'Vì sao tôi tình nguyện nhập ngũ' - Câu chuyện thứ mười chín: 'Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai'

Tôi là Trung sĩ Nguyễn Triệu Tùng Linh, chiến sĩ báo vụ, Trường Quân sự Quân khu 2. Trước khi viết đơn tình nguyện nhập ngũ, tôi là sinh viên năm thứ hai, Khoa Chăn nuôi - Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, kết quả học tập luôn đạt khá giỏi.

Thú thực, ngày nhận giấy báo trúng tuyển đại học, cũng như quá trình học tập năm đầu tiên, tôi cũng ấp ủ bao kế hoạch, dự định, cũng ước mơ được đi đây đi đó, nghiên cứu, tìm tòi, khám phá những miền đất mới... Nhưng rồi, tôi chợt nhận ra, mình đang thiếu điều gì đó rất cần cho cuộc sống tương lai. Đó chính là một môi trường rèn luyện, tu dưỡng để bản thân chín chắn hơn, chững chạc hơn, cùng vốn sống phong phú. Và tôi nghĩ ngay đến môi trường quân đội. Mặc cho một số bạn bè can gián, tôi vẫn viết đơn tình nguyện nhập ngũ.

Trung sĩ Nguyễn Triệu Tùng Linh và mẹ khi đang là học viên tại Trường Quân sự Quân khu 2.

Ngoài mong có được môi trường rèn luyện lý tưởng, việc quyết định xin bảo lưu kết quả học tập, xung phong lên đường nhập ngũ, còn xuất phát từ mong ước được trở thành người chiến sĩ từ khi còn là cậu học sinh cấp I. Bố tôi là cán bộ đang công tác tại Trường Quân sự Quân khu 2, từ nhỏ tôi thường xuyên được vào thăm đơn vị của bố, được chứng kiến các hoạt động học tập, rèn luyện của các chú bộ đội, tôi ấp ủ dự định khi lớn lên sẽ xung phong vào bộ đội, đi theo nghiệp của bố.

Một lý do nữa thôi thúc tôi viết đơn tình nguyện nhập ngũ, xuất phát từ những câu chuyện của các bác cựu chiến binh, kể về những tấm gương anh hùng liệt sĩ, những sinh viên “xếp bút nghiên lên đường ra trận” năm xưa, các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, tra tấn dã man, nhưng luôn giữ vững ý chí cách mạng, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân... Những hình ảnh, câu chuyện lịch sử sống động ấy ngấm sâu vào suy nghĩ, hành động của tôi từ bao giờ, để khi quyết định tạm dừng việc học tập ở trường, xung phong nhập ngũ, tôi thấy quyết định của mình thật đúng đắn.

Nguyễn Triệu Tùng Linh và mẹ.

Tôi nghĩ rằng, thời chiến tranh khó khăn, gian khổ, hy sinh, mất mát lớn lao như vậy, mà thế hệ cha anh chúng ta vẫn sẵn sàng lên đường, “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Nhiều người còn lấy máu của mình để viết đơn xung phong vào chiến trường giết giặc. Vậy tại sao trong cuộc sống hòa bình, no đủ như bây giờ, thế hệ trẻ không tiếp tục phát huy truyền thống hào hùng ấy. Tôi thiết nghĩ “ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai”.

Trung sĩ Nguyễn Triệu Tùng Linh, chiến sĩ báo vụ, Tiểu đoàn 1, Trường Quân sự Quân khu 2

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/nuoi-duong-van-hoa-bo-doi-cu-ho/vi-sao-toi-tinh-nguyen-nhap-ngu-cau-chuyen-thu-muoi-chin-ai-cung-chon-viec-nhe-nhang-gian-kho-se-danh-phan-ai-718158