Vì sao việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm khỏi đô thị Hà Nội gặp khó?

Vấn đề di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp với quy hoạch ra khỏi đô thị đã được đặt ra. Tuy nhiên, tiến độ di dời tại 12 quận vẫn chậm.

 Khu đất Công ty Cổ phần xây lắp và cơ khí Cầu đường.

Khu đất Công ty Cổ phần xây lắp và cơ khí Cầu đường.

Dù nằm trong diện di dời để nhường đất cho dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1, hơn 10 năm qua, Công ty cổ phần Xây lắp và Cơ khí cầu đường (tại phường Văn Chương, quận Đống Đa, Hà Nội) vẫn chưa hề "nhúc nhích". Việc dự án đường sắt đô thị chậm triển khai được xem là nguyên nhân chính khiến Công ty cổ phần Xây lắp và Cơ khí cầu đường chưa thể di dời khi các vấn đề liên quan chưa được thực hiện. Thực trạng "đi không được, ở leo lắt", công ty có diện tích hơn 1300 m2 trên "đất vàng" rơi vào cảnh hoạt động cầm chừng.

Ông Đào Đức Hồng, Giám đốc Công ty cổ phần Xây lắp và Cơ khí cầu đường, cho biết: "Chúng tôi muốn dự án triển khai sớm, hoặc thực hiện việc đền bù sớm để chúng tôi có nguồn kinh phí để được đến nơi mới".

Theo rà soát của Sở TN-MT và Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, tại 12 quận của thành phố có 90 cơ sở nhà đất do các doanh nghiệp sử dụng để sản xuất phải di dời do không phù hợp với quy hoạch xây dựng.

Trong đó, riêng địa bàn quận Đống Đa có 14 cơ sở nằm trong danh sách các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường và không phù hợp với quy hoạch như Công ty In và Văn hóa phẩm, Công ty cổ phần Sơn tổng hợp tại phường Ô Chợ Dừa... Việc các nhà máy, xí nghiệp hoạt động cầm chừng, công nghệ sản xuất lạc hậu, chậm di dời ra khỏi khu vực nội đô đã ảnh hưởng lớn đến mỹ quan đô thị, ô nhiễm môi trường và nhiều vấn đề dân sinh xã hội khác.

Ông Hồ Văn Sâm (trú tại phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân) nêu ý kiến: "Việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm đã được thành phố đặt vấn đề lâu rồi, nhưng chưa đạt kết quả. Tôi cho rằng Nhà nước phải có chính sách căn cơ về vấn đề này".

Trong văn bản trả lời kiến nghị của cử tri thành phố Hà Nội về thực trạng chậm di dời các nhà máy, xí nghiệp sản xuất... từ khu vực nội đô ra ngoài, Bộ Xây dựng cho biết nguyên nhân của sự chậm trễ là do sự thay đổi về chủ trương, chính sách pháp luật liên quan, ảnh hưởng tới tiến độ lập quy hoạch, đề án di dời.

Quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn trong huy động nguồn lực, bố trí nguồn vốn thực hiện, trong khi công tác di dời đòi hỏi nhu cầu vốn ngân sách rất lớn. Sự chủ động, phối hợp thực hiện của các cơ quan có liên quan chưa cao...

Còn theo UBND Hà Nội, một những nguyên nhân dẫn đến việc chậm di dời là do cơ chế, chính sách áp dụng có nhiều thay đổi, cơ chế di dời chưa có chính sách cho tổ chức kinh tế chuyển mục đích sử dụng theo quy hoạch đất hoặc doanh nghiệp di dời được lựa chọn làm nhà đầu tư chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện dự án theo quy hoạch.

Bà Lê Anh Thư, Phó giám đốc Sở TN-MT Hà Nội, cho biết: "Đối với các doanh nghiệp sau khi có quyết định di dời, ngoài việc xây dựng lộ trình 5 năm theo nghị định 167, thành phố sẽ có những hộ trợ đối với doanh nghiệp trong việc sắp xếp cơ sở sản xuất mới..."

Việc sớm di dời nhà máy, xí nghiệp, cơ sở gây ô nhiễm khu vực nội đô không chỉ vì một Hà Nội văn minh hiện đại, góp phần khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường mà còn là cơ hội để doanh nghiệp sớm có phương án sắp xếp lại sản xuất, sử dụng đất hiệu quả, đúng mục đích... Nhưng rõ ràng, với những kết quả khiêm tốn, chủ trương di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp với quy hoạch ra khỏi khu vực đô thị đang là vấn đề thách thức với Hà Nội.

Huy Nam/VOV

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vi-sao-viec-di-doi-cac-co-so-gay-o-nhiem-khoi-do-thi-ha-noi-gap-kho-post1433081.html