Vì sao trở lại Việt Nam? (Tiếp theo và hết)

Kỳ 2: Hàn gắn quá khứ

Chỉ khi hòa mình với cộng đồng người Việt Nam, chúng tôi mới cảm nhận rõ tình yêu và sự khoan dung từ những con người nơi này, những con người mà chúng tôi đã từng chiến đấu chống lại họ, chỉ bởi vì họ sẵn sàng tha thứ. Hiện tại tôi là thành viên của nhóm sáng kiến “Trái tim những người lính”, cũng như trong cuốn “Chiến tranh và Tâm hồn” mà Tiến sĩ Ét Tích đã viết. Tiến sĩ Ét Tích đã nghiên cứu một số nền văn hóa cổ xưa, trong đó có Việt Nam, nhằm tìm hiểu cái gì đã khiến cho các cựu chiến binh Mỹ cần được chữa trị căn bệnh rối loạn tâm lý do sang chấn (PTSD). Trong các chuyến đi tới Việt Nam đã cho ông thấy hận thù còn đọng lại quá ít hầu hết trong lòng những kẻ thù cũ của chúng tôi. Đồng thời, Tiến sĩ Ét Tích và tôi đã dẫn đầu đoàn cựu chiến binh Mỹ quay trở lại Việt Nam, những cựu binh cũng có những hoang mang giống như tôi lúc ban đầu; và đi để thoát khỏi ám ảnh về cuộc chiến tranh và để thân quen với hình ảnh mới của đất nước này. Các cựu chiến binh được gột rửa và thay đổi bởi chuyến đi này, những điều mà tôi tưởng chừng không bao giờ có thể xảy ra. Rất lạ lùng là chúng tôi phải quay trở lại nơi là ngọn nguồn cơn ác mộng của mình để đi tìm lại sự phục hồi ở nó, nhưng đó chính xác là những điều đã xảy ra. Cùng với tôi là vợ tôi, Lin-xlây Phin (Lindsley Field), chúng tôi luôn muốn dẫn những đoàn cựu binh quay trở lại Việt Nam. Vợ tôi, cô ấy rất hào hứng với những chuyến đi tới đất nước mà chồng cô ấy đã từng một lần là lính. Ngoài mục đích hàn gắn chiến tranh cho các cựu chiến binh, chúng tôi còn thực hiện các chuyến đi chữa trị cho người khuyết tật, bệnh nhân tại Việt Nam. Cả Lin-xlây và tôi đều là những bác sĩ. Tôi là một bác sĩ nắn chỉnh xương khớp, còn vợ tôi là một cố vấn về các phương pháp xoa bóp toàn thân, xoa bóp bằng hương liệu,… Chúng tôi cũng mời các chuyên gia y tế khác cùng tham gia với chúng tôi và đã dần hoàn thiện thành một đội hoàn chỉnh, chữa trị cho tổng cộng 1500 bệnh nhân trong suốt các chuyến đi của chúng tôi tại Việt Nam, đồng thời chúng tôi còn truyền đạt lại các phương pháp này lại cho các kỹ thuật viên Việt Nam. Các đợt chữa bệnh này được thực hiện phần lớn tại các trại trẻ mồ côi, tại trường học hoặc tại các gia đình của những người già neo đơn. Lần gần đây nhất chúng tôi đã trải qua một hiện tượng thú vị, một số bệnh nhân cao tuổi đã từng tham gia chiến đấu trên tiền tuyến của Việt Nam, bị mất một tay hoặc một chân, họ trèo lên bàn tập của chúng tôi với sự tin tưởng, trân trọng tiếp nhận sự chữa trị từ chúng tôi và có người còn bắt tay chúng tôi. Thật khó có thể diễn tả được cảm xúc khi chữa trị cho những người được gọi là “kẻ thù cũ” của mình, vì sau khi việc chữa trị hoàn thành thì thật khó có thể nói là ai đã chữa trị cho ai, bệnh nhân hay bác sĩ. Được phép thực hiện công việc nhân đạo tại đất nước này là một món quà lớn với chúng tôi, mà nhất là khi tôi lại là một cựu chiến binh Mỹ. Các thành viên khác trong đoàn cũng có cảm xúc tương tự như vậy. Tôi tin rằng điều đã làm mù quáng tất cả mọi người là cái cách mà họ không hiểu về cội rễ của nền văn hóa lâu đời. Chúng ta hưởng thụ lợi ích của “sự tiến bộ” trong xã hội phương Tây, nhưng không dễ dàng nhận ra được giá trị của hòa bình. Chỉ khi hòa mình với cộng đồng người Việt Nam, chúng tôi mới cảm nhận rõ tình yêu và sự khoan dung từ những con người nơi này, những con người mà chúng tôi đã từng chiến đấu chống lại họ, chỉ bởi vì họ sẵn sàng quên đi quá khứ và tha thứ. Vì vậy, chúng tôi trở lại Việt Nam vì rất nhiều lý do. Hàn gắn quá khứ và mang sự giúp đỡ đến những người cần sự giúp đỡ là hai lý do quan trọng nhất. Được học hỏi, được cảm nhận và được sống tại đất nước này, nếu chỉ cần trong vài tuần thôi, cũng đủ để thấy cuộc sống được thay đổi. Tôi đã ở Việt Nam một năm vào những năm 60, nhưng khi ấy tôi chỉ biết đến sự tàn sát. Khi tôi bước vào cái gọi là “cánh chim tự do” ở chặng cuối của cuộc hành trình đó, tôi đã hoan hỉ vì mình còn sống sót. Khi quay trở lại, tôi được chiêm ngưỡng một đất nước xinh đẹp, với những người dân mộ đạo và lần này thì tôi không muốn rời khỏi nó. Thay vì một vùng đất chết chóc, Việt Nam đã trở thành vùng đất của cuộc sống thần thánh. Kỳ 1: Giờ chúng ta là bạn Ngọc Hà

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/QDNDSite/vi-VN/61/43/56/57/57/109542/Default.aspx