Vì sao trong lễ hóa vàng thường kèm theo 1 cây mía?

Thông thường, từ ngày mùng 3 Tết trở đi, các gia đình lại soạn lễ để hóa vàng, lễ tạ năm mới hay gọi là tục 'đưa ông bà'.

Hóa vàng đúng cách

Với lễ hóa vàng, chuyên gia phong thủy Song Hà cho biết, đây cũng là việc rất quan trọng bên cạnh chuẩn bị lễ vật cúng và bài khấn. Khi lễ đã hoàn tất, chủ nhà bắt đầu nghi thức hóa vàng để tạ gia tiên và gia thần.

Lễ tạ sẽ được tiến hành trong không khí trang nghiêm tại một góc vườn nhà hay ở sân sạch sẽ, tươm tất. Chúng ta sẽ hóa tiền vàng trước và hóa đồ dùng sau. Trong trường hợp nhà có người mới mất thì vàng mã này được hóa riêng.

Lúc lễ đã diễn ra xong, chủ nhà vái 3 vái và cầu nguyện gia tiên phù hộ cho con cháu. Tiếp đến là xin phép thu lộc, chia lộc (các vật phẩm) cho con cháu trong nhà.

Vị trí hóa vàng cần đặt một cây mía dài để làm đòn gánh giúp linh hồn đem đồ trở về cõi âm.

Những lưu ý cần nhớ khi thực hiện lễ hóa vàng ngày Tết

Khi thực hiện lễ cúng và đọc văn khấn hóa vàng Tết, các bạn cần lưu ý một số điều rất quan trọng sau đây:

Chuẩn bị đầy đủ và chu đáo lễ vật trên mâm cúng, phải thành tâm khi làm lễ.

Khi chưa thực hiện hóa vàng, không để hương đèn tắt. Đặc biệt là hành vi hạ lễ trước khi hóa vàng sẽ được xem là bất kính đối với các vị thần linh và tổ tiên.

Phần tiền vàng gia thần cần được hóa trước rồi mới tới phần của tổ tiên để không bị nhầm lẫn.

Không nên đốt vàng mã quá nhiều: Cũng có không ít người quan niệm là càng đốt nhiều vàng mã là lòng thành kính và biết ơn tổ tiên càng sâu sắc. Đây là điều hoàn toàn sai lầm.

Chúng ta chỉ nên đốt một lượng vàng mã và hương khói vừa đủ dành cho nghi lễ. Việc mọi người đốt vàng mã với số lượng quá tải sẽ làm ô nhiễm môi trường.

* Thông tin mang tính tham khảo, chiêm nghiệm!

Thủy Linh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/vi-sao-trong-le-hoa-vang-thuong-kem-theo-1-cay-mia-post623508.html