyễn Việt Thắng cho biết.

Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát trong năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Theo đánh giá hiện nay của một số tổ chức tài chính, sản phẩm HRC của Tập đoàn Hòa Phát đã có chi phí sản xuất tương đối cạnh tranh tại châu Á. Bằng chứng là trong năm 2023 khi giá thép thế giới ở đáy chu kỳ và chịu áp lực cạnh tranh gay gắt từ thép giá rẻ của Trung Quốc, Tập đoàn Hòa Phát vẫn tiêu thu được từ 315.000 - 325.000 tấn HRC/tháng qua kênh xuất khẩu lẫn tiêu thụ nội bộ cho sản xuất ống thép, tôn mạ.

Khi dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Dung Quất 2 đi vào hoạt động tối đa công suất (dự kiến từ năm 2026 - 2027), chi phí sản xuất HRC của Tập đoàn Hòa Phát sẽ ở mức cạnh tranh hàng đầu khu vực ASEAN và có thể trên toàn châu Á.

Tổng giám đốc Tập đoàn Hòa Phát cũng cho biết, trên thực tế, thép là một trong những ngành bị khởi xướng điều tra và áp thuế chống bán phá giá trên thế giới. Ở vai trò là một doanh nghiệp xuất khẩu thép, Tập đoàn Hòa Phát cũng luôn đối diện với rủi ro áp thuế tự vệ thương mại tại các thị trường nước ngoài.

Hiện nay, sản phẩm thép cuộn cán nóng HRC của Tập đoàn Hòa Phát chủ yếu xuất khẩu sang thị trường EU, Mỹ, Mexico, và ASEAN. Nếu xuất khẩu quá nhiều vào một thị trường thì rủi ro bị áp thuế tự vệ rất cao. Do vậy, Tập đoàn Hòa Phát luôn nỗ lực đa dạng thị trường xuất khẩu để giữ tỷ trọng ít có nguy cơ bị kiện nhất, ông Nguyễn Việt Thắng chia sẻ.

Mạnh Hùng

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.com.vn/bai-viet/vi-sao-tap-doan-hoa-phat-hpg-de-nghi-dieu-tra-chong-ban-pha-gia-thep-hrc-trung-quoc-118735.htm