Vì sao tiêm kích hạm Su-33 là ứng viên hàng đầu bị Nga cho nghỉ hưu sớm?

Lịch sử hoạt động ảm đạm cùng tính năng hạn chế của tiêm kích hạm Su-33 Flanker-D khiến nó trở thành ứng cử viên hàng đầu cho việc nghỉ hưu sớm.

Tiêm kích hạm Su-33 được thiết kế với kỳ vọng các tàu sân bay của Hải quân Liên Xô sẽ có một chiến đấu cơ mạnh mẽ, tuy nhiên Flanker-D lại trở thành nỗi thất vọng tràn trề.

Tiêm kích hạm Su-33 được thiết kế với kỳ vọng các tàu sân bay của Hải quân Liên Xô sẽ có một chiến đấu cơ mạnh mẽ, tuy nhiên Flanker-D lại trở thành nỗi thất vọng tràn trề.

Trong những năm 1970, các chiến đấu cơ hoạt động trên tàu sân bay của Liên Xô đã không thể hoàn thành vai trò dự định do thiếu tầm hoạt động và trọng tải.

Điều đó dẫn tới việc Moskva yêu cầu các kỹ sư của mình chế tạo một loại máy bay chiến đấu trên hạm mới, không cản trở khả năng của lớp tàu sân bay Dự án 1143 của nước này.

Giống như rất nhiều tiêm kích hiện đại khác của Nga, nguyên mẫu Su-33 được phát triển từ gia đình Su-27 Flanker hiện có. Ban đầu máy bay được đặt tên là Su-27K, sau đó đổi thành Su-33 vào cuối những năm 1990.

Mặc dù có bề ngoài giống với Su-27 Flanker, nhưng Su-33 (được Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương gọi là Flanker-D) có một số khác biệt, thực tế máy bay sở hữu khung gầm được gia cố, cánh gập, cặp cánh mũi, móc hãm đà...

Động cơ AL-31F3 và bộ phận hạ cánh "kỹ thuật hơn" nằm trong số những tính năng không điển hình khác so với người tiền nhiệm Su-27 Flanker của nó.

Sự khác biệt về thiết kế của Su-33 nhằm hỗ trợ khả năng cất và hạ cánh trên tàu sân bay. Một điểm khác biệt nữa giữa hai khung máy bay là Su-33 Flanker-D có nhiều giá treo hơn Su-27 Flanker.

Về mặt vũ khí, Su-33 có thể gắn nhiều loại bom đạn khác nhau trên các giá treo bên ngoài, bao gồm đầy đủ tên lửa không đối không cũng như không đối đất - đối hải. Máy bay còn mang được pod gây nhiễu điện tử, đi kèm khẩu pháo 30 mm gắn cố định.

Su-33 đã gây ra một số tai tiếng vào năm 2016, khi một trong những máy bay chiến đấu này bị rơi vào thời điểm tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov của Nga hoạt động ngoài khơi bờ biển Syria.

Theo thông báo chính thức, chiếc máy bay chiến đấu đã bị rơi khi cố gắng hạ cánh do cáp hãm đà bị lỗi. Thật không may, vụ tai nạn này chẳng phải là sự cố đầu tiên trên tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov trong quá trình Nga triển khai chiến đấu tại Syria.

Trước đó vài tuần, một chiếc MiG-29K cũng bị rơi khi đang trở về hạ cánh. Nền tảng MiG-29K được cho là sẽ thay thế phi đội Su-33 của Hải quân Nga, mặc dù thực tế là Flanker-D có phạm vi hoạt động và khả năng cơ động cao hơn nhiều.

Tuy nhiên máy bay chiến đấu MiG-29K phù hợp hơn cho các cuộc tấn công mặt đất so với Su-33 và có thể mang nhiều loại vũ khí tối tân, kích thước gọn của nó là một lợi thế khác.

Moscow đã cố gắng xuất khẩu các máy bay chiến đấu Su-33 còn lại của mình cho khách hàng nước ngoài. Vào đầu những năm 2000, Bắc Kinh đã định mua Flanker-D nhưng sau đó thỏa thuận đã thất bại.

Nguyên nhân được giải thích là bởi Trung Quốc đã mua được một nguyên mẫu Su-33 từ Ukraine, họ nhận ra những nhược điểm lớn của máy bay và quyết định sẽ không mua mà tự sản xuất bản cải tiến.

Trên thực tế, máy bay chiến đấu Shenyang J-15 của Trung Quốc được cho là bản sao trực tiếp từ tiêm kích hạm Su-33 của Nga nhưng nó mang trong mình những nâng cấp đáng giá hơn nhiều.

Hải quân Nga gần đây có ý định nâng cấp các tiêm kích Su-33 của mình để sử dụng song song với MiG-29K, nhưng dự án này nhiều khả năng đã bị hủy bỏ, bởi vậy ngày mà Flanker-D "nhận sổ hưu" có lẽ đã cận kề.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/vi-sao-tiem-kich-ham-su-33-la-ung-vien-hang-dau-bi-nga-cho-nghi-huu-som-post535481.antd