Vì sao vé máy bay tăng nhưng các hãng hàng không vẫn than lỗ?

Tình trạng thiếu tàu bay, linh kiện thay thế, chi phí nhiên liệu tăng...là những nguyên nhân khiến giá vé máy bay tăng cao thời gian vừa qua. Đây là thông tin được các hãng hàng không đưa ra tại hội thảo 'Hạ nhiệt giá vé máy bay được không?' do Báo Thanh Niên tổ chức ngày 17/5.

Giá vé máy bay cách xa giá trần

Ông Đặng Anh Tuấn – Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines cho biết: Giá vé máy bay hiện nay tăng từ 15-20%. Tuy nhiên, mức tăng hiện nay còn rất xa so với mức giá trần mà Nhà nước quy định. Giá vé hiện phổ biến chỉ đạt khoảng 76% so với giá vé quy định, có chặng chỉ 43% so với quy định.

Về phía hãng hàng không, ông Tuấn cho rằng, vẫn có thể làm tốt hơn. Đó là các cơ quan quản lý cân nhắc điều chỉnh một số loại thuế, phí. Ngoài ra, các sân bay có thể tính toán điều chỉnh giá dịch vụ.

Ông Đặng Anh Tuấn – Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines

Ông Đặng Anh Tuấn – Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines

Ông Tuấn khẳng định bản thân hãng bay cũng vào cuộc: “Đối với chúng tôi vẫn tiếp tục nỗ lực giảm chi phí, cái gì chúng tôi có thể kiểm soát được, đâu đó khoảng 10% chi phí mà Vietnam Airlines có thể xử lý được thì đang rất nỗ lực cố gắng”.

Nói về nguyên nhân tăng giá vé máy bay, ông Nguyễn Bác Toán – Phó Tổng Giám đốc thương mại Vietjet cho biết: Thứ nhất là do tình trạng thiếu tàu bay và linh kiện thay thế do chuỗi cung ứng bị đứt gãy sau dịch Covid-19. Các nhà sản xuất động cơ máy bay yêu cầu các hãng phải đưa tàu bay đi sửa các lỗi, khiến một số tàu bay phải nằm bãi, giảm 15 - 20% tàu bay.

Ông Nguyễn Bác Toán – Phó Tổng Giám đốc thương mại Vietjet

Ông Nguyễn Bác Toán – Phó Tổng Giám đốc thương mại Vietjet

Thứ 2 là chi phí nhiên liệu tăng trong khi đây là khoản chi chiếm 40 - 50% chi phí vận hành của các hãng. Thứ 3, các biến động chính trị của các khu vực trên thế giới tạo áp lực lên các hãng hàng không khi mà khu vực chúng ta có đến 85% chi phí sử dụng ngoại tệ. Thứ 4 là nhân lực chất lượng cao cho ngành hàng không sụt giảm và cuối cùng là nhu cầu của khách hàng.

“Nhu cầu của khách hàng đối với ngành hàng không và chi tiêu của họ giảm. Lần đầu tiên, từ tháng 10/2023, chúng tôi đo đếm ở thị trường nội địa đã giảm từ 15-20%. Chưa bao giờ lịch sử hàng không Việt Nam trong vòng 20 năm nay có sự suy giảm như vậy”, ông Nguyễn Bác Toán nói.

Phí dịch vụ sân bay thấp hơn các nước

Ông Nguyễn Cao Cường – Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết: Các loại phí, giá dịch vụ sân bay đang thu khoảng 18.000 - 120.000 đồng, cộng thêm khoản thu hộ Nhà nước thì cũng chưa tới 150.000 đồng/khách.

 Ông Nguyễn Cao Cường – Phó Tổng Giám đốc ACV

Ông Nguyễn Cao Cường – Phó Tổng Giám đốc ACV

Theo ông Cường, ACV đang thu phí dịch vụ mức cao nhất là 90.000 đồng ở sân bay xếp hạng cao nhất. Nếu so với sân bay Đại Hưng là sân bay lớn nhất của Trung Quốc, mức phí dịch vụ cảng đang được thu hơn 100 nhân dân tệ, khoảng 3 triệu đồng, tức gấp 3 lần của ACV. Còn tại Thái Lan, mức thu này là 95.000 đồng; sân bay Incheon của Hàn Quốc thu 105.000 đồng, cao hơn ACV 15.000 đồng. Ngoài ra, bản thân ACV cũng đã hỗ trợ và chia sẻ với các hãng hàng không trong thời gian qua.

“Các khoản phí, lệ phí ACV đang thu hộ cho Nhà nước và thu cho các dịch vụ tại cảng thì hơn 5 năm nay chúng tôi chưa tăng, chưa tăng suốt từ thời chưa có dịch đến nay. Chắc chắn các phí này không ảnh hưởng đến việc tăng giá như vừa qua”, ông Nguyễn Cao Cường cho hay.

Duy Phương/VOV-TP.HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/vi-sao-ve-may-bay-tang-nhung-cac-hang-hang-khong-van-than-lo-post1095818.vov