Vì sao vua Minh Mạng không lập Lê Văn Duyệt làm tể tướng?

'Chức tể tướng đương triều tất sẽ vào tay người có thế lực bậc nhất. Người đó không ai khác ngoài Lê Văn Duyệt. Nhưng ngay từ đầu y đã không ủng hộ mẹ con ta', thái hậu nói.

Hôm ấy hoàng đế Minh Mạng vào cung Từ Thọ vấn an thái hậu. Thái hậu ngồi trên sập, truyền tả hữu lui ra hết.

- Hoàng thượng ngồi đi, ta có nhiều chuyện muốn bàn với con.

Nhà vua ngồi xuống.

Thái hậu đĩnh đạc:

- Việc sắp xếp trong triều, hoàng thượng đã tính toán xong chưa? Đừng viện cớ có tang mà trễ nải. Việc nước là trọng yếu, phải lo từng phút từng giây.

- Vâng, thưa mẹ, con biết lắm. Dân không có ngày nào không phải lo ăn, thì việc nước cũng không ngày nào gác lại được. Hiện con đang nghĩ về việc bổ nhiệm ai vào những chức vụ trọng yếu nhất.

- Trọng yếu nhất, là tể tướng. Con đã nghĩ đến ai chưa?

- Theo thông lệ thì cố mệnh đại thần thường thường sẽ là tể tướng. Lê Văn Duyệt và Phạm Đăng Hưng, có thể sẽ phải chọn một trong hai. Con vẫn còn đang cân nhắc lắm…

Bìa sách Từ Dụ thái hậu.

Bìa sách Từ Dụ thái hậu.

Thái hậu nói ngay không ngần ngừ:

- Có gì mà phải cân nhắc. Ta nhắm mắt cũng có thể hiểu ra ý tiên đế trong việc này.

Không để vua kịp nói, thái hậu tiếp ngay:

- Này nhé: Phạm Đăng Hưng tuy có uy tín trong triều, nhưng so với Lê Văn Duyệt thì từ thế lực, tài trí đến quá trình đóng góp cho hoàng triều đều thua. Y cũng chẳng nắm binh quyền, chẳng có thực lực gì hết. Vậy tiên đế đưa vào, chẳng qua là để kiềm chế Lê Văn Duyệt. Cái chức vị mà tiên đế nhắm tới dành cho y không phải là tể tướng, mà là chức ngự sử, chức quan này cần tới sự cương trực. Về cương trực thì Phạm Đăng Hưng lại nổi tiếng.

Vua Minh Mạng thầm phục sự sắc sảo của mẹ.

- Thái hậu nói đúng như ý con đã nghĩ.

Thái hậu đắc ý, càng tỏ ra mẫn tiệp:

- Chức tể tướng đương triều, tất sẽ vào tay một người có thế lực bậc nhất. Một người có uy lực, có binh quyền. Người đó là ai, chắc chắn không ai khác ngoài Lê Văn Duyệt. Tiên đế đã thấy điều đó, nên đặt ngay ông ta làm đại thần cố mệnh, nhận lời trăn trối của tiên đế. Ý ngài là đem sự tin cậy để ràng buộc, bắt y phải trung thành. Nhưng ta chỉ e rằng, ngay từ đầu y đã không ủng hộ mẹ con ta, thì hiện nay lời trối ấy có đủ để y trung thành hay không?

Vua Minh Mạng gật đầu xác nhận:

- Thái hậu rất sáng suốt. Chính con đang suy tính chỗ đó. Nếu đặt Lê Văn Duyệt làm tể tướng …

Thái hậu cất tiếng cười, cắt ngang lời vua:

- Đặt Lê Văn Duyệt làm tể tướng! Đặt Lê Văn Duyệt làm tể tướng! Làm vậy khác gì chắp cánh cho hùm?

Vua Minh Mạng ngẫm nghĩ:

- Nhưng đặt một kẻ khác thì không tiện, khác nào đem dép để trên đầu, mũ đặt dưới đất. Nếu sóng gió nổi lên ngay từ buổi đầu triều, thật nguy hiểm.

Thái hậu điềm nhiên:

- Không. Không có gì nguy hiểm cả. Hoàng thượng cũng không cần đặt ai lên ngôi tể tướng cả. Tại sao ta lại phải cứ bắt chước việc làm của đời xưa? Hoàng thượng tài giỏi thông minh, hoàn toàn có thể nắm hết quyền hành, không cần đến chức tể tướng!

Vua Minh Mạng giật mình, thoạt đầu ngạc nhiên, rồi một nụ cười thích thú hiện ra trên gương mặt:

- Mẹ! Con thực sự thán phục mẹ. Con chưa nghĩ được điều này. Mẹ đúng là người sinh ra vua!

Thái hậu cũng tươi nét mặt:

- Ta chưa nói hết. Nếu nay hoàng thượng chỉ ban hành một cái lệ mới là không lập tể tướng, tất sẽ lộ rõ cái ý nghi ngờ Lê Văn Duyệt, làm cho y và phe cánh y bất mãn đề phòng. Để cho kín kẽ, hoàng thượng hãy đặt ra cái lệ Tứ bất lập, sẽ không ai nói gì được.

Tả quân Lê Văn Duyệt.

Vua Minh Mạng tỏ vẻ dè dặt:

- Tứ bất lập là sao ạ?

Thái hậu tươi cười:

- Ta vừa nghĩ ra cái tên ấy, tạm gọi như thế cho dễ nhớ. Tứ bất lập là không lập bốn tước vị lớn, trong cung cũng như ngoài triều. Trong triều không lập tể tướng, không tuyển trạng nguyên; trong cung không lập toàng hậu, không phong thái tử. Ta làm có trên có dưới, có trong có ngoài như thế thì không ai ca thán gì được.

