Vì sao vào chùa phải lễ Đức Ông trước rồi mới đến lễ chư Phật, Bồ Tát?

Hiện nay, mỗi người lại hành lễ theo các trình tự khác nhau, có người lễ Đức Ông trước rồi mới đến lễ Phật, có người đến thẳng Tam Bảo chắp tay lạy Phật… Điều này có thể lý giải do nhiều người không biết nguyên tắc và chỉ đến chùa lễ Phật, Thánh theo bản năng tâm linh. Không biết là không có lỗi và bài báo này sẽ lý giải câu hỏi 'vì sao vào chùa phải lễ Đức Ông trước rồi mới đến lễ chư Phật, Bồ Tát?'

Ảnh minh họa lễ chùa

Ảnh minh họa lễ chùa

Vì sao lễ Đức Ông đầu tiên?

Trình tự lễ chùa mà các nhà sư và những người am hiểu về đạo Phật thường đề cập đến, đó là vào chùa: bước 1 – đặt lễ vật thắp hương và làm lễ ở ban thờ Đức Ông trước tiên; bước 2 – sau khi đặt lễ ở ban Đức Ông xong, đặt lễ lên hương án của chính điện, thắp đèn nhang rồi làm lễ chư Phật, Bồ Tát; bước 3 – sau khi đặt lễ chính điện xong thì đi thắp hương ở tất cả các ban thờ khác của nhà bái đường. Khi thắp hương lên đều có 3 lễ hay 5 lễ.

Nếu chùa nào có điện thờ Mẫu, Tứ phủ thì đến đó đặt lễ, dâng hương cầu theo ý nguyện; bước 4 – cuối cùng thì lễ ở nhà thờ Tổ (nhà Hậu); bước 5 – cuối buổi lễ, sau khi đã lễ tạ để hạ lễ thì nên đến nhà trai giới hay phòng tiếp khách để thăm hỏi các vị sư, tăng trụ trì và có thể tùy tâm công đức.

Vậy Đức Ông được thờ trong chùa là ai và tại sao ngay từ bước 1 khi vào chùa đã phải đặt lễ vật thắp hương và làm lễ ở ban thờ Đức Ông trước tiên, rồi sau đó mới đến chư Phật, Bồ Tát? Lý giải điều này, Sư cô Thích Nữ Minh Tâm - Học viện Phật giáo Việt Nam tại Sóc Sơn – Hà Nội cho biết: “Khi vào chùa dâng lễ, đầu tiên người Phật tử phải đặt lễ vật và thắp hương ở ban thờ Đức Chúa Ông.

Ban thờ Đức Ông - nơi người đi lễ chùa vào đặt lễ, thắp hương đầu tiên

Đây là người đã bỏ vàng ra lát khu vườn của Thái Tử Kỳ Đà nước Xá Vệ nhằm mua được khu vườn xinh đẹp đó xây tịnh xá cúng dàng đức Phật đến thuyết pháp.

Do công đức lúc sinh thời làm nhiều việc phúc và ủng hộ Phật pháp nên ngài được làm Long Thần hộ pháp tại các chùa. Trong tiềm thức dân gian ngài là vị thần chủ tể ở chùa, là Thập bát long thần ủng hộ Phật pháp và là vị thần trong coi trọng chùa, bảo hộ cho trẻ em.

Trẻ con thường được bán khoán cho ngài với niềm tin được ngài che chở bảo hộ cho dễ nuôi, hay ăn chóng lớn. Ngày Đản của ngài là mùng 4 tháng Giêng, vào ngày nay nhiều gia đình cho con cháu lên chùa lễ Phật và bái yết ngài”.

Người thường chu cấp cho những kẻ cô độc, không nơi nương tựa

Kể về sự tích Đức Chúa Ông trong chùa, theo cổ tích Phật giáo thì Đức Chúa Ông chính là trưởng giả Tu Đạt Đa (cũng gọi là Tu Đạt) là một nhà từ thiện lớn, luôn vui thích làm những chuyện phước đức, bố thí. Ông thường cứu giúp những người nghèo khó, hay đem cơm gạo, quần áo bố thí cho họ.

Trong toàn khu vực thành Xá Vệ, không phân biệt nam hay nữ, già hay trẻ, cứ hễ nghèo khổ, không nơi nương tựa, một khi tìm đến là được ông vui vẻ giúp đỡ ngay. Vì thế mọi người đều gọi ông là trưởng giả “Cấp Cô Độc”, nghĩa là “người thường chu cấp cho những kẻ cô độc, không nơi nương tựa”.

Hôm ấy ông có việc đến thành Vương Xá để thăm một người anh rể, nhưng ông anh rể không ra tận cửa trước đón ông như mọi khi. Đến khi ông vào nhà và đi ra tận nhà sau thì thấy mọi người đang bận rộn chuẩn bị một bữa tiệc. Hỏi ra mới biết là gia đình người anh rể đang chuẩn bị đón tiếp Đức Phật vào ngày hôm sau.

