Vì sao vũ khí hạt nhân xuất hiện trên bán đảo Triều Tiên (kỳ 2)

Khởi nguồn cho chương trình nghiên cứu vũ khí hạt nhân của Triều Tiên được bắt đầu từ thời của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành và sau hơn nửa thế kỷ, Bình Nhưỡng đã được thứ mà họ muốn.

Kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên

Thừa biết Mỹ đặt vũ khí hạt nhân ở Hàn Quốc là để đe dọa mình, Trung Quốc và Liên Xô chỉ tăng cường sức mạnh hạt nhân bao trùm lên khu vực Hàn Quốc chứ không hề cung cấp hay mang vũ khí hạt nhân tới Triều Tiên.

Ngoài ra, Trung Quốc và Liên Xô cũng không hề có bất cứ một cái ô bảo trợ hạt nhân nào dành cho các nước đồng minh, tuy nhiên Bình Nhưỡng vẫn có cơ sở để tự tin rằng họ không sợ các loại vũ khí hạt nhân chiến lược và chiến thuật của Mỹ và đồng minh mang tới Hàn Quốc.

 Ảnh minh họa: ICANW.

Ảnh minh họa: ICANW.

Chương trình nghiên cứu và phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên bắt đầu được thực hiện từ năm 1956 - từ trước khi Mỹ mang vũ khí hạt nhân tới Hàn Quốc. Dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Kim Nhật Thành, một số nhà khoa học của Triều Tiên đã tiến hành nghiên cứu làm chủ công nghệ hạt nhân và ứng dụng công nghệ hạt nhân vào sản xuất vũ khí dưới sự hỗ trợ của Liên Xô. Dù không có thống kê chính thức nhưng các tài liệu của CIA cho biết đã có nhiều chục nhà khoa học của Triều Tiên tới Liên Xô học về hạt nhân.

Tới năm 1958, khi Mỹ triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật và chiến lược tới Hàn Quốc, Triều Tiên đã ngay lập tức ký một thỏa thuận hợp tác với Moscow. Theo đó, Liên Xô sẽ giúp Triều Tiên xây dựng Trung tâm Hạt nhân Yongbyon. Tới năm 1962, các lò phản ứng hạt nhân của cơ sở này đã có công suất lên tới 2 MW. 12 năm sau tức là vào năm 1974, công suất của lò phản ứng hạt nhân tại Yongbyon đã được nâng lên gấp đôi - tức là 4 MW.

Điểm đặc biệt trong chương trình nghiên cứu và phát triển hạt nhân của Triều Tiên đó là nước này có sẵn nguồn nguyên liệu quặng Urani. Một số mỏ ở gần Sunchon và Pyongsan đã được Triều Tiên khai thác bắt đầu từ năm 1970 để phục vụ cho việc phát triển chương trình hạt nhân của nước này.

Năm 1985, với sức ép của Moscow và Bắc Kinh, Triều Tiên buộc phải ký vào bản Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân nhưng vận lặng lẽ tiếp tục chương trình nghiên cứu thứ vũ khí tối thượng này. Tình báo phương Tây hoàn toàn nắm bắt được việc Bình Nhưỡng đang tiếp tục nghiên cứu phát triển vũ khí hạt nhân và ra lệnh cấm cùng với các biện pháp trừng phạt nhưng Triều Tiên vẫn "làm ngơ".

Năm 1992, Triều Tiên cho phép một nhóm chuyên gia của IAEA tới Trung tâm hạt nhân Yongbyon. Kết quả kiểm tra cho thấy nước này hiện đang ở giai đoạn đầu của việc chế tạo nhiên liệu hạt nhân thành Plutonium.

Năm 1998, Triều Tiên bất ngờ phóng tên lửa Paektusan-1 mang theo vệ tinh thăm dò thời tiết. Tuy nhiên các chuyên gia phương Tây cho rằng vụ phóng tên lửa chỉ là "tấm bình phong" để Bình Nhưỡng thử nghiệm tên lửa liên lục địa. Tên lửa mang theo vệ tinh thăm dò thời tiết này thậm chí còn bay tới tận không phận Nhật Bản khiến Tokyo bàng hoàng.

Chương trình nghiên cứu hạt nhân của Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục mặc cho các lệnh trừng phạt về kinh tế của quốc tế với nước này càng ngày càng chặt. Năm 2003, Bình Nhưỡng tuyên bố rút khỏi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân. Chỉ một tháng sau khi rút khỏi hiệp ước này, Triều Tiên đã tuyên bố sẽ xây dựng lực lượng răn đe hạt nhân nếu Mỹ không chịu từ bỏ chính sách thù địch của họ.

Ảnh minh họa: Newstimes.

Năm 2006, các thông tin tình báo của Viện khoa học và An ninh quốc tế ước tính lượng Plutonium của Bình Nhưỡng đủ để chế tạo khoảng từ 4 tới 13 quả bom hoặc đầu đạn hạt nhân.

Thử nghiệm nối tiếp thử nghiệm

Từ năm 2006, Triều Tiên bắt đầu thử nghiệm vũ khí hạt nhân. Vụ thử đầu tiên được tiến hành vào ngày 9/10/2006 với một quả bom hạt nhân có sức nổ bằng khoảng 1/10 quả bom Mỹ thả xuống Hiroshima năm 1945. Các vụ hạt nhân tiếp theo của Bình Nhưỡng được tiến hành vào các năm 2009 và 2013. Tuy nhiên vụ thử năm 2013, Triều Tiên vẫn chưa thể đạt được sức nổ bằng quả bom ở Hiroshima năm 1945.

Năm 2016, Bình Nhưỡng tuyên bố thử nghiệm thành công vũ khí nhiệt hạch trong lần thử vũ khí hạt nhân lần thứ 4 nhưng các chuyên gia cho rằng, nước này chưa thể đủ khả năng chế tạo được bom nhiệt hạch (bom H).

Bất ngờ đã diễn ra vào năm 2016 và 2017. Cụ thể, vào năm 2016 Bình Nhưỡng đã thử nghiệm vụ nổ hạt nhân lần thứ 5, tạo ra rung chấn mạnh tới 5,3 độ richter. Các chuyên gia ước tính vụ nổ này mạnh tới 20 hoặc 30 kiloton - vượt qua sức mạnh của quả bom thả xuống Hiroshima. Năm 2017 vừa rồi, vụ thử hạt nhân lần thứ 7 của Triều Tiên đã tạo ra rung chấn tới 6,3 độ richter, các phương tiện truyền thông phương tây khẳng định, Bình Nhưỡng đã chế tạo được bom H trong khi đó lãnh đạo Triều Tiên là Kim Jong un cho biết toàn bộ linh kiện của đầu đạn hạt nhân và tên lửa liên lục địa mang theo đầu đạn này đều được Triều Tiên tự chủ sản xuất. Và cũng ở thời điểm này Triều Tiên chính thức bức lên vũ đài các cường quân hạt nhân thế giới bất chấp mọi rào cản từ phương Tây thậm chí là từ đồng minh lâu đời Trung Quốc.

Mời độc giả xem Video: Sức mạnh hủy diệt của Không quân Triều Tiên.

Tuấn Anh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/quan-su/vi-sao-vu-khi-hat-nhan-xuat-hien-tren-ban-dao-trieu-tien-ky-2-1077580.html