Vì sao thực vật ở Chernobyl phát triển thần kỳ sau thảm họa?

Vào năm 1986, thảm họa hạt nhân kinh hoàng xảy ra tại nhà máy hạt nhân Chernobyl. Khi ấy, người dân được sơ tán và một khu vực loại trừ 2.600 km2 được thành lập. Điều khó tin là thảm thực vật tại Chernobyl vẫn phát triển tốt.

Sự cố hạt nhân xảy ra tại nhà máy hạt nhân Chernobyl năm 1986 được đánh giá là một trong những thảm kịch kinh hoàng nhất thế giới. Ngay sau khi xảy ra sự việc trên, chính quyền đã sơ tán người dân ở quanh nhà máy Chernobyl vì lo sợ sẽ nhiễm phóng xạ nguy hiểm có thể gây ra nhiều bệnh ung thư. Giới chức trách cũng thành lập một khu vực loại trừ 2.600 km2 xung quanh nhà máy Chernobyl.

Khu vực loại trừ của Chernobyl không có sự sống trong suốt nhiều năm sau khi xảy ra sự cố nghiêm trong trên. Thế nhưng, giới khoa học đã có những ghi nhận về việc chó sói, lợn rừng và gấu đã quay trở lại những khu rừng tươi tốt xung quanh nhà máy hạt nhân Chernobyl.

Đặc biệt, đời sống thực vật dễ phơi nhiễm phóng xạ nhất không chết sau khi xảy ra sự cố hạt nhân. Thâm chí, thảm thực vật hồi phục và phát triển tươi tốt ở cả những khu vực nhiễm phóng xạ nghiêm trọng nhất.

Trong khi ấy, con người và động vật có vú bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi phóng xạ hạt nhân khi tiếp xúc với những vùng ô nhiễm.

Việc đời sống thực vật ở Chernobyl vẫn phát triển tốt sau thảm họa hạt nhân khiến nhiều người tò mò vì sao lại như vậy. Liên quan đến vấn đề này, các chuyên gia đã vào cuộc tìm hiểu.

Theo các chuyên gia, chất phóng xạ ở Chernobyl "không ổn định" vì nó liên tục bắn ra các hạt và sóng năng lượng cao phá vỡ cấu trúc tế bào hoặc tạo ra các hóa chất phản ứng tấn công tế bào.

Hầu hết các bộ phận của tế bào đều có thể thay thế nếu bị hỏng, nhưng ADN là một ngoại lệ quan trọng. Ở liều phóng xạ cao hơn, ADN bị cắt xén và các tế bào chết nhanh chóng, gây ra các triệu chứng đặc trưng của nhiễm độc phóng xạ.

Những biểu hiện của việc này như mệt mỏi, ngất xỉu, chảy máu mũi, miệng, nướu, tiêu chảy, sốt, rụng tóc... hay biến chứng thành những bệnh ung thư nguy hiểm. Ở động vật, điều này thường gây tử vong, bởi vì các tế bào và hệ thống của chúng rất chuyên biệt và không linh hoạt.

Tuy nhiên, điều này không đúng với đời sống thực vật. Cụ thể, thực vật không có khả năng di chuyển nên không có lựa chọn nào khác ngoài việc thích nghi với môi trường thực tế.

Các tế bào thực vật đều có thể tạo ra các tế bào mới thuộc bất kỳ loại cây nào mà cây cần. Vì vậy, thực vật có thể thay thế các tế bào chết hoặc mô dễ dàng hơn nhiều so với động vật, cho dù thiệt hại là do bị động vật tấn công hoặc do tác động của phóng xạ. Kết quả là thực vật ở quanh nhà máy Chernobyl có thể tồn tại và phát triển dựa trên sự thích nghi với môi trường.

Video: Mỹ rút khỏi hiệp ước hạt nhân INF với Nga (nguồn: VTC14)

Tâm Anh (theo DM)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/vi-sao-thuc-vat-o-chernobyl-phat-trien-than-ky-sau-tham-hoa-1243552.html