Vì sự an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái: Những bước tiến mới

Trong những năm qua, bằng nhiều hoạt động thiết thực, hình thức phong phú, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) các cấp trong tỉnh đã tích cực bám sátđịa bàn, kịp thời phát hiện, hỗ trợ rất nhiều trường hợp phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh yếu thế trong xã hội, giúp họ nâng cao năng lực, nhận thức, kỹ năng sống, hỗ trợ vốn và việc làm để vươn lên trong cuộc sống.

Bà Đỗ Thị Tuyết chăm sóc vườn rau của gia đình.

Bà Đỗ Thị Tuyết chăm sóc vườn rau của gia đình.

Nâng đỡ những mảnh đời hoàn lương

Trong căn nhà 2 tầng mới được sửa sang khang trang tại tổ 10, khu 4, phường Hà Lầm, TP Hạ Long, bà Đỗ Thị Tuyết lúc nào cũng tất bật với công việc nhà. Trở về từ trại giam cách đây 9 năm, sau 9 tháng chấp hành án phạt tù vì tội danh đánh bạc có tổ chức, bà Tuyết quyết tâm làm lại cuộc đời. Nhớ lại những tháng ngày cùng cực khi chồng vốn là công nhân mỏ nhưng không thể đi lại do bệnh viêm khớp, hai con đang tuổi ăn học, kinh tế gia đình đè nặng lên bản thân với thu nhập duy nhất từ nghề bán vé số, đó là lý do khiến bà Tuyết sa vào con đường vi phạm pháp luật, trở thành một mắt xích trong đường dây ghi số đề. Năm 2009, bà Tuyết nhận lệnh thi hành án. Năm 2010, bà Tuyết ra tù, trở về nhà với hai bàn tay trắng, khoản nợ 3 triệu đồng vay trước khi vào tù, "lãi mẹ đẻ lãi con" đã thành 5 triệu đồng cả gốc lẫn lãi.

Thấu hiểu và cảm thông với số phận éo le của người phụ nữ ấy, năm 2016, Hội LHPN phường Hà Lầm (TP Hạ Long) đã chủ động liên hệ, tìm cách hỗ trợ, giúp đỡ bà. "Từ 40 triệu đồng vay từ nguồn giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội do Hội LHPN phường đứng lên bảo trợ, nhờ chăm chỉ làm ăn, đến tháng 8/2018, bà Tuyết đã trả xong hết các khoản nợ, cuộc sống đi vào ổn định. "Đối với chị em phụ nữ từng lầm lạc, sau khi trở về địa phương, chúng tôi luôn cố gắng chủ động, kịp thời đến động viên, nắm tình hình, lựa theo nhu cầu của họ để giúp đỡ, hỗ trợ về việc làm, vốn vay, để từ đó họ có cơ hội làm lại cuộc đời, tái hòa nhập cộng đồng, không còn cảm giác tự ti, mặc cảm" - Bà Lưu Thị Hà, Chủ tịch Hội LHPN phường Hà Lầm, chia sẻ.

Bảo đảm quyền lợi của phụ nữ tại nơi làm việc là một trong những nội dung để đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái.

Giống như bà Tuyết, bà Đoàn Thị Hoa, tổ 7, khu 1, phường Hồng Gai, TP Hạ Long, cũng từ người phụ nữ bán vé số, bởi gia cảnh quá khó khăn mà trở thành một người ghi số đề, bị bắt vì tội danh đánh bạc có tổ chức. Trở về địa phương sớm hơn bản án do cải tạo tốt, mặc dù kinh tế rất khó khăn, thế nhưng bà vẫn nhận nuôi hai cháu nhỏ bên chồng do người thân đi tù không có ai chăm sóc.

