Vị thế của Cảng Quốc tế Long An

Sau 5 năm đi vào hoạt động, Cảng Quốc tế Long An đã khẳng định vai trò là trung tâm đầu mối xuất, nhập khẩu hàng hóa của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long .

Cổng ra vào Cảng quốc tế Long An. (Ảnh: Nguyễn Vỹ)

Cảng Quốc tế Long là 1 dự án nằm trong quần thể gồm 4 khu dự án với tổng quy mô 1.935 ha, bao gồm: Cảng Quốc tế Long An; Khu công nghiệp Đông Nam Á Long An; Khu dịch vụ Công nghiệp Đông Nam Á Long An; Khu đô thị Đông Nam Á Long An. Trong đó, Cảng Long An có diện tích 147 ha, được đầu tư xây dựng thành 3 giai đoạn với tổng số vốn gần 10.000 tỷ đồng bao gồm: 7 cầu cảng có khả năng tiếp nhận tàu tải trọng lên đến 70.000 DWT với tổng chiều dài từ đầu Cầu cảng số 1 đến cuối Cầu cảng số 7 là 1.670m; 7 bến sà lan; Hệ thống nhà kho, kho ngoại quan; Hệ thống bãi container và các công trình phụ trợ khác. Tất cả hạng mục đang được khẩn trương triển khai xây dựng đúng theo tiến độ hoàn thành vào năm 2023.

Riêng diện tích kho phục vụ lưu trữ tại Cảng là 400.000m2, phục vụ nhu cầu vận chuyển, lưu kho hàng nông thủy sản của khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) và là cửa ngõ để các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong khu vực Đông Nam Bộ tập kết đóng hàng và phân phối bằng đường bộ, đường biển hoặc thủy nội địa.

Để tạo điều kiện cho giao thông thuận lợi, tỉnh Long An đã đầu tư xây dựng trục tỉnh lộ 830 kết nối từ Cảng Quốc tế Long An đến các huyện Cần Giuộc, Cần Đước, Bến Lức, Đức Hòa, Đức Huệ và hầu hết các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh này. Bên cạnh đó, tỉnh đã đầu tư dự án cao tốc Bến Lức Long Thành (thuộc cao tốc Bắc - Nam), nối 4,89 km đường cao tốc đi qua tỉnh Long An ở hai huyện Bến Lức và Cần Giuộc, 24,92 km đi qua TP. Hồ Chí Minh ở huyện Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ và 27,28 km đi qua tỉnh Đồng Nai ở hai huyện Nhơn Trạch và Long Thành, giúp giao thông liên vùng miền Tây Nam Bộ và Đông Nam Bộ không cần quá cảnh qua TP. Hồ Chí Minh

Theo ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch HĐQT Đồng Tâm Group, Cảng quốc tế Long An với khu liên hợp bao gồm đô thị, dịch vụ cảng biển cùng các tiện ích đáp ứng nhu cầu trọn gói cho các doanh nghiệp đến đầu tư. Đến nay đã triển khai xây dựng 3 cầu cảng với chiều dài hơn 600m. Trong năm 2021 tiếp tục triển khai xây dựng cầu cảng số 7 - đón tàu có trọng tải trên 70.000 DWT.

Tuy mới đưa vào hoạt động, đó là việc vừa xây dựng vừa khai thác, Cảng Quốc tế Long An đã cho thấy bước đột phá lớn trong vận tải hàng hóa tại khu vực này. Cảng đã đón hàng nghìn lượt tàu trong và ngoài nước ra vào Cảng, với hàng triệu tấn hàng hóa xuất nhập thông qua cảng. Đáng chú ý, Cảng đã tiếp nhận và bốc dỡ hàng hóa thành công nhiều tàu tải trọng trên 50.000 DWT. Cảng Quốc tế Long An được kỳ vọng trở thành trung tâm đầu mối xuất nhập khẩu cho cả vùng ĐBSCL.

Để tăng cường hiệu quả kinh tế của Cảng, bên cạnh các dịch vụ cảng đơn thuần, Cảng Quốc tế Long An đang hướng đến cung cấp các dịch vụ trọn gói logistics để mang lại những giá trị gia tăng cho khách hàng. Bởi Cảng Quốc tế Long An hoàn thành và đi vào hoạt động không chỉ có giá trị về giao thương, vận chuyển hàng hóa, mà là một trong những điểm đến hấp dẫn, nhất là du lịch tàu biển.

