Vì sao tuyển Việt Nam không chơi tấn công áp đặt ở AFF Cup?

Tại sao phải tấn công hay kiểm soát bóng? Không cần cả hai điều đó, tuyển Việt Nam của HLV Park Hang-seo vẫn sống ổn và đang tiến bước vững chắc trên hành trình chinh phục.

Highlights AFF Cup: ĐT Myanmar 0-0 ĐT Việt Nam AFF Cup 2018 chứng kiến trận hòa đầu tiên tại giải khi Myanmar và tuyển Việt Nam bất phân thắng bại với tỷ số 0-0 sau 90 phút trên sân vận động Thuwunna.

Tuyển Việt Nam đã và sẽ không bao giờ là một đội bóng tấn công ở AFF Cup 2018. Trước Malaysia trên sân nhà Mỹ Đình hay Myanmar ở sân khách Thuwunna, tuyển Việt Nam đều bê nguyên một công thức.

180 phút trước hai đối thủ ngang tầm là bằng chứng cho thấy phòng ngự phản công sẽ là lựa chọn chủ đạo, thậm chí duy nhất của HLV Park Hang-seo tại chiến dịch AFF Cup lần này.

Đội tuyển Việt Nam đáng được ngợi khen dù không thể giành trọn 3 điểm tại Myanmar. Ảnh: Thuận Thắng.

Không cần kiểm soát bóng, tuyển Việt Nam vẫn đáng sợ

Trước Myanmar trên sân nhà, tuyển Việt Nam lần thứ hai liên tiếp chọn cách nhập cuộc cửa dưới. Đội bóng của ông Park Hang-seo chỉ cầm bóng 31,4 % trước Malaysia và 47,2 % trước Myanmar. Các cầu thủ nhường quyền chủ động cho đối thủ, không pressing quá 2/3 mặt sân thi đấu.

Thay vì cố gắng xây dựng những lối chơi khác nhau trước các đối thủ khác nhau, ông Park Hang-seo gò cả đội tuyển theo một phong cách duy nhất. Tuyển Việt Nam sẽ theo đuổi lối chơi từng mang tới thành công rực rỡ cho U23 Việt Nam và đội Olympic, sẽ cố gắng làm tốt nhất công việc quen thuộc nhất với chính mình.

Thông số trận Myanmar và Việt Nam ở bảng A tại AFF Cup 2018.

Lựa chọn ấy có lẽ là quyết định sáng suốt. Bởi AFF Cup lần này, Việt Nam không có Tuấn Anh, Văn Thanh, không còn Thành Lương, Công Vinh. Những diễn biến đã qua từ đầu giải cũng cho thấy tuyển Việt Nam không mạnh hơn quá nhiều so với Đông Nam Á, không vượt trội như... người hâm mộ vẫn tưởng tượng. Gồng mình áp đặt đối thủ, miễn cưỡng đứng trên, đó có thể là con đường nhanh nhất dẫn tới thất bại cho đội tuyển.

Ngược lại, lựa chọn cách chơi quen thuộc đang mang tới hình hài tuyển Việt Nam nhuần nhuyễn và đáng sợ.

Trước Malaysia tại Mỹ Đình, Việt Nam chủ động phòng ngự nhưng vẫn 2 lần sút tung lưới đối thủ. Đến Myanmar, Văn Quyết cùng đồng đội kiểm soát bóng ít hơn nhưng tung ra tới 11 cú dứt điểm (5 trúng đích), có 10 quả đá phạt và 5 lần phạt góc. Bên kia chiến tuyến, người Miến chỉ có vẻn vẹn 6 lần dứt điểm, 6 quả đá phạt và 3 lần phạt góc. Nếu Quang Hải dứt điểm chính xác hơn, nếu bàn thắng của Văn Toàn được công nhận, Myanmar khó tránh khỏi một thất bại trên sân nhà.

Đá như thế, cần gì kiểm soát bóng, cần gì tấn công áp đặt?

Quế Ngọc Hải đang thể hiện được đẳng cấp và đã chiếm được chỗ của đàn em Bùi Tiến Dũng trong bộ ba trung vệ. Ảnh: Thuận Thắng.

Một điểm 10 nữa cho tuyến phòng ngự

Cơ sở nào giúp ông Park Hang-seo tự tin triển khai lối chơi phòng ngự phản công ấy? Điều gì đem tới sự khác biệt cho Việt Nam ở AFF Cup 2018?

Giống như tại U23 châu Á và ASIAD 18, trái tim của đội tuyển một lần nữa đang nằm ở hàng thủ. Với bốn cái tên Đặng Văn Lâm, Quế Ngọc Hải, Đỗ Duy Mạnh và Trần Đình Trọng, tuyển Việt Nam đã có trận thứ ba liên tiếp giữ sạch lưới. 90 phút trước Myanmar, Văn Lâm chỉ 2 lần phải ra tay cản phá.

90 phút ấy, ba trung vệ tuyển Việt Nam gần như biến mất khỏi ống kính truyền hình. Họ chơi ăn ý, bọc lót cực hay. Họ duy trì khoảng cách hợp lý giữa mỗi người và với tuyến tiền vệ. Ba trung vệ của tuyển Việt Nam chơi tốt đến độ đối phương gần như không còn khoảng trống để tranh chấp tay đôi, để đua tốc độ đoạn ngắn. Họ vì thế không phải xoạc bóng, không cần cản phá mạo hiểm. Sự an toàn họ tạo ra nhàm chán đến mức họ gần như “tàng hình” trên thảm cỏ. Không phải Quang Hải hay Công Phượng, chính bộ tứ phòng ngự mới đang là những người chơi hay nhất từ đầu giải.

