Vì sao Trái đất sẽ gặp nhiều 'thảm họa' nếu không có sao Mộc?

Theo các nhà khoa học nếu không có sao Mộc Trái đất cũng không thể tồn tại được. Vậy đâu là lý do?

Từ năm 1995, giới khoa học phát hiện ngoại hành tinh có khối lượng bằng một nửa sao Mộc, nhưng khoảng cách với sao chủ chỉ bằng 1/20 khoảng cách giữa Trái đất và Mặt trời. Kiểu ngoại hành tinh này còn được gọi là "sao Mộc nóng". Chúng khá phổ biến ở các hệ sao khác nhưng lại không có trong Hệ Mặt trời.

Vậy tại sao những hành tinh lớn nhất lại cách xa Mặt trời? Các nhà khoa học đưa ra một số giả thuyết cho điều này. Một trong số đó là giả thuyết "sao Mộc" lang thang.

Trái đất sẽ khó tồn tại nếu không có sao Mộc.

Theo đó, khi hệ Mặt trời còn rất trẻ, có thể được nhiều hành tinh đất đá bao quanh. Sau đó, sao Mộc di chuyển vào phía trong. Lực hấp dẫn của nó làm thay đổi quỹ đạo của các hành tinh này, khiến chúng va vào nhau và vỡ thành nhiều mảnh.

Một số mảnh di chuyển vào gần Mặt trời. Tuy nhiên, khi sao Mộc lùi ra do bị sao Thổ hình thành kéo về, số mảnh vỡ còn lại dần tạo thành các hành tinh đất đá ngày nay gồm: sao Thủy, sao Kim, Trái đất và sao Hỏa. Điều này cũng giải thích tại sao các hành tinh phía trong lại trẻ hơn các hành tinh lớp phía ngoài.

Nếu giả thuyết này chính xác thì sự sống trên Trái đất sẽ không tồn tại nếu thiếu sao Mộc. Thực chất, không phải việc sự sống xuất hiện là bất khả thi, nhưng có thể Trái đất không hình thành nếu sao Mộc không đến phá hủy những thứ tồn tại trước đó.

Ngoài góp phần thúc đẩy Trái đất hình thành, sao Mộc còn giúp bảo vệ hành tinh xanh. Trong khoảng 10 năm qua, có ít nhất 5 sao chổi hoặc tiểu hành tinh đâm xuống sao Mộc. Hình ảnh ghi lại hôm 17/3/2016 cho thấy, sao Mộc va chạm với một vật thể nhỏ. Đây chỉ là những trường hợp được giới khoa học quan sát được.

Một số nhà khoa học cho rằng, có thể xảy ra 1-5 vụ va chạm mỗi tháng. Nếu không nhờ lực hấp dẫn lớn của sao Mộc làm chệch hướng vật thể khỏi Trái đất, con người có thể đã chịu nhiều vụ va chạm.

Liên quan tới sao Mộc, hồi đầu năm 2018, NASA đã phát hiện thấy sao Mộc có những đám mây nước khổng lồ, trữ lượng oxy khá lớn và khả năng tồn tại một dạng sự sống đặc biệt.

Những đám mây nước này được tìm thấy ngay trong Great Red Spot - cơn bão màu đỏ tồn tại nhiều thế kỷ trên sao Mộc. Các đám mây nước nằm sâu bên trong vùng bão tố và hiển thị sắc đỏ qua hình ảnh đã chỉnh màu để có thể quan sát rõ của NASA. Ngoài ra, ước tính lượng oxy trên hành tinh này nhiều gấp 2 - 9 lần Mặt trời.

Phát hiện này củng cố thêm một giả thuyết của NASA cho rằng có một hình thức "sự sống kỳ lạ" theo nguyên văn cách gọi của NASA trên hành tinh khí khổng lồ này.

Các dữ liệu trên vừa được công bố trong một bài báo đăng trên tạp chí khoa học Astronomical Journal.

Nghiên cứu do giáo sư Imke de Pater thuộc Đại học California ở Berkeley (Mỹ) dẫn đầu, sử dụng các dữ liệu mới nhất của NASA về sao Mộc. Nghiên cứu còn cho biết một sự thật thú vị về sao Mộc: nó đã được hình thành từ một nơi khác, sau đó mới "di cư" đến vị trí hiện tại.

Hiện các nhà khoa học đang tiếp tục tìm hiểu xem liệu hành tinh này có lõi làm bằng đá và băng hay không.

An Dương (T/h)

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/trai-dat-se-gap-nhieu-tham-hoa-neu-khong-co-sao-moc-tai-sao-d149540.html