Vì sao V-League 2019 thiếu 'vua dội bom'?

V-League 2019 không có những chân sút cự phách, ghi bàn theo kiểu ồ ạt dù đa phần các CLB đều có xu hướng chơi tấn công.

Tiền đạo Pape Omar của Hà Nội đang dẫn đầu danh sách Vua phá lưới V-League 2019 với 10 bàn thắng

Tiền đạo Pape Omar của Hà Nội đang dẫn đầu danh sách Vua phá lưới V-League 2019 với 10 bàn thắng

Vậy đâu là nguyên nhân dẫn tới thực trạng này?

Trận địa thiếu trọng pháo

V-League 2019 đã đi qua được 2/3 chặng đường nhưng vẫn chưa xuất hiện chân sút nào thực sự là ác mộng với các hàng thủ. Sau vòng 18, Pape Omar của Hà Nội FC đang dẫn đầu danh sách Vua phá lưới với 10 bàn thắng. Xếp sau lần lượt là Pedro Paulo của TP HCM (9 bàn); Rimario (Thanh Hóa), Dyachenko (T.Quảng Ninh), Hoàng Vũ Samson (Hà Nội FC/Quảng Nam) cùng có 8 bàn. Hà Minh Tuấn (Quảng Nam), Nguyễn Văn Toàn (HAGL) và Mạc Hồng Quân (T.Quảng Ninh) là ba chân sút nội tốt nhất với 7 lần lập công từ đầu mùa.

Theo thống kê từ Ban Điều hành V-League 2019, sau vòng 18 có tới 349 bàn thắng được ghi, trung bình 2,77 bàn/trận. Thế nhưng, nếu tính trung bình, hiệu suất ghi bàn của Omar chỉ là 0,55 bàn/trận, Pedro là 0,5 bàn/trận. Nhóm ghi 8 bàn đạt hiệu suất 0,44 bàn/trận và nhóm ghi 7 bàn có hiệu suất 0,39 bàn/trận. Đây là hiệu suất khá thấp trong bối cảnh các trận đấu tại V-League đa phần diễn ra cởi mở, nhiều bàn thắng được ghi.

Đem so sánh hiệu suất ghi bàn của chân sút đang dẫn đầu danh sách Vua phá lưới V-League 2019 với vị trí tương tự ở một số giải đấu trong khu vực, Omar cũng thua kém các đồng nghiệp. Cụ thể, Bonilla của Bangkok United (Thai League) có 16 bàn sau 21 trận, đạt 0,76 bàn/trận. Sherman của PKNS (Super Malaysia League) ghi 14 bàn sau 22 trận, đạt 0,63 bàn/trận. Trong khi đó, Ciro của TR Kapo (Ligue 1 Indonesia) đạt 0,96 bàn/trận khi ghi 10 bàn sau 11 trận.

Nếu nhóm dẫn đầu danh sách Vua phá lưới duy trì hiệu suất như hiện tại, kết thúc mùa giải, Omar chỉ có tối đa khoảng 15 bàn thắng, trở thành Vua phá lưới kém nhất trong 5 mùa gần đây. Tại V-League 2015, Patiyo (Quảng Nam) có 18 bàn; Đỗ Merlo (SHB Đà Nẵng) ghi 24 bàn ở mùa giải 2016. Mùa giải 2017- 2018, Nguyễn Anh Đức và Oseni thay nhau về nhất với 17 bàn. Xa hơn một chút, mùa 2014, Hoàng Vũ Samson có tới 24 lần ăn mừng trước khi giành Chiếc giày vàng.

Từ những con số trên, ta thấy rõ ràng số bàn thắng của các Vua phá lưới đang có dấu hiệu giảm dần theo thời gian. Sau mùa giải 2016, chưa tiền đạo nào ở V-League ghi được trên 20 bàn/mùa. 8 vòng đấu còn lại ở V-League 2019 cũng khó chứng kiến sự bứt phá từ các chân sút đang dẫn đầu danh sách làm bàn. Thậm chí, với lịch thi đấu dày đặc, không loại trừ khả năng một số cái tên vừa nêu ở phần đầu bài viết sẽ sa sút.

