Vì sao tàu nước ngoài tự ý phụ thu nhiều loại phí?

Thời gian qua, tình trạng các hãng tàu nước ngoài tăng phụ phí gây nhiều bức xúc cho các chủ hàng Việt Nam. Các chủ hàng trở thành đối tượng chịu tác động lớn nhất bởi việc tăng các chi phí này. Để thị trường cước vận tải hàng hải không bất ổn, Cục Hàng hải Việt Nam vừa đưa ra hàng loạt giải pháp để siết chặt việc các hãng tàu nước ngoài phụ thu nhiều loại phí dịch vụ hàng hải khiến các chủ hàng 'than trời'.

Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Lê Đỗ Mười cho biết, ông đã giao các cảng vụ hàng hải và chi cục hàng hải kiểm tra giá cước vận chuyển của các hãng tàu và kiểm tra các phụ phí, tránh tình trạng các hãng tàu vi phạm luật cạnh tranh. Nhấn mạnh Chính phủ đang tìm các phương án để giảm giá thành chi phí logistics, ông Mười cho rằng việc các hãng tàu tăng phụ phí một cách vô lý là điều khó chấp nhận.

Theo ông Mười, phí và phụ phí của các hãng tàu hiện nay đang thả nổi theo thị trường. Mức giá, phí tùy mức kinh doanh của các hãng tàu để xác định phụ thu. Từ đây, ông Mười đề nghị các hãng tàu cần xem xét lại và có những điều chỉnh để cân bằng, phù hợp, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam, khuyến khích các hãng tàu có giải pháp giảm phụ phí tối đa nhất hoặc thu ở mức vừa phải để đảm bảo lợi nhuận của hãng tàu.

Cảng vụ hàng hải và Chi cục Hàng hải Việt Nam sẽ kiểm tra giá cước vận chuyển của các hãng tàu.

Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cũng khuyến cáo các hãng tàu và các doanh nghiệp, chủ hàng cần trao đổi, đàm phán để đưa ra các giải pháp hài hòa nhất khi cơ quan quản lý chưa có chế tài và hành lang pháp lý để quản lý. Ngoài ra,việc niêm yết các phụ thu của hãng tàu cũng cần minh bạch, công khai.

Để quản lý chặt chẽ hơn, minh bạch cơ chế giá, phí, Cục Hàng hải Việt Nam giao các cảng vụ hàng hải và chi cục hàng hải kiểm tra giá cước vận chuyển của các hãng tàu và kiểm tra các phụ phí, tránh tình trạng các hãng tàu vi phạm luật cạnh tranh, đảm bảo thực hiện đúng công ước quốc tế và pháp luật Việt Nam. Để tăng cường công tác quản lý giá các loại phụ thu của hãng tàu, Bộ GTVT đã có văn bản gửi Bộ Tài chính, đề xuất bộ này bổ sung phụ thu của hãng tàu đối với hàng hóa container vào đối tượng kê khai giá trong dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Giá năm 2023.

Nguyên nhân bởi theo Nghị định số 146/2016, hãng tàu tự quyết định các loại phụ thu và mức giá. Trường hợp thay đổi theo hướng tăng giá, hãng tàu phải niêm yết trước 15 ngày trước khi áp dụng mức giá mới. Nếu chỉ niêm yết, kê khai giá sẽ khó để có được cơ sở tính toán thực chất. Được biết, thời gian qua, tình trạng các hãng tàu nước ngoài tăng phụ phí gây nhiều bức xúc cho các chủ hàng Việt Nam. Các chủ hàng trở thành đối tượng chịu tác động lớn nhất bởi việc tăng các chi phí này.

Trước đó, Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam đã có kiến nghị gửi các cơ quan chức năng trước tình trạng các hãng tàu nước ngoài đồng loạt tăng phụ phí xếp dỡ tại cảng (THC) từ tháng 2. Cụ thể, kiến nghị nêu rõ, từ nhiều năm nay, các hãng tàu nước ngoài tự ý thu hàng chục loại phí, phụ phí khác nhau với hàng của doanh nghiệp xuất khẩu Việt. Việc tăng giá này (tăng 10-20% phí xếp dỡ tại cảng) không căn cứ theo quy định nào của cơ quan quản lý và cao hơn nhiều so với phí bốc dỡ mà hãng tàu trả lại cho phía cảng biển Việt Nam.

Theo đó, phí THC được các hãng tăng 10-20%, từ mức 180-190 USD lên 200-210 USD với container tiêu chuẩn 40 feet. Container đông lạnh 40 feet có giá mới là 255-265 USD. Mức này gấp 3 lần điều chỉnh giá bốc dỡ container của các cảng biển Việt Nam. Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam cho biết việc tăng phí lần này chỉ áp dụng với Việt Nam, các nước trong khu vực chưa có động thái điều chỉnh. Đặc biệt, xét theo giá trị tuyệt đối, 10-20% tăng phí THC (phí bốc dỡ container tại bến cảng) của hãng tàu đang cao hơn gấp 3 lần mức điều chỉnh giá bốc dỡ container cảng biển Việt Nam.

Tại cuộc họp về việc phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển container xuất nhập khẩu vận tải bằng đường biển do Cục Hàng hải Việt Nam tổ chức, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng hiện nay, các chủ hàng Việt Nam là những chủ hàng nhỏ, lẻ, trong khi các hãng tàu đang vận chuyển hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam đều là các hãng tàu lớn. Điều này có thể tạo ra sự bất bình đẳng về quy mô và trong lợi thế đàm phán. Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu thông tin, đã có tình trạng hãng tàu đã chạy 15 ngày mới hồi tố, thông báo thu thêm phí THC đối với chủ hàng. Đây là điều bất hợp lý và dồn chủ hàng vào thế khó, vì nếu không nộp phí, sẽ không thể lấy được hàng.

Theo ông Hải, hiện nay, Việt Nam đã có vị thế khác với hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa. Việt Nam cũng là nơi các hãng tàu đang tạo nguồn doanh thu lớn. Do đó, lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu đề nghị các hãng tàu thay đổi cách nhìn và tôn trọng thị trường Việt Nam, xem xét cẩn trọng trước các hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Các hiệp hội cũng cần chủ động làm việc với các hãng tàu. Trường hợp các bên không thể thỏa thuận và thống nhất, cơ quan quản lý nhà nước sẽ can thiệp.

Đặng Nhật

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/thi-truong/vi-sao-tau-nuoc-ngoai-tu-y-phu-thu-nhieu-loai-phi--i725496/