Vì sao tuyển Việt Nam gặp khó khăn trước Philippines?

Trước Philippines với lối chơi bóng dài và những màn tranh chấp thiên về thể chất, đội tuyển Việt Nam đã gặp những vấn đề đáng kể ở trận bán kết lượt về AFF Cup diễn ra tối 6/12.

Nói như lời một bình luận viên truyền hình, những phút trên sân Mỹ Đình “có lẽ là khoảng thời gian khó khăn nhất của Việt Nam kể từ đầu giải tới giờ”.

Tiền vệ Quang Hải và đồng đội trải qua trận bán kết lượt về AFF Cup vất vả trước Philippines dù được thi đấu trên sân Mỹ Đình. Ảnh: Thuận Thắng.

Tính chất của bóng bổng

Điểm khác nhau giữa việc chơi bóng bổng và chơi bóng sệt là gì? Có lẽ, câu trả lời có thể tóm gọn ở một chi tiết duy nhất: khả năng kiểm soát.

Về mặt tính chất, đường chuyền ngắn sệt rất khác với được chuyền dài bổng xét về mức độ chính xác. Một đường chuyền ngắn sệt dễ thực hiện hơn cả về cự ly cũng như mức độ đơn giản của động tác kỹ thuật. Quả bóng trên mặt đất cũng ổn định hơn. Bản thân người nhận trong hầu hết trường hợp cũng có thể thực hiện động tác đỡ bóng, xoay xở hiệu quả hơn.

Trong khi đó, khi một quả bóng được phất dài và bổng, nó trở nên vô cùng khó lường. Kỹ thuật chuyền dài tiêu tốn nhiều lực hơn, và quan trọng nhất là việc nhận bóng bổng khó hơn nhiều, đặc biệt nếu phải xử lý bằng đầu, dưới áp lực.

Cũng chính vì vậy, khi xác định sử dụng nhiều pha bóng bổng, người ta cần có sức mạnh thể chất, bởi đó thường là yếu tố mang tới lợi thế trong tranh chấp tay đôi, đặc biệt trên không (bật nhảy, tỳ đè…). Tuyển Việt Nam không phải không có những cầu thủ có thế mạnh thể chất, nhưng ở mặt bằng trung bình, Philippines nhỉnh hơn Việt Nam trên góc độ này. Và họ khai thác rất hiệu quả, thông qua việc chơi bóng bổng.

Ngay ở một trong những pha triển khai đầu tiên của trận, Silva phất bổng nhắm tới Reichelt, các cầu thủ khác của Philippines lập tức ập tới khu vực điểm rơi của bóng.

Reichelt khống chế không thành công, lập tức dẫn tới một pha tranh chấp giữa Reed và Xuân Trường.

Bóng tiếp tục không được khống chế rõ ràng, đến lượt Đức Huy lao vào.

Bóng rời khỏi Reed và Đức Huy, Ingreso và Anh Đức đọ sức.

Reed và Đức Huy ập vào, cuộc giằng co tiếp diễn.

Sau pha móc bóng của Đức Huy, bóng trở về với Philippines.

Mỗi khi Philippines phất bóng bổng, sân Mỹ Đình liên tục chứng kiến những màn tranh chấp cơ bắp vô cùng tốn thể lực. Và điều đó dẫn tới vấn đề cho một số cái tên: nếu như Đoàn Văn Hậu không hề ngại ngần, thì Xuân Trường lại gặp khó khăn. Quế Ngọc Hải chẳng lo đọ sức tay đôi, nhưng Duy Mạnh tương đối khó khăn khi bị Phil Younghusband tỳ đè.

Nhân tố Schrock

Điểm khác biệt quan trọng về mặt chiến thuật của Philippines trong trận đấu này còn đến ở một khía cạnh khác: sơ đồ chiến thuật. Về cơ bản, Philippines chuyển từ sơ đồ 4 hậu vệ sang sơ đồ 5 hậu vệ (3 trung vệ).

Khi phòng thủ, họ dàn hình 5-4-1, với bộ ba Amani Aguinaldo - Alvaro Silva - Carli de Murga ở dưới cùng, hai biên là Martin Steuble bên phải và Iain Ramsay bên trái. Bộ tứ tiền vệ từ phải qua trái gồm Patrick Reichelt, Adam Reed, Kevin Ingreso và Stephan Schrock. Younghusband chơi cao nhất.

Tuy nhiên, khi tấn công, họ có sự thay đổi căn bản trong khu vực hoạt động của bộ ba tấn công Younghusband - Reichelt - Schrock. Reichelt, cầu thủ tấn công với bản năng nhạy bén trong vòng cấm sẽ đẩy lên cao như một tiền đạo, song song với Younghusband - người sẽ hoạt động lệch về bên trái. Schrock, nhạc trưởng của đội được phép di chuyển gần như tự do. Người từng chơi cho Hoffenheim và Eintracht Frankfurt khi xuất hiện ở cánh trái, thỉnh thoảng có mặt ở cánh phải, và thường xuyên co vào trung lộ - nơi anh tạo ra nhiều đột biến nhất.