Xu hướng chia lửa

Đội bóng ghi nhiều bàn nhất: Hà Nội FC (35 bàn).
Đội bóng ghi ít bàn nhất: Viettel (17 bàn).
Đội bóng thủng lưới nhiều nhất: Sài Gòn (32 bàn).
Đội bóng thủng lưới ít nhất: TP HCM (18 bàn).
Đội bóng ghi nhiều bàn thắng trên sân nhà nhất: Thanh Hóa (22 bàn).
Đội bóng ghi nhiều bàn thắng trên sân khách nhất: Quảng Nam (15 bàn).

(Số liệu tính đến sau vòng 18 V-League 2019)

Đồng tình với quan điểm của tác giả, bình luận viên Vũ Quang Huy cho rằng, hiệu suất làm bàn của các chân sút tốt nhất V-League 2019 kém ấn tượng. Tuy nhiên, đây không phải là điều gì đáng lo ngại. “Nhìn vào top đầu, các tiền đạo rõ ràng không tạo ra được sự bứt phá, khả năng săn bàn liên tục. Tuy nhiên, đây chưa hẳn là thực trạng không tốt bởi nếu nhìn tổng quan, số cầu thủ ghi bàn ở các đội bóng gần như đều tăng. Điều này có nghĩa lối chơi, chiến thuật ở V-League trở nên đa dạng hơn, khó lường hơn. Nếu như trước đây việc ghi bàn gần như được khoán trắng cho 1, 2 tiền đạo ngoại thì hiện nay mọi vị trí ở các CLB đều có thể trở thành mũi nhọn, san sẻ gánh nặng săn bàn”, anh cho biết.

Ý kiến của bình luận viên Quang Huy hoàn toàn xác đáng bởi số cầu thủ ghi từ 4 bàn trở lên tại V-League 2019 lên tới 10 người, còn số cầu thủ ghi 3 bàn là 14 người. Tổng số cầu thủ ghi bàn tính từ đầu mùa là 115 cái tên, chiếm khoảng 35% tổng số cầu thủ đăng ký thi đấu, tức cứ 10 cầu thủ thì có 3,5 cầu thủ lập công.

Chuyên gia Nguyễn Thành Vinh cũng có cái nhìn tương tự khi nhận định xu hướng chiến thuật ở V-League đã được nâng tầm. “Trước đây, các đội bóng đá V-League thường xuyên sử dụng miếng đánh từ sân nhà phất bóng dài hoặc từ biên tạt bổng vào cho tiền đạo ngoại cao to xoay xở. Cách chơi này nếu gặp những tiền đạo tốt sẽ phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, một vài năm qua, tôi thấy các đội bóng đã chú trọng hơn tới việc phối hợp nhằm tạo ra khoảng trống, từ đó, bất kỳ cầu thủ nào cũng có thể chiếm lĩnh và ghi bàn”, ông Vinh nhận định.

Theo chuyên gia Nguyễn Thành Vinh và bình luận viên Vũ Quang Huy, sự thay đổi trên bắt nguồn từ hai nguyên nhân chính. Thứ nhất, V-League hiện nay không tuyển chọn, chuyển nhượng được những ngoại binh xuất sắc. “Những lão tướng như Samson, Đỗ Merlo, Dyachenko, Patiyo hiện nay vẫn phải cày ải. Một số khác trẻ hơn như Omar, Rimario cũng đều kinh qua nhiều đội bóng. Vài năm trở lại đây, gần như không có một tiền đạo ngoại nào thực sự gây ấn tượng như Samson hay Merlo hồi mới tới Việt Nam”, bình luận viên Quang Huy phân tích.

Nguyên nhân thứ hai là do nhiều CLB đang áp dụng lối chơi giống như đội tuyển Việt Nam. “Sau thành công vang dội gần hai năm qua, không khó hiểu khi cách vận hành đội bóng của HLV Park Hang-seo được các đội bóng học hỏi. Lối chơi này không có bài tủ nhưng lại rất biến hóa, hiệu quả cao”, chuyên gia Nguyễn Thành Vinh nói. Dẫu vậy, chuyên gia Nguyễn Thành Vinh khẳng định, người hâm mộ vẫn cần thừa nhận một thực tế, V-League hiện tại ít những chân chuyền chất lượng, nên số cơ hội ăn bàn cho các tiền đạo cũng hạn chế.

Gia Hưng

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/vi-sao-v-league-2019-thieu-vua-doi-bom-d429772.html