Vừa nghe đến tiếng “Phật” là lòng ông cảm thấy một niềm hoan hỷ lạ thường, nên ông cũng mong mỏi gặp được Phật để thấy tận mắt xem sao, mà mới vừa nghe nói tới là lòng đã thấy an lạc như vậy, ông nao nức muốn gặp mặt Phật càng sớm càng tốt. Ông tự nghĩ dù sao thì ngày mai Phật cũng tới đây, rồi mình sẽ gặp thôi chứ có việc gì mà phải nôn nao?

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni

Rồi ông lên giường ngủ, nhưng không thể nào chợp mắt. Thế rồi nửa khuya đêm ấy, ông một mình băng rừng đi đến khu rừng Sitavana, nơi Đức Phật đang ngự. Khi ông tới rừng Sitavana thì cũng nhằm lúc Đức Phật đang ra tọa thiền ngoài trời, vì biết rằng ông sẽ tới. Đức Phật gọi ông bằng tên “Sudatta” và bảo ông đến gần. Trưởng giả Tu Đạt rất lấy làm hoan hỷ khi được diện kiến Đức Phật.

Và sau một thời pháp của Thế Tôn, ông đã xin quy y Phật, rồi sau đó cả nhà ông đều xin quy y với Đức Thế Tôn. Sau đó ông thỉnh Phật sang nước Xá Vệ hoằng hóa. Khi trở về thành Xá Vệ, ông quyết định tìm mua một thửa đất thích hợp để Đức Phật và Tăng đoàn thuyết giáo.

Ông nhận thấy trong số các nơi đã xem qua chỉ có vườn cây của thái tử Kỳ Đà là vô cùng rộng rãi, thoáng mát, có sông có nước, có đồi có núi, có hoa thơm cỏ lạ, cảnh đẹp như tranh, thật là một khung cảnh vô cùng thanh tịnh, u mỹ.

Ông nghĩ, nếu được một chỗ như thế này để xây dựng tinh xá cúng dường đức Phật, để Thế Tôn về đấy thuyết pháp và chư tỳ kheo an trú thì thật không có chỗ nào tốt đẹp hơn. Nhưng đây lại là khu vườn mà thái tử Kỳ Đà yêu thích nhất, nên trưởng giả Tu Đạt không biết phải làm cách nào để thái tử chịu nhượng lại khu vườn cây này cho ông. Ông suy nghĩ rất nhiều và tuy biết là sẽ rất khó khăn nhưng không còn cách nào khác hơn đành phải trực tiếp đến gặp thái tử Kỳ Đà để khẩn khoản xin thái tử nhượng lại khu vườn ấy.

Nhưng dù ông có nói thế nào thái tử Kỳ Đà cũng khăng khăng một mực không chấp thuận. Đến khi nghe trưởng giả Tu Đạt nài nỉ tới lần thứ ba, thái tử cảm thấy thật khó mà cự tuyệt mãi một người danh tiếng lừng lẫy trong cả nước như ông trưởng giả này, bèn nghĩ kế đòi một giá bán thật cao để khiến cho trưởng giả phải thối chí.

Nghĩ sao làm vậy, thái tử bèn nói: “Thật sự tôi không muốn nhượng khu vườn này cho ông, nhưng thấy ông cứ nài nỉ mãi như thế, thôi thì thế này. Tôi bằng lòng bán với điều kiện như sau: ông hãy lấy vàng trải đầy khắp mặt đất của khu vườn. Nếu ông đồng ý trả đủ số vàng như thế thì tôi sẽ nhượng đất cho ông”.

Không ngờ thái tử vừa nói giá như thế thì trưởng giả Tu Đạt tỏ ra vui mừng khôn xiết, lập tức trở về huy động người nhà lấy xe chở vàng nhanh chóng đến trải đầy khắp mặt đất chỗ khu vườn. Khoảng xế chiều thì toàn bộ khu đất đã được phủ kín vàng, chi còn thiếu một khoảnh nhỏ. Thái tử Kỳ Đà nhìn thấy ông trưởng giả có vẻ như đang trầm ngâm suy nghĩ liền đến bảo: “Bây giờ ông đổi ý vẫn còn kịp đấy. Đất vẫn là của tôi, ông có thể lấy vàng về”.

Trưởng giả Tu Đạt nói: “Tôi chỉ đang nghĩ xem nên lấy số vàng còn thiếu này từ kho nào cho thuận tiện đó thôi. Ban đầu thái tử Kỳ Đà vẫn tưởng có thể làm cho trưởng giả Tu Đạt phải thối chí trước một giá bán quá cao như thế, không ngờ ông này chẳng tiếc gì số vàng lớn, vẫn quyết tâm mua cho bằng được khu đất. Thái tử lấy làm tò mò, liền gạn hỏi nguyên do mua đất. Trưởng giả Tu Đạt mới thật lòng đem dự tính xây dựng tịnh xá cúng dường đức Phật và chư tăng mà nói cho thái tử nghe.

