Vì sao thủy điện Hòa Bình được ca ngợi kỳ tích thế kỷ 20?

Thủy điện Hòa Bình là công trình thủy điện lớn nhất thế kỷ Đông Nam Á của thế kỷ 20. Nhà máy có thiết kế nửa nằm trong núi, đòi hỏi độ chính xác cao trong kỹ thuật thi công. Lực lượng tham gia xây dựng hơn 32.000 người.

Là công trình thủy điện lớn nhất thế kỷ Đông Nam Á của thế kỷ 20, thủy điện Hòa Bình do Liên Xô thiết kế và cung cấp thiết bị. Công trình khởi công xây dựng vào ngày 6/11/1979 và khánh thành 20/12/1994. Nhà máy có thiết kế nửa nằm trong núi, đòi hỏi độ chính xác cao trong kỹ thuật thi công. Ảnh: Công thương.

Lực lượng tham gia xây dựng thủy điện Hòa Bình gồm: 30.000 cán bộ công nhân, 5.000 chiến sỹ, 750 chuyên gia Liên Xô và 1.000 cán bộ ban quản lý công trình. Các nhiệm vụ chính của nhà máy thủy điện Hòa Bình gồm: cắt lũ, giảm lũ và phát điện, điều chỉnh tần số và điện áp của hệ thống điện quốc gia, cấp nước chống hạn, cải thiện giao thông. Ảnh: Công thương.

Vào ngày 24/12/1988, tổ máy đầu tiên của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình phát điện lên hệ thống, với tổng công suất lắp đặt 1.920 MW. Sự kiện này đánh dấu thời khắc lịch sử của đất nước cũng như ngành Điện lực Việt Nam. Đến ngày 4/4/1994, tổ máy cuối cùng - tổ máy thứ 8 phát điện lên lưới. Ảnh: Công thương.

Thời kỳ đầu vận hành, điện sản xuất từ Nhà máy Thủy điện Hòa Bình chiếm khoảng khoảng 35 - 40% toàn hệ thống, đáp ứng dư thừa nhu cầu điện khu vực miền Bắc. Đồng thời, nhà máy cung cấp một phần sản lượng điện rất lớn cho miền Nam, góp phần giải quyết tình trạng thiếu điện nghiêm trọng tại khu vực này. Ảnh: Zing.

Từ năm 2010 trở đi, sản lượng điện của thủy điện Hòa Bình tăng lên khoảng 10,1 tỉ kWh/năm (tăng 24,2% so với sản lượng thiết kế ban đầu). Năm 2017, nhà máy thủy điện Hòa Bình lập kỷ lục khi sản xuất được 11,25 tỷ kWh. Ảnh: EVN.

Vào năm 2018, Công ty Thủy điện Hòa Bình đã tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm thành lập và phát triển. Theo báo cáo, trong khoảng thời gian trên, thủy điện Hòa Bình đã sản xuất được hơn 228 tỷ kWh. Theo đó, Thủy điện Hòa Bình trở thành một trong những công trình thủy điện lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Ảnh: Nhân dân.

Tính đến năm 2018, thủy điện Hòa Bình là công trình thủy điện lớn thứ 2 ở Việt Nam và là một trong các công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á. Đồng thời, đây là nguồn điện chủ lực của hệ thống điện Việt Nam, góp phần đưa quy mô nguồn điện Việt Nam đứng thứ 25 trên thế giới và đứng thứ hai ASEAN. Ảnh: Zing.

Thủy điện Hòa Bình là công trình thủy điện chiến lược đa mục tiêu, hồ chứa tham gia điều tiết cắt lũ, giảm lũ hiệu quả cho hạ du. Ảnh: Zing.

Với dung tích 9 tỉ m3, thủy điện Hòa Bình đã giúp vùng đồng bằng Bắc Bộ cơ bản không còn xảy ra tình trạng ngập lụt. Ảnh: Zing.

Hàng năm, Công ty Thủy điện Hòa Bình đóng góp nguồn kinh phí lớn vào ngân sách của Nhà nước và địa phương. Công ty đã nộp ngân sách cho tỉnh Hòa Bình khoảng 1.000 - 1.400 tỉ đồng/năm, nộp thuế tài nguyên cho tỉnh Sơn La 300 - 450 tỉ đồng/năm, đóng góp tiền dịch vụ môi trường rừng cho 6 tỉnh thuộc lưu vực phía thượng nguồn sông Đà trên 200 tỉ đồng/năm. Ảnh: Zing.

Mời độc giả xem video: Hàng loạt thủy điện dừng hoạt động, có thể cắt điện bất cứ lúc nào?.

Tâm Anh (TH)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/khoa-hoc-cong-nghe/vi-sao-thuy-dien-hoa-binh-duoc-ca-ngoi-ky-tich-the-ky-20-1864687.html