Vì sao xe tăng Mỹ thường 'đuối sức ' hơn so với xe tăng Nga trên chiến trường

Phương án tác chiến khác nhau dẫn tới triết lý chế tạo không giống nhau, Nga thường chế tạo các loại vũ khí có sức mạnh công thủ toàn diện và độc lập tác chiến, trong khi Mỹ lại đi theo hướng hiệp đồng tác chiến. Điều này giải thích vì sao xe tăng Mỹ thường tỏ ra 'đuối sức' khi bị tấn công bằng các loại vũ khí chống tăng trong một cuộc chiến phi quy ước.

Chiến trường Iraq và Syria, nơi có cả xe tăng Nga và xe tăng Mỹ tham chiến một lần nữa chứng minh, sản phẩm của Nga thường có hỏa lực tốt hơn và sức chống chịu với các loại vũ khí chống tăng "dai" hơn so với Mỹ.

Trong khi các xe tăng Nga, đặc biệt là phiên bản hiện đại T-90 trên chiến trường Syria có thể sống sót ngay cả khi bị hỏa thần diệt tăng TOW của Mỹ tấn công, thì xe tăng hiện đại M1A1 lại nhanh chóng bị loại khỏi vòng chiến bởi hỏa lực từ khủng bố IS.

Khả năng thực chiến của xe tăng T-90 Nga thậm chí còn tốt hơn cả mong đợi khiến hàng loạt quốc gia đặt mua chúng trong đó có cả Việt Nam.

Iraq sau cuộc chiến năm 2003 chuyển sang dùng vũ khí Mỹ, tuy nhiên khả năng thể hiện của xe tăng M1A1 do Mỹ sản xuất lại thất thế một cách thảm hại bởi hỏa lực IS trên chiến trường. Vì vậy nước này đã quay sang Nga để mua xe tăng T-90 thay vì tiếp tục mua xe tăng M1A1 của Mỹ.

Có sự khác biệt giữa xe tăng Nga và Mỹ là do phương án tác chiến khác nhau dẫn tới triết lý chế tạo không giống nhau.

Trong khi các sản phẩm vũ khí của Nga nói chung và xe tăng nói riêng luôn đi theo thiết kế công thủ toàn diện.

Ngoài tác chiến hiệp đồng thì vũ khí của họ vẫn đi theo hướng có thể tác chiến độc lập một cách xuất sắc.

Có thể nhận thấy sản phẩm Nga ngoài sức mạnh hỏa lực từ pháo lớn hơn 125mm trên T-90 so với 120mm trên M1A1. Xe tăng Nga còn có khả năng bắn được tên lửa qua nòng pháo, điều này xe tăng Mỹ chưa có.

Để phòng vệ, ngoài các lớp giáp, xe tăng Nga còn trang bị hệ thống phòng vệ chủ động từ ngay khi xuất xưởng, trong khi xe tăng Mỹ sẽ phải cần vài năm nữa để có được sản phẩm tương tự.

Các xe tăng Mỹ nói riêng và phương Tây nói chung thường ưu tiên kiểu tác chiến hiệp đồng. Thông thường tên lửa hành trình sẽ đi trước mở đường, sau đó không quân sẽ được điều tới "đập tan" các ổ kháng cự, cuối cùng xe tăng và bộ binh mới tràn lên.

Lúc này đối phương đã bị "đánh tơi tả" sức kháng cự yếu, tinh thần hoảng loạn, nên trong các cuộc chiến tranh quy ước, xe tăng Mỹ vẫn giành chiến thắng trước đối phương. Điển hình xe tăng Mỹ tiêu diệt rất nhiều xe tăng T-72 của Iraq trong cuộc chiến tranh năm 2003.

Tuy nhiên nếu trong cuộc chiến tranh phi quy ước, điều này được đánh giá là xu hướng trong những năm tới, nơi các xạ thủ diệt tăng ẩn nấp và bất ngờ tấn công bằng vũ khí diệt tăng, ngay lập tức xe tăng Mỹ lộ điểm yếu phòng vệ kém, dẫn tới ngay cả loại súng chống tăng RPG-7 vốn có tuổi đời gần 60 năm cũng đủ sức biến M1 Abrams thành bó đuốc.

Mặt khác Nga ưu tiên cho sức tấn công và sự sống sót cao trên chiến trường nên xe tăng Nga thường có chiều cao rất thấp để tránh bị bắn hạ.

Ngoài ra còn có kích cỡ nhỏ gọn hơn để dễ cơ động trên chiến trường. Các loại xe tăng Nga thường có trọng lượng dao động ở khoảng 45 tấn.

Trong khi đó xe tăng Mỹ lại ưu tiên sự thoải mái cho binh sĩ điều khiển, vì vậy sản phẩm của họ thường được thiết kế lớn rộng rãi và có chiều cao hơn hẳn xe tăng Nga.

Mỹ cũng giữ kỷ lục về xe tăng cao nhất thế giới với chiều cao 3,27m của dòng xe tăng M60. Xe tăng M1A1 Abrams hiện vẫn cao hơn so với xe tăng T-90 của Nga. Càng cao, xác xuất bị bắn trúng trên chiến trường càng lớn.

Xe tăng Mỹ cũng có trọng lượng lớn hơn hẳn 65 tấn (M1A2 Abrams) so với 48 tấn (T-90AM). Trọng lượng lớn khiến xe tăng gặp khó khăn khi cơ động trên chiến trường có địa hình phức tạp, điều này dẫn tới xe dễ bị rơi vào ổ phục kích của đối phương.

Từ những điểm trên cho thấy nếu trong một cuộc chiến tranh tổng lực quy ước, sức mạnh của hai loại xe tăng không hơn kém nhau là mấy, nhưng nếu trong một cuộc chiến phi quy ước thì xe tăng Mỹ thường "đuối sức" hơn hẳn các dòng sản phẩm đến từ Nga.

Việt Hùng

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-vi-sao-xe-tang-my-thuong-duoi-suc-hon-so-voi-xe-tang-nga-tren-chien-truong/746149.antd