11 cầu thủ Việt Nam đá chính ở trận gặp Myanmar. Đồ họa: Minh Phúc.

Trong số họ, đội phó Quế Ngọc Hải là trường hợp thú vị hơn cả. Nhiều người đã nghĩ Ngọc Hải sẽ không thể phá vỡ mối liên kết bền chặt giữa Duy Mạnh, Đình Trọng và Tiến Dũng. Nhưng Hải “Quế” đã làm được và thậm chí còn làm tốt. Anh thay thế hoàn hảo người đàn em và thậm chí trội hơn ở khả năng hỗ trợ tấn công. Trước Myanmar, Hải là trung vệ duy nhất có 1 tình huống dứt điểm về phía khung thành đối thủ.

Một lời khen khác cũng phải dành cho Phan Văn Đức. Tiền đạo của SLNA đang trở thành “quân bài tẩy” quan trọng cả trên mặt trận phòng ngự lẫn tấn công. Tại Thuwunna, Đức “cọt” đá chạy cánh phải trong hiệp một trước khi chuyển sang tiền đạo trái ở hiệp hai. Vị trí nào, anh cũng chơi rất tốt. Số 20 cũng là cầu thủ có nhiều cú dứt điểm nhất của đội tuyển Việt Nam ở trận đấu tối qua (4 lần) và xứng đáng có một bàn cho riêng mình.

Xuân Trường (số 6) hỗ trợ tấn công rất tốt nhưng còn nhiều hạn chế trong việc phòng ngự. Sử dụng Trường đang là bài toán khó cho HLV Park Hang-seo. Ảnh: Thuận Thắng.

Hai bộ mặt của Quang Hải, Xuân Trường

“Tôi tin Quang Hải và Xuân Trường là cặp tiền vệ hoàn hảo của đội tuyển Việt Nam ở AFF Cup lần này. Hai cậu ấy là những người kết nối các tuyến, chuyển đổi trạng thái tấn công - phòng ngự cho đội tuyển”.

Đó là tuyên bố của ông Park Hang-seo trước báo giới sau trận thắng Malaysia hôm 16/11. Nhưng những gì diễn ra trên sân cho thấy ông Park chỉ nói đúng một nửa.

Trên mặt trận tấn công, không ai có thể chê được Xuân Trường, Quang Hải. Nhưng ở khía cạnh phòng ngự, họ thực sự đang tạo ra vấn đề. Tình huống ở phút 23 trận gặp Myanmar là một ví dụ. Xuân Trường, Quang Hải bỏ vị trí, tạo khoảng trống mênh mông trước vòng 16m50 để Aung Lwin Moe băng lên tung cú dứt điểm từ xa khá nguy hiểm. Đó là một trong hai cú sút trúng đích hiếm hoi của chủ nhà ở trận này.

Những tình huống để trống trung lộ, bỏ quên tiền vệ trung tâm theo kiểu ấy đã được Xuân Trường, Quang Hải nhiều lần tạo ra. Malaysia, Myanmar không đủ khả năng để tận dụng nó. Nhưng Thái Lan thì có thừa. Năm 2015, Pokklaw Anan ghi bàn duy nhất giúp Thái Lan thắng Việt Nam ở vòng loại World Cup trong một tình huống tương tự.

Khoảng trống mênh mông mà Xuân Trường, Quang Hải bỏ lại trong tình huống ở phút 23 trận gặp Myanmar (ảnh trên) và khoảng trống mà Pokklaw Anan đã tận dụng để ghi bàn duy nhất, giúp Thái Lan thắng Việt Nam 1-0 ở vòng loại World Cup năm 2015.

Có ngẫu nhiên không khi với Xuân Trường, tuyển Việt Nam chỉ kiểm soát bóng 44,4 % trong hiệp một. Nhưng khi Hùng Dũng vào sân, đội tuyển kết thúc trận đấu với 47,2 % thời gian cầm bóng.

HLV Park Hang-seo có biết điều ấy không? Ông chắc chắn biết.

Nhưng những đóng góp quá lớn của bộ đôi sáng tạo này khiến ông còn chần chừ trong các lựa chọn nhân sự. Lấy Xuân Trường làm ví dụ. Tiền vệ của HAGL chỉ chơi 45 phút nhưng vẫn kịp tạo ra 5 cơ hội nguy hiểm - nhiều nhất đội hình Việt Nam. Tức là chưa đầy 10 phút mỗi lần, Trường lại tạo ra một cơ hội ăn bàn rõ rệt. Thay thế Trường rất dễ, nhưng cái giá cho sự đánh đổi cũng không hề rẻ.

90 phút trước Myanmar không phải trận đấu thành công về mặt tỷ số. Nhưng đó mới là màn trình diễn ấn tượng nhất của đội tuyển xét về phương diện tổ chức. Tỷ số hòa 0-0 cũng không phải là điều gì đấy quá tồi tệ. Kết quả ấy có thể giúp tuyển Việt Nam tránh khỏi một trạng thái hưng phấn quá mức - thứ từng khiến chúng ta nhiều lần tan nát trong quá khứ.

Xếp hạng bảng A AFF Cup 2018 sau lượt trận bốn. Đồ họa: Minh Phúc.

Minh Chiến
Đồ họa: Minh Phúc

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/vi-sao-tuyen-viet-nam-khong-choi-tan-cong-ap-dat-o-aff-cup-post893942.html