Vì sao Tô Định phải cắt tóc, cạo râu trốn chạy về Trung Quốc?

Sau khi sang nước ta, Tô Định tiến hành chính sách cai trị độc đoán, bóc lột nhân dân thậm tệ. Cuối cùng, hắn bị đánh đuổi, phải bỏ chạy về phương Bắc.

Căm thù ách thống trị tàn bạo của nhà Hán, năm 40, Hai Bà Trưng dựng cờ khởi nghĩa đánh đuổi quân xâm lược. Trước khí thế nghĩa quân, viên thái thú Tô Định hoảng sợ phải cắt tóc, cạo râu, vứt bỏ ấn tín, trà trộn vào đám loại quân trốn chạy về Trung Quốc.

Nhà Hán được Lưu Bang thành lập vào năm 206 trước Công nguyên, chia làm hai giai đoạn: Tây Hán 206 trước Công nguyên đến 9 sau Công nguyên, đóng đô ở Trường An và triều Đông Hán từ năm 25 đến 220, đóng đô ở Lạc Dương. Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng chống nhà Đông Hán.

Theo sách Thiên Nam ngũ lục, trước khi chính thức khởi nghĩa, Hai Bà Trưng tiến hành hội thề ở Hát Môn (Phúc Thọ - Hà Nôi). Tại đây, hai bà ghi lời thề: "Một xin rửa sạch nước thù / Hai xin dựng lại nghiệp xưa họ Hùng / Ba kẻo oan ức lòng chồng / Bốn xin vẻn vẹn sở công lênh này".

Ngay khi dựng cờ khởi nghĩa, nghĩa quân của Hai Bà Trưng đã liên tiếp giành được nhiều thắng lợi. Sau khi đánh chiếm Mê Linh, Tây Vu, Cổ Loa, Hai Bà Trưng mang quân bao vây trị sở Luy Lâu của nhà Hán. Trước sức mạnh của nghĩa quân Hai Bà, thái thú Tô Định hốt hoảng bỏ chạy.

Theo sách Hậu Hán thư cùng nhiều bộ chính sử của nước ta, nghĩa quân của Hai Bà Trưng chiếm được 65 thành trì của quân Hán và tự lập làm vua.

Theo sách Đại Việt sử ký tiền biên, nghĩa quân hai bà đã làm chủ được7 quận gồm Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố, Thương Ngô, Uất Lâm, Nam Hải. Một số tư liệu khác cho rằng nghĩa quân của Hai Bà Trưng làm chủ được 4 quận gồm: Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố.

Sau khi khởi nghĩa thắng lợi, Trưng Trắc được suy tôn làm vua, đất nước giành độc lập. Ngay sau đó, nhà Hán phái Mã Viện đem quân sang xâm lược nước ta. Sau những cuộc giao tranh quyết liệt, nghĩa quân Hai Bà ngày càng suy yếu, cuối cùng thất bại vào cuối năm 43.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Hai Bà Trưng là dòng dõi Lạc tướng ở Mê Linh (Hà Nội ngày nay). Mê Linh là huyện cực Bắc của thủ đô Hà Nội, được thành lập năm 1977. Giai đoạn từ 1991-2008, huyện Mê Linh được sáp nhập vào tỉnh Vĩnh Phúc, sau đó trở lại với thủ đô Hà Nội.

Theo Nguyễn Thanh Điệp (Zing)

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/dong-tay-kim-co/vi-sao-to-dinh-phai-cat-toc-cao-rau-tron-chay-ve-trung-quoc-897927.html