Thái tử không khỏi lấy làm cảm động trước tín tâm chân thành của vị trưởng giả Tu Đạt liền hỏi tiếp: “Đức Phật là người như thế nào mà ông đối với ngài nhiệt tâm và thành tín đến thế?” Trưởng giả Tu Đạt liền kể lại việc mình được gặp Phật tại thành Vương Xá và được nghe giáo pháp giải thoát của ngài như thế nào.

Thái tử nghe xong cũng sinh lòng hoan hỷ, rất mong muốn chính bản thân mình sẽ được gặp Phật. Thái tử liền nói: “Số vàng còn thiếu ông không cần phải chở đến nữa, xem như tôi cúng dường số vàng ấy vào việc xây dựng tinh xá. Ngoài ra, đất đai thì xem như bây giờ đã là của ông, nhưng cây cỏ hoa lá trong vườn thì tôi chưa hề bán.

Vậy nay tôi cũng xin tự nguyện cúng dường tất cả cây cối trong vườn này để góp phần làm chỗ cho đức Phật và chư tăng an trú”. Trưởng giả Tu Đạt thấy thái tử Kỳ Đà phát khởi lòng tin như thế thì rất vui. Từ đó cả hai đều hết sức hân hoan, cùng nhau đốc thúc việc xây dựng và chờ đợi ngày đức Phật tới.

Khi tịnh xá vừa xây xong, trưởng giả Tu Đạt lập tức nghênh thỉnh đức Phật và chư tăng về. Bởi vì tịnh xá này là do trưởng giả Cấp Cô Độc cúng dường khu đất và thái tử Kỳ Đà cúng dường vườn cây, nên người thời bấy giờ gọi tên tịnh xá này là “Kỳ thọ Cấp Cô Độc viên” nghĩa là vườn của ông Cấp Cô Độc, cây của thái tử Kỳ Đà.

Thú vị thông tin hai đệ tử đầu tiên của đức Phật là doanh nhân

Như vậy trưởng giả Cấp Cô Độc là một doanh nhân có lòng với Phật giáo và trong sự tích Phật giáo còn có hai doanh nhân nữa cũng hay được nhắc đến mà không phải Phật tử nào cũng biết. Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm CEO Thái Hà Books đã từng có bài viết “Hai đệ tử đầu tiên của Đức Phật là doanh nhân”.

Hai đệ tử bên trái Đức Phật là doanh nhân, có tên là Bạt Lê Ca (Bhallica) và Đế Lê Phú Bà (Trapusha)

Theo đó, khi Đức Phật vừa thành đạo dưới gốc cây Bồ Đề có hai vị doanh nhân tên là Bạt Lê Ca (Bhallika) và Đế Lê Phú Bà (Trapusha) dẫn đoàn xe chở hàng đi ngang qua. Hai vị doanh nhân này sửng sốt trước uy nghi của Đức Phật và đã cúng dàng Phật Thích Ca Mâu Ni một bữa cơm với mật. Đức Phật chấp nhận và thọ nhận bữa cơm đặc biệt này. Sau đó Ngài ban cho hai doanh nhân kể trên mỗi người một nắm tóc như một vật báu. Sau này một trong 2 doanh nhân thành Phật tử thuần thành, còn vị kia xuất gia và đắc quả A la hán.

“Tôi có dịp may mắn cuối năm 2010 đi thăm tứ động tâm – bốn nơi thiêng liêng nhất của Đạo Phật tại Nepal và Ấn Độ (Vườn Lâm Tỳ Ni nơi Đức Phật đản sinh, Bồ đề đạo tràng nơi Đức Phật thành đạo, vườn Nai nơi Đức Phật chuyển bánh xe pháp luân và Kushinagar nơi Đức Phật nhập Niết bàn). Cũng là may mắn lớn khi tôi và đoàn doanh nhân Phật tử được đến thăm ngôi nhà của vị doanh nhân đặc biệt Cấp Cô Độc.

Ngôi tịnh xá đồ sộ tại Ấn Độ giờ chỉ còn lại dấu tịch nhưng làm chúng tôi rất khâm phục và xúc động. Vị doanh nhân đặc biệt này đã được nghe Đức Phật giảng khá nhiều kinh và cuối cùng ông đắc quả Dự Lưu. Kinh chép lại rằng doanh nhân Cấp Cô Độc được sinh vào cõi trời Đâu Suất” - ông Nguyễn Mạnh Hùng viết.

Linh Thụy / Xa lộ pháp luật

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/dao-va-doi/vi-sao-vao-chua-phai-le-duc-ong-truoc-roi-moi-den-le-chu-phat-bo-tat-483631.html