Vua Minh Mạng cau mày.

- Không lập hoàng hậu? Không phong thái tử?

Thái hậu vẫn điềm nhiên:

- Tại sao không? Trước đây ta có là hoàng hậu đâu? Vậy mà mọi việc cuối cùng vẫn tốt đẹp đó thôi!

Vua Minh Mạng lặng thinh, không nói. Lúc vua cáo từ về rồi, thái hậu quay lui, khẽ vỗ tay làm hiệu. Tổng quản thái giám Trần từ sau màn bước ra.

- Ngươi thấy chưa? Ta không nói sớm thì có người sẽ nói trước ta đó.

Thái giám Trần đắc ý:

- Thái hậu quả là tài trí hơn người. Xưa nay người ta vẫn nói “Tiên hạ thủ vi cường”, ai ra tay trước, người ấy mạnh hơn. Thần chỉ e…

- Nhà ngươi e cái gì?

- Thần chỉ e thói thường, đàn ông lúc nào cũng nghe lời vợ hơn nghe mẹ. Hoàng thượng lặng im không nói gì, chưa biết ngài sẽ tính sao đây?

Đúng như thái hậu tiên liệu, tối hôm ấy hoàng đế Minh Mạng ngự ở viện Đoan Trang, nơi ở của nàng Ngô Thị Chính. Trong lúc vua thong thả nghỉ ngơi, vừa đọc sách vừa duỗi chân trên chiếc gối thêu êm ái, Chính nhẹ nhàng nhắc đến mẹ chồng:

- Tiên đế ngày xưa quả là người có nghĩa có tình. Lên ngôi hoàng đế xong là đã tính ngay đến việc phong hoàng hậu. Nay ngôi hoàng hậu trong cung từ lâu bỏ trống, mọi việc đều dồn cả lên vai mẫu hậu, thật cũng quá vất vả cho bà.

Vua Minh Mạng ngẩng lên, nghe rất rõ nhưng rồi lại điềm nhiên đọc sách, không nói gì.

Ngô Thị Chính ghé đến ngồi bên cạnh, cùng nhìn vào trang sách. Vua ngừng đọc, âu yếm choàng tay qua vai Chính.

Ngô Thị Chính dựa đầu vào vai vua, dịu dàng âu yếm:

- Thiếp ngẫm lại phận mình thật may mắn. Ngày trước hoàng thượng chưa làm vua, thiếp được sánh đôi quyến luyến đã đành, bây giờ hoàng thượng trăm công ngàn việc mà thiếp vẫn luôn được kề cận mình rồng. Thiếp cứ ước được như thế này mãi mãi thôi.

Vua Minh Mạng.

Vua Minh Mạng cả cười:

- Ái khanh, sao lại không mãi mãi? Miễn sao nàng trung thành với ta thì ta vẫn luôn yêu quý nàng mà. Chính lúc này, đầu óc ta căng thẳng suy nghĩ, là lúc ta cần được yên tĩnh bên nàng nhất.

- Dạ, thiếp chỉ e nội cung hàng trăm cung phi mỹ nữ, đâu phải một mình thiếp. Rồi đây tuổi lớn lên dần, sắc đẹp tàn, địa vị không có, nhiều khi nghĩ tới đường dài thiếp cũng lo sợ lắm!

Vua Minh Mạng hứ một tiếng:

- Năm thê bảy thiếp là chuyện thường tình của đàn ông, huống chi bậc vương giả thì theo lệ xưa phải có đủ số mỹ nữ cung tần. Miễn sao ta luôn lui tới với nàng là được rồi! Nàng còn lo gì nữa? Vua gằn giọng: - Dám không tin tưởng ở ta sao?

Ngô Thị Chính vẫn nằn nì:

- Nếu hoàng thượng quả thật thương yêu thiếp, xin đừng quên sắp xếp cho thân phận của thiếp trong cung. Danh không chính thì ngôn không thuận, thiếp không có địa vị thì làm sao mở mặt được với người đời. Sống thì tận trung tận trinh với hoàng thượng nhưng chết đi rồi cũng đi với hai tay không thôi sao.

Vua Minh Mạng sốt ruột:

- Được rồi, được rồi! Trẫm vừa lên ngôi đã phong ngay nàng làm Tiệp dư, để từ từ khi thuận tiện trẫm sẽ phong nàng lên dần dần cho đến đệ nhất giai phi, cao nhất trong các phi tần. Như vậy đủ tỏ rõ trẫm thương yêu nàng chưa?

Ngô Thị Chính ngập ngừng:

- Vậy… vậy còn ngôi hoàng hậu thì để cho ai?

Vua Minh Mạng im một phút rồi thở hắt ra:

- Hoàng hậu à… Không có hoàng hậu!

Ngô Thị Chính ngẩn người:

- Sao lại như vậy được, tâu hoàng thượng? Triều vua nào mà chẳng lập hoàng hậu?

Vua Minh Mạng đanh giọng:

- Trẫm đã nói không có là không có. Đây là việc lớn của triều đình, hôm nay trẫm nói nhiều như vậy là đã chiều nàng lắm rồi đó.

Ngô Thị Chính im lặng, phụng phịu, nước mắt rơm rớm nhưng không dám nói thêm. Nhà vua đưa một ngón tay di di vào trán Chính, giọng vừa vỗ về vừa răn đe:

- Coi chừng, đừng có làm cho trẫm khó chịu đó.

Trong bụng nhà vua thầm nghĩ: “Mẹ ta liệu việc như thần, lúc nào cũng đi nước trước thiên hạ”.

Trích sách "Từ Dụ thái hậu"

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/vi-sao-vua-minh-mang-khong-lap-le-van-duyet-lam-te-tuong-post955892.html