Sự phát triển của Cảng Quốc tế Long An chính là tiền đề thúc đẩy phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, góp phần phát triển kinh tế tỉnh Long An, đồng thời giảm ách tắt giao thông đường bộ, giảm chi phí vận tải cho các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn tỉnh Long An, khu vực ĐBSCL, tạo sức bật cho việc phát triển kinh tế của cả khu vực này.

Cũng theo ông Võ Quốc Thắng , sở dĩ chọn Long An để đầu tư dự án cảng quốc tế này là bởi Long An là một tỉnh có công nghiệp, nông nghiệp phát triển tại khu vực Nam Bộ với hàng chục nghìn doanh nghiệp trong nước đang hoạt động, đặc biệt, có hàng nghìn dự án đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào tỉnh Long An. Địa phương này cũng đã có 32 khu công nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp Việt Nam với tổng diện tích gần 12.000 ha, trong đó, tỷ lệ lấp đầy 16 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động là khá cao.

Khu vực tàu neo đậu bốc dỡ hàng trong Cảng quốc tế Long An. (Ảnh: Nguyễn Vỹ)

Long An cũng là tỉnh tiếp giáp với khu vực ĐBSCL có nhiều kênh, rạch nên việc vận chuyển bằng đường thủy là ưu tiên hàng đầu và Long An sẽ là một trong những điểm đến để thu hút đầu tư vào khu công nghiệp khi chủ trương của TP. Hồ Chí Minh sẽ chuyển các nhà máy vào các khu công nghiệp thuộc các tỉnh lân cận.

Bên cạnh đó, với chủ trương di dời một số cảng ra khỏi trung tâm của TP. Hồ Chí Minh thì các cụm cảng của Thành phố này gồm Cảng Sài Gòn, Cảng Bến Nghé, Cảng VITC, Cảng Cát lái, Cảng Hiệp Phước … thuộc nhóm 5 trên luồng sông Xoài Rạp sẽ kết hợp với Cảng Long An, Cảng Cái Mép và Cảng Vũng Tàu tạo nên hệ thống cảng hỗ trợ lẫn nhau. Khi hoàn thành đầu tư vào năm 2023, Cảng quốc tế Long An có thể bốc xếp 15 triệu tấn đối với hàng rời và 50 triệu tấn đối với hàng container.

Sự phát triển của Cảng quốc tế Long An chính là tiền đề thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các khu-cụm công nghiệp, góp phần phát triển kinh tế khu vực ĐBSCL, đồng thời giảm ách tắc giao thông đường bộ, giảm chi phí vận tải, logistics cho các doanh nghiệp đầu tư, được các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh Long An nói riêng và ĐBSCL nói chung đánh giá rất cao.

Theo các chuyên gia kinh tế, hiện nay 70% đến 80% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của ĐBSCL phải dồn hết lên cụm cảng TP. Hồ Chí Minh bằng đường bộ. Điều này đã làm tăng áp lực giao thông đường bộ trên quốc lộ 1 và TP Hồ Chí Minh luôn gây ra tình trạng kẹt xe, gây tai nạn giao thông. Chi phí hàng hóa tăng cao từ 170-180 USD/container hoặc từ 7-10 USD/tấn chi phí vận chuyển và lưu kho. Thời gian vận chuyển kéo dài, bất lợi đối với hàng nông sản và giảm lợi thế canh tranh của nông sản hàng hóa ĐBSCL.

Do đó, Cảng quốc tế Long An ngoài việc giúp vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu, giảm áp lực giao thông cho các cảng tại TPHCM thì còn đóng vai trò động lực phát triển kinh tế- xã hội của cả vùng kinh tế động lực phía Nam và các tỉnh Tây Nam Bộ. Cảng quốc tế Long An được kỳ vọng trở thành trung tâm đầu mối xuất nhập khẩu cho cả vùng ĐBSCL.

Đánh giá về vai trò của Cảng quốc tế Long An, lãnh đạo tỉnh Long An cho hay, khi cảng Long An đi vào hoạt động, quá trình lưu thông hàng hóa, dịch vụ cảng biển của Long An phát triển mạnh mẽ. Long An trở thành một đầu mối giao lưu hàng hóa lớn trên sông Soài Rạp, trực tiếp làm giảm bớt lưu lượng hàng hóa và chi phí vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu hàng hóa hằng năm phải chuyển tiếp lên các cảng TP. Hồ Chí Minh bằng đường bộ, đường thủy nội địa. Như vậy, vai trò của Cảng Long An đối với việc xuất nhập khẩu hàng hóa biển là vô cùng quan trọng./.

K.V(TH)

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/kinh-te/vi-the-cua-cang-quoc-te-long-an-584536.html