Vì sao Triều Tiên lại thử tên lửa?

Triều Tiên lại vừa thử ít nhất một tên lửa đạn đạo tầm trung, chỉ vài giờ sau khi Bình Nhưỡng thông báo sẽ nối lại đàm phán với Mỹ về chương trình vũ khí hạt nhân của quốc gia bí ẩn này. Vụ thử đã làm dấy lên những câu hỏi nhằm xác định đây là phản ứng của Triều Tiên do tức giận với việc Hàn Quốc mua máy bay chiến đấu tàng hình F-35 thế hệ mới của Mỹ, hay chính quyền của nhà lãnh đạo Kim Jong-un muốn nhắc nhở thế giới về khả năng của họ trước khi nối lại đàm phán cấp chuyên viên với Mỹ.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gặp nhau lần gần đây nhất là hồi tháng 6 vừa qua tại khu phi quân sự ngăn cách hai miền Triều Tiên. Trước đó, ông Kim Jong-un và Tổng thống Trump đã gặp nhau tại Hà Nội hồi tháng 2-2019 và Singapore hồi tháng 6-2018. Không có cuộc đàm phán nào đưa đến kết quả là làm chậm lại các nỗ lực của Triều Tiên trong việc xây dựng và nâng cấp kho vũ khí nguyên tử của họ.

Bình Nhưỡng rõ ràng sở hữu một kho vũ khí gồm vài chục đầu đạn hạt nhân cộng với nhiều tên lửa đạn đạo tầm ngắn, tầm trung và tầm xa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Triều Tiên cũng đang phát triển một tàu ngầm trang bị tên lửa đạn đạo và cùng với đó là một tên lửa phóng từ tàu ngầm, có khả năng tăng cường khả năng hạt nhân trên biển để củng cố kho vũ khí trên đất liền dễ bị tổn thương hơn.

Năm 2018, ông Kim Jong-un đã đồng ý tạm ngừng một số vụ thử tên lửa, xem như một cử chỉ thiện chí, nhưng việc thử tên lửa trên biển và tên lửa đất đối không tầm ngắn vẫn tiếp tục được thực hiện. Vụ phóng tên lửa hôm 2-10, theo biên tập viên cấp cao Ankit Panda của báo Diplomat, "rõ ràng là vụ thử lần đầu tiên một tên lửa được thiết kế để mang đầu đạn hạt nhân chiến lược kể từ vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-15 hôm 28-11-2017. Đó là một thời khắc quan trọng".

Triều Tiên lại vừa thử ít nhất một tên lửa đạn đạo tầm trung. Ảnh tư liệu

Một số nhà phân tích và Chính phủ Nhật Bản ban đầu nghi ngờ vụ phóng thử tên lửa mới nhất này liên quan đến 2 loại vũ khí phóng từ tàu ngầm. Phát biểu trước báo giới, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho rằng vụ phóng đã vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ). Tờ The Washington Post dẫn lời ông Abe nói: "Chúng tôi lên án mạnh mẽ và phản đối hành động này." Nhưng theo David Wright, nhà vật lý thuộc Liên minh các nhà khoa học ở Massachusetts, các quan chức Mỹ sau đó đã làm rõ rằng vụ thử có thể chỉ liên quan đến một loại vũ khí. Trong khi đó, một quan chức Mỹ nói với đài CBS News rằng vụ thử gần đây liên quan đến một tên lửa đạn đạo tầm trung được phóng từ tàu ngầm.

Tên lửa trong vụ thử hôm 2-10 bay khoảng 280 dặm ở độ cao tối đa khoảng 570 dặm, Tham mưu trưởng quân đội Hàn Quốc cho biết trong một tuyên bố được CBS News trích dẫn. Nhà vật lý Wright đã phân tích vụ phóng trên và tính toán rằng loại tên lửa tương tự, nếu được phóng với đường bay thẳng hơn, có thể bay xa tới 1.200 dặm.

Tổng thống Trump đã bình luận rằng các vụ thử tên lửa tầm ngắn của Triều Tiên là "hoàn toàn bình thường." Tuy nhiên, các tên lửa phóng từ tàu ngầm - ngay cả khi chúng không có tầm bắn xuyên lục địa thực sự - thì khó phát hiện hơn và do đó khó đánh chặn hơn so với tên lửa phóng từ mặt đất. " Theo nhà báo Panda, vụ thử tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm của Triều Tiên có vẻ không hề bình thường chút nào."

Kim Dong-yub, chuyên gia phân tích của Viện Nghiên cứu Viễn Đông ở Seoul và là cựu quan chức quân sự, nói với Business Insider rằng vụ phóng của Bình Nhưỡng là nhằm làm gia tăng sức ép với Washington trước các cuộc đàm phán theo dự kiến, nơi Bình Nhưỡng có thể yêu cầu nới lỏng các lệnh trừng phạt kinh tế mà quốc tế áp đặt đối với Triều Tiên.

Cũng có khả năng Triều Tiên đã đáp trả việc Hàn Quốc mới đây đã giới thiệu các máy bay chiến đấu tàng hình F-35 mới do Mỹ sản xuất. Triều Tiên đã lên án vụ mua máy bay F-35 này là một hành động khiêu khích nghiêm trọng, vi phạm các thỏa thuận liên Triều gần đây nhằm làm giảm căng thẳng quân sự.

Theo The Washington Post, Đại sứ Triều Tiên tại LHQ Kim Song đã tuyên bố trước Đại hội đồng LHQ rằng tùy thuộc vào Mỹ quyết định liệu các cuộc đàm phán giữa hai nước "sẽ trở thành cơ hội hay lý do làm leo thang khủng hoảng." Nhà ngoại giao Triều Tiên nói tiếp: "Tình hình Bán đảo Triều Tiên chưa thoát khỏi vòng luẩn quẩn của gia tăng căng thẳng, điều hoàn toàn có thể quy cho các hành động khiêu khích chính trị và quân sự xuất phát từ những âm mưu và chính sách thù địch lỗi thời của Washington đối với Bình Nhưỡng."

Theo giới phân tích, với vụ thử lần này, Triều Tiên đang đưa ra lời nhắc nhở có ý nghĩa chiến lược đối với Mỹ. Vụ thử đã nhấn mạnh thực tế là Bình Nhưỡng, trong khi không giảm bớt năng lực vũ khí hạt nhân của nước này, đã bình thường hóa việc thử vũ khí dưới hình thức các vụ thử tên lửa hạt nhân và tầm xa. Thời điểm của vụ thử lần này, ngay trước khi nối lại các cuộc đàm phán với Mỹ, cho thấy Triều Tiên có cách đặt cược của riêng mình.

Hồng Phúc

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/vi-sao-trieu-tien-lai-thu-ten-lua-164974.html