Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ vẫn muốn mua tiêm kích Eurofighter Typhoon?

Dù đã được Mỹ 'bật đèn xanh' bán cho chiến đấu cơ hiện đại F-16 Block 70, tuy vậy Thổ Nhĩ Kỳ vẫn theo đuổi thương vụ mua tiêm kích Eurofighter Typhoon của châu Âu, vì sao?

Những tưởng sau khi được Mỹ đồng ý bán cho chiến đấu cơ F-16 Block 70, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không còn theo đuổi thương vụ mua tiêm kích Eurofighter Typhoon, tuy nhiên Ankara dường như lại làm ngược lại.

Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Yasar Guler tháng 11 năm ngoái cho biết, Ankara đang đàm phán để mua 40 chiến đấu cơ Eurofighter Typhoon do Anh, Tây Ban Nha, Italy và Đức hợp tác phát triển.

Nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết nước này muốn mua tiêm kích châu Âu để thay thế thương vụ F-16 từ Mỹ, do Washington đã trì hoãn bán dòng máy bay này cho Ankara trong nhiều năm qua.

Thương vụ được khai thông vào tuần trước, sau khi quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ bỏ phiếu phê chuẩn nghị định thư gia nhập NATO của Thụy Điển, điều kiện mà Washington đề ra để chấp thuận bán F-16 cho Ankara.

Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 26/1 đã phê duyệt hợp đồng tiềm năng trị giá 23 tỷ USD để cung cấp tối đa 40 tiêm kích đa năng F-16C/D Block 70, cùng phụ tùng, thiết bị kỹ thuật và hỗ trợ huấn luyện.

Nếu không gặp sự phản đối từ quốc hội, thương vụ sẽ được trình lên Tổng thống Joe Biden ký phê duyệt.

Tuy nhiên Reuters ngày 1/2 dẫn lời một quan chức quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, Ankara vẫn muốn theo đuổi thương vụ mua tiêm kích Eurofighter Typhoon, phòng trường hợp thương vụ F-16 lại gặp trục trặc.

"Chúng tôi vẫn quan tâm và hy vọng Đức sẽ có quan điểm tích cực về thương vụ bán chiến đấu cơ Eurofighter Typhoon cho Ankara ", quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cho hay.

Thổ Nhĩ Kỳ trước đó đã được Anh và Tây Ban Nha "bật đèn xanh" cho thương vụ Eurofighter Typhoon, song Đức tới nay chưa đồng ý.

Đức có quyền phủ quyết các thương vụ bán mẫu tiêm kích này với tư cách là một trong 4 nước đồng phát triển.

Đức không công khai lý do từ chối bán tiêm kích cho Thổ Nhĩ Kỳ, song quan hệ giữa hai nước đang căng thẳng sau khi Ankara mua hệ thống phòng không S-400 từ Nga, cũng như lên án hoạt động quân sự của Israel ở Dải Gaza.

Bộ trưởng Quốc phòng Guler tháng 12/2023 chỉ trích mạnh mẽ việc Đức chặn thương vụ bán Eurofighter Typhoon, khẳng định "không có lời giải thích thỏa đáng nào" cho việc một quốc gia NATO như Berlin từ chối bán vũ khí cho thành viên khác của khối.

Eurofighter Typhoon (cuồng phong châu Âu) là tiêm kích đa năng thế hệ 4 nổi tiếng do liên doanh Eurofighter GmbH (gồm Tập đoàn EADS của Đức – Tây Ban Nha; BAE System của Anh và Aleni Aeronautica của Italy) cùng hợp lực nghiên cứu phát triển.

Đây cũng là chiếc máy bay chiến đấu hiện đại duy nhất được sản xuất trên 4 dây chuyền khác nhau.

Eurofighter Typhoon có chiều dài: 15,96 m; Sải cánh: 10,95 m; Cao: 5,28 m. Trọng lượng rỗng: 11.000 kg; Trọng lượng cất cánh tối đa: 23.500 kg.

13 điểm treo trên cánh và bụng cho phép Eurofighter Typhoon mang theo tổng cộng khoảng 8 tấn vũ khí.

Eurofighter Typhoon được trang bị 2 động cơ Eurojet EJ200 và có tốc độ tối đa 2.390 km/h.

Trần bay của Eurofighter Typhoon là 19.8 km và tầm hoạt động 1.390 km.

Trong cận chiến, Eurofighter Typhoon có thể sử dụng tên lửa đối không tầm ngắn IRIS-T, AIM-9, AIM-132 và tên lửa tầm trung - xa AIM-120 và MBDA Meteor.

Eurofighter Typhoon còn được trang bị các loại tên lửa không đối đất tầm ngắn AGM-65, tên lửa hành trình KEPD 350 tầm bắn 500km, tên lửa hành trình Storm Shadow và bom dẫn đường laser Paveway.

Eurofighter Typhoon sử dụng một hệ thống phòng thủ cực kỳ tinh vi tên là Praetorian.

Praetorian có thể phát hiện và cảnh báo các mối đe dọa từ tên lửa không đối không và đất đối không, cung cấp đánh giá toàn diện và đáp ứng đồng thời nhiều mối đe dọa.

Để chống lại những nguy cơ, máy bay được trang bị mồi bẫy nhiệt, kim loại nhiễu xạ, thiết bị tác chiến điện tử (ECM) và mồi bẫy radar kéo theo.

Mặc dù Eurofighter Typhoon là máy bay chiến đấu thế hệ 4 nhưng nó lại có một vài tính năng của tiêm kích thế hệ 5, như “tàng hình”.

Chẳng hạn, Eurofighter Typhoon có diện tích phản xạ radar nhỏ và thiết kế giúp giảm độ bộc lộ radar.

Có được điều này là do Eurofighter Typhoon được chế tạo từ: vật liệu tổng hợp sợi các bon, nhôm lithi, titan… giúp máy bay có khả năng bán tàng hình.

Do Eurofighter Typhoon mang nhiều vũ khí bên ngoài thân nên công nghệ tàng hình của nó không được tiên tiến như các mẫu máy bay chiến đấu thế hệ 5.

Ngoài ra với kiểu thiết kế cánh tam giác kết hợp cánh mũi cung cấp khả năng linh hoạt cao, lực cản thấp và tăng lực nâng.

Đặc biệt, tiêm kích Eurofighter Typhoon có khả năng bay siêu âm mà không cần sử dụng buồng đốt lần 2. Ngoài Eurofighter Typhoon thì chỉ có F-22 làm được điều này.

Đơn giá mỗi chiếc Eurofighter Typhoon khoảng 81,5 triệu USD.

Hiện nay, tiêm kích Eurofighter Typhoon hoạt động chủ yếu trong các nước thuộc khối NATO như: Áo, Đức, Ý, Anh và Tây Ban Nha.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/vi-sao-tho-nhi-ky-van-muon-mua-tiem-kich-eurofighter-typhoon-post566390.antd