Sự có mặt của Schrock tạo ra ưu thế quan trọng về số lượng người cho Philippines. Xuân Trường và Đức Huy không chỉ đối mặt Reed và Ingreso, mà còn bị Schrock luồn sau lưng.

Từ cú phất dài của thủ môn, Ramsay - chứ không phải Schrock - tranh chấp với Trọng Hoàng.

Bóng nảy ra, Xuân Trường bị bủa vây bởi Schrock và Reed.

Kiểm soát bóng thành công từ ưu thế này, Schrock thực hiện đường chuyền xuyên phá cho Reichelt và Younghusband càn lướt.

Ở pha bóng phía trên, nếu như Reichelt sắc sảo hơn, rất có thể khung thành Đặng Văn Lâm đã gặp nguy hiểm thực sự. Một ví dụ khác:

Tuyển Việt Nam triển khai từ pha ném biên của Văn Hậu, Schrock chủ động bó vào phía trong.

Việc di chuyển vào trung lộ thay vì giữ vị trí trước mặt hậu vệ trái Ramsay trong tình huống này có thể không hẳn vì chủ ý chiến thuật tổng quát, mà chỉ diễn ra vì yêu cầu cụ thể tại thời điểm ấy. Tuy nhiên chúng ta có thể thấy rõ sự xuất hiện của Schrock lợi hại ra sao trong khu vực này.

Sau quả ném biên, bóng được phá về phía trước, rồi ngược trở lại Silva. Trung vệ này quyết định nhả bóng hướng tới vị trí của Schrock.

Schrock tinh quái sử dụng Ingreso như một “chướng ngại vật” cản bước Đức Huy.

Trước khi lập tức phất dài cho Reichelt và Younghusband lao về phía trước.

Ở lượt đi, Schrock chủ yếu hoạt động ở biên trái thì ở lượt về, sự xuất hiện của anh tại trung lộ tạo ra sức mạnh đáng kể cho Philippines. Những đường chuyền vượt tuyến có độ chuẩn xác cao của Schrock không chỉ xuất hiện từ một bên duy nhất, mà đến từ trục giữa - cũng là khu vực mang tới phạm vi chuyền bóng trên toàn bộ chiều ngang sân.

Đáng tiếc cho Philippines, khi ban huấn luyện của họ đưa ra một sự thay đổi vô cùng quan trọng: tiền đạo James Younghusband vào sân thay cho trung vệ De Murga. Sơ đồ của họ chuyển lại thành 4-2-3-1, ba vị trí tiền vệ công - tiền đạo - tiền vệ phải là sự hoán đổi giữa hai anh em Younghusband và Reichelt. Nhưng quan trọng nhất, Schrock bó chặt ở cánh trái.

James Younghusband vào sân, Schrock trở lại cánh trái.

Tầm chuyền bóng đầy nguy hiểm của tiền vệ từng khoác áo đội tuyển U20 Đức một lần nữa bị bó sang một bên, nơi mà Việt Nam gây áp lực dễ hơn nhiều. Philippines có thêm một người để tham gia không chiến trong vòng cấm địa, nhưng ngược lại họ tự bỏ đi vũ khí tốt nhất.

Ở bên kia sân, số lượng trung vệ giảm sút chính là một phần dẫn tới việc Văn Đức, Quang Hải và Công Phượng chọc thủng lưới Patrick Deyto, ấn định suất dự chung kết AFF Cup cho Việt Nam.

Kết luận

Philippines không hẳn là đối thủ đầu tiên thực sự áp dụng lối chơi vượt tuyến liên tục, đẩy trận đấu vào những màn tranh chấp thể chất trên khắp mặt sân. Hình ảnh này cũng có thể thấy ngay từ trận đấu giữa Việt Nam và Myanmar, khi Aung Thu và các đồng đội gần như “cắm” 4 cầu thủ tấn công ở phía trên và liên tục chơi vượt tuyến, chơi chiều sâu. Đó cũng là trận đấu mà Việt Nam đã gặp khó khăn.

Chúng ta giành chiến thắng nhờ trình độ nhỉnh hơn Myanmar, nhưng điểm yếu là tương tự như khi gặp Philippines: khả năng giữ cự ly đội hình khi trạng thái bóng liên tục chuyển đổi là chưa tốt.

Trước những đối thủ có nhịp độ chậm hơn, vấn đề này có thể sẽ không xuất hiện. Và điều tiết nhịp độ trận đấu cũng là một nhiệm vụ quan trọng mà tự chúng ta phải thực hiện. Tin vui là Malaysia không hẳn là một đội chơi ở nhịp độ cao.

Dũng Lê

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/vi-sao-tuyen-viet-nam-gap-kho-khan-truoc-philippines-post897747.html