Nhận thấy hoàn cảnh của bà Hoa quá đáng thương, cần được sẻ chia, giúp đỡ, bà Nguyễn Thị Liên, Phó Chủ tịch Hội LHPN phường Hồng Gai, đã đến nhà động viên, lắng nghe tâm tư nguyện vọng và trực tiếp giúp đỡ bà Hoa hoàn thành các thủ tục giấy tờ để vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội do Hội Phụ nữ phường bảo trợ. Cho đến nay, từ 2 lần vay, tổng cộng 80 triệu đồng, cùng với sự chịu khó, tần tảo, bà Hoa đã có nguồn thu nhập ổn định từ việc mở quán nước kiêm bán nước và đồ ăn sáng. Từ con người vốn ít ai ưa bởi bản tính khó gần, bà trở nên gần gũi, năng nổ, nhiệt tình trong vai trò tổ trưởng tổ phụ nữ và là người gắn kết các chị em trong tổ trở nên đoàn kết, yêu thương, luôn giúp đỡ nhau trong cuộc sống.

Nhân rộng các mô hình hỗ trợ

Đối với những nữ cán bộ làm công tác Hội, một trong những nỗi trăn trở của họ là làm thế nào để kết nối, hỗ trợ được nhiều hơn nữa cho chị em, đặc biệt là những phụ nữ, trẻ em yếu thế, cần được sự chở che, giúp đỡ của xã hội, cộng đồng. Không chỉ những người từng lầm lạc vướng vào vòng lao lý, năm 2019, các cấp hội Phụ nữ trong tỉnh đã kịp thời nắm bắt thông tin, hỗ trợ ổn định tâm lý; vận động gia đình, người thân tố giác hành vi của kẻ xâm hại; chuyển tuyến thông tin và đề nghị các ngành chức năng vào cuộc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, đồng thời kết nối nguồn lực hỗ trợ 5 nạn nhân bị bạo lực gia đình, 7 phụ nữ mang thai hộ và 6 nạn nhân bị xâm hại tình dục trong tỉnh.

Nữ công nhân thảo luận nhóm về biện pháp sống, di cư an toàn, phòng chống mua bán người do Hội LHPN tỉnh tổ chức tại Công ty Texhong Ngân Long (Hải Hà), ngày 19/11/2019.

Để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của xã hội, gia đình và cá nhân, các hoạt động tuyên truyền, vận động được các cấp Hội tiến hành thường xuyên, liên tục với 48 lớp tập huấn, 2 diễn đàn bảo vệ trẻ em, 5 hội thảo và 2 cuộc đối thoại chính sách.... tại các địa phương trong tỉnh, thu hút trên 4.500 lượt cán bộ, hội viên, phụ nữ, nữ công nhân tại KCN và người dân tham gia. Nội dung truyền thông tập trung vào việc phòng chống xâm hại, quấy rối tình dục, bạo lực gia đình, mua bán người; bảo vệ trẻ em trước tác động mặt trái của mạng xã hội; kỹ năng ứng phó các tình huống gây căng thẳng, kỹ năng thoát hiểm, kỹ năng tìm kiếm sự hỗ trợ; kỹ năng tự nhận biết các nguy cơ mất an toàn... Ngoài ra, 8 CLB trẻ em, 4 CLB "Vì sự phát triển của nữ công nhân" cũng được duy trì hoạt động đều đặn.

Bà Nguyễn Thị Vinh, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, khẳng định: Nội dung cốt lõi trong công tác bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái đối với Hội LHPN tỉnh Quảng Ninh chính là việc tăng cường các hoạt động truyền thông hỗ trợ nâng cao năng lực tự bảo vệ cho phụ nữ và trẻ em, trong đó thực hiện đồng bộ việc trang bị kiến thức gắn với hướng dẫn các kỹ năng để cho phụ nữ, trẻ em có đủ khả năng xử lý, hành động trước những tình huống nguy cơ và vấn đề đặt ra với chính mình. Đồng thời, Hội cũng phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng, cơ quan chuyên môn trong việc xác minh, điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng gây hại trong những vụ việc bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em. Qua đó, thúc đẩy trách nhiệm cộng đồng, lên án hành vi bạo lực, xâm hại của các đối tượng gây hại và hỗ trợ nạn nhân nhanh chóng ổn định tâm lý, tinh thần, tiếp tục vươn lên trong cuộc sống, trong đó bao gồm cả những hỗ trợ về sinh kế cũng như hỗ trợ chị em vay vốn để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, làm giàu chính đáng.

Hằng Ngần

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/201911/vi-su-an-toan-cho-phu-nu-va-tre-em-gai-nhung-buoc-tien-moi-2461841/