Vì sao trẻ từ 6 tháng đến 3 tuổi dễ nhiễm nhiều bệnh?

Từ 6-36 tháng, kháng thể từ mẹ truyền sang trẻ giảm dần và không còn, trong khi cơ thể trẻ chưa tự sinh ra được đủ kháng thể nên hệ miễn dịch của trẻ rất yếu, trẻ dễ nhiễm nhiều bệnh, đặc biệt là hô hấp, tiêu hóa.

Trẻ từ 6 tháng đến 3 tuổi rất dễ bị các bệnh nhiễm khuẩn, đặc biệt là hô hấp và tiêu hóa - Ảnh minh họa: ShutterStock

Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Thu Hậu, Trưởng Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), hệ miễn dịch của trẻ có sự phát triển theo hướng: Trước 6 tháng, trẻ nhận kháng thể từ mẹ truyền sang trong giai đoạn bào thai nên có hệ miễn dịch khỏe mạnh. Từ 6-36 tháng, kháng thể từ mẹ truyền sang không còn, trong khi cơ thể trẻ chưa tự sinh ra được đủ kháng thể nên hệ miễn dịch của trẻ rất yếu và luôn có nguy cơ nhiễm bệnh.

Vì vậy, các chuyên gia y tế gọi giai đoạn 6-36 tháng tuổi là giai đoạn “khoảng trống miễn dịch”.

Bên cạnh đó, hiện nay, trẻ phải đối diện với nhiều nguy cơ như môi trường ô nhiễm, biến đổi khí hậu, tình trạng vi khuẩn kháng kháng sinh.

Đặc biệt, trong giai đoạn “khoảng trống miễn dịch”, hệ miễn dịch của trẻ chưa phát triển hoàn thiện, khi gặp các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, vi rút, nấm mốc… trẻ rất dễ mắc bệnh.

Ghi nhận tại các bệnh viện nhi đồng, thời tiết thay đổi phức tạp cùng giai đoạn chuyển mùa, kèm theo độ ẩm cao, khó chịu đã khiến số lượng trẻ mắc bệnh nhiễm khuẩn đường tiêu hóa và hô hấp tăng đột biến, đặc biệt là trẻ từ 6 tháng đến 3 tuổi.

“Việc bổ sung dinh dưỡng miễn dịch để tăng cường kháng thể trong giai đoạn “khoảng trống miễn dịch” này là rất quan trọng”, bác sĩ Hậu, nhận định.

Trong đó, theo bác sĩ Hậu, nhiều nghiên cứu trên thế giới đã cho thấy, kháng thể IgG từ sữa non có tác dụng dự phòng nhiễm khuẩn đường tiêu hóa và hô hấp ở trẻ, giúp giảm số lần mắc bệnh trong giai đoạn “khoảng trống miễn dịch”.

Kháng thể IgG tự nhiên từ sữa non có tác dụng kháng khuẩn trực tiếp, trung hòa nội độc tố vi khuẩn tại toàn bộ đường tiêu hóa, cũng như có các hoạt tính sinh học giúp ức chế tình trạng viêm tại ruột, thúc đẩy tái tạo lớp màng nhầy, phục hồi tổn thương mô, có vai trò đặc biệt trong việc phòng chống nhiễm khuẩn đường tiêu hóa và hô hấp ở trẻ em.

Trước đó, tại hội thảo “Khoảng trống miễn dịch ở trẻ và xu hướng bổ sung kháng thể IgG cho trẻ có miễn dịch khỏe” (tại TP.HCM, ngày 15.6), giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết Bộ Y tế coi 2019 là năm hành động tuyên truyền để giúp tăng cường miễn dịch cho trẻ, tránh các nguy cơ bệnh nhiễm khuẩn cũng như tình trạng kháng kháng sinh.

Thứ trưởng đã chỉ đạo Vụ Bà mẹ Trẻ em (Bộ Y tế) kết hợp với sở y tế các tỉnh, thành phố tuyên truyền kiến thức về dinh dưỡng miễn dịch để nâng cao nhân thức cho toàn dân, đặc biệt là các bà mẹ trẻ.

Nguyên Mi

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/suc-khoe/vi-sao-tre-tu-6-thang-den-3-tuoi-de-nhiem-nhieu-benh-1093785.html