Vị thế mới qua các hợp đồng 'xuất ngoại'

Trước đây, đã từng có một số cầu thủ Việt Nam thi đấu cho các câu lạc bộ bóng đá nước ngoài, nhưng chỉ để lại dấu ấn nhạt nhòa và thật sự chỉ mang tính cọ xát, học hỏi kinh nghiệm là chính. Tuy nhiên, sau thành công của đội tuyển bóng đá Việt Nam tại AFF Suzuki Cup 2018 và Asian Cup 2019, nhiều cầu thủ chủ chốt trong đội hình như thủ môn Văn Lâm, tiền đạo Công Phượng và tiền vệ Xuân Trường đã ký hợp đồng thi đấu với các Câu lạc bộ (CLB) ở nước ngoài và được kỳ vọng sẽ tỏa sáng.

Góc nhìn thể thao

Công Phượng (số 14) được kỳ vọng sẽ thi đấu thành công tại Hàn Quốc.

Việc thủ môn Đặng Văn Lâm sang Thái-lan thi đấu thu hút sự quan tâm của đông đảo người hâm mộ. CLB chủ quản hiện tại của Văn Lâm là Mu-ang-thoong đã chi số tiền chuyển nhượng 150 nghìn USD để thủ môn số một đội tuyển Việt Nam rời CLB Hải Phòng và ký hợp đồng có thời hạn ba năm với mức giá trị được tiết lộ là khoảng 500 nghìn USD. Việc rời khỏi Việt Nam để thi đấu chuyên nghiệp trong một môi trường mới là quyết định khó khăn đối với thủ môn này. Tuy nhiên, chỉ sau vài ngày tập trung cùng CLB Mu-ang-thoong, những chia sẻ về đội bóng mới của Văn Lâm đã khiến người hâm mộ yên tâm, thậm chí còn chờ mong cầu thủ này sẽ tiếp tục vươn lên về chuyên môn và đạt thành tích ở các cấp độ cao hơn. Anh cho biết: Mu-ang-thoong chú trọng chơi bóng ngắn, phát động tiến công từ bên sân nhà, vì thế thủ môn phải tập di chuyển bằng chân nhiều hơn, sớm xác định vị trí của các đồng đội trên sân để chủ động triển khai tiến công. Còn ở Việt Nam, Văn Lâm thường được yêu cầu chơi bóng dài và phát bóng mạnh lên phía trên mỗi khi có cơ hội. Mu-ang-thoong là CLB hàng đầu tại Thái-lan, nhưng có chút bất ngờ khi trong trận giao hữu mới đây, huấn luyện viên đội này là Pai-rọ Bo-uôn-oa-ta-na-đi-lốc đã không sử dụng Văm Lâm. Có thể huấn luyện viên này muốn thủ môn của Việt Nam vào trận với sự chuẩn bị tốt nhất.

Nếu như Văn Lâm sang Thái-lan theo dạng hợp đồng chuyển nhượng chuyên nghiệp thì hai cầu thủ tài năng của Việt Nam là Xuân Trường và Công Phượng chỉ xuất ngoại theo dạng hợp đồng cho mượn. Cả hai cầu thủ này đều từng thi đấu tại Hàn Quốc và Nhật Bản theo dạng này và không để lại dấu ấn về chuyên môn. Xuân Trường từng đá ở CLB Gang-uôn của Hàn Quốc, nhưng không thành công do chưa đáp ứng được kỳ vọng, cũng như chuyên môn đội bóng đề ra. Tới Thái-lan lần này, hợp đồng cho mượn của Xuân Trường có điều khoản phải được thi đấu ít nhất 80% số trận của CLB. Đồng thời, mức đãi ngộ của Xuân Trường sẽ thuộc hàng cao nhất Đông - Nam Á. Điều đó cho thấy CLB Bu-ri-ram đặt niềm tin lớn nhiều vào tiền vệ người Việt Nam. Tại ASIAD 2018, rồi AFF Suzuki Cup 2018 và ASIAN Cup 2019 vừa qua, Xuân Trường không còn là tiền vệ hàng đầu của đội tuyển Việt Nam, song hy vọng trong một năm thi đấu cho bóng đá Thái-lan, sự nhìn nhận của huấn luyện viên Pắc Hang-xo về tiền vệ này sẽ thay đổi.

Với tiền đạo Công Phượng thì đây không phải lần đầu anh thi đấu cho CLB nước ngoài. Năm 2016, Công Phượng đã sang Nhật Bản thi đấu, nhưng không để lại dấu ấn gì đặc biệt. Cầu thủ trẻ này chỉ được ra sân sáu trận trong mầu áo CLB Mi-tô Hôn-li-hốc và không ghi được bàn thắng nào. Là mẫu tiền đạo khéo léo, song Công Phượng ít khi được chơi đủ 90 phút ở cấp độ đội tuyển quốc gia do vấn đề thể lực. Sang Hàn Quốc lần này, nơi có lối chơi thiên về thể lực sẽ giúp tiền đạo trưởng thành từ “lò” Hoàng Anh Gia Lai trở nên toàn diện hơn trong mầu áo của CLB In-chơn. Rút kinh nghiệm trường hợp Xuân Trường ít được thi đấu trong lần sang Hàn Quốc, hợp đồng cho mượn Công Phượng cũng đã có sự điều chỉnh và chắc chắn sẽ không có cảnh tiền đạo của Việt Nam phải ngồi dự bị nhiều. Từng ghi dấu ấn cá nhân ở nhiều giải đấu lớn, Công Phượng đang tự tin thử sức trong môi trường mới.

Các thế hệ cầu thủ ra nước ngoài thi đấu trước đây dù không để lại dấu ấn đặc biệt về mặt chuyên môn song đều có thu hoạch nhất định. Tiền đạo Lê Công Vinh từng cho biết, khoảng thời gian thi đấu ngắn ngủi của anh cho CLB bóng đá ở Bồ Đào Nha rất có ích cho sự nghiệp cầu thủ cũng như làm quản lý CLB sau này. Ngay cả Xuân Trường tuy ít được ra sân, nhưng cũng chững chạc và mạnh mẽ hơn sau lần thử sức với giải bóng đá của Hàn Quốc. Một phần lý do trước đây các cầu thủ Việt Nam chưa thể hội nhập tốt khi thi đấu ở nước ngoài là do tư duy làm bóng đá nước ta lúc đó chưa theo kịp trình độ quốc tế, tâm lý cầu thủ còn tự ti với năng lực của bản thân, cũng như hạn chế về ngoại ngữ khi giao tiếp với huấn luyện viên và các đồng đội trong CLB. Điều này hiện tại đã có nhiều chuyển biến mới, nhất là sau khi bóng đá Việt Nam có được những thành công gần đây, thu hút sự quan tâm của truyền thông và giới chuyên môn ở châu Á. Đặc biệt, tại Hàn Quốc và Thái-lan, huấn luyện viên Pắc Hang-xo cùng các cầu thủ như Quang Hải, Văn Lâm, Công Phượng, Xuân Trường đã có chỗ đứng trong lòng người hâm mộ. Công Phượng, Xuân Trường ra đi, CLB Hoàng Anh Gia Lai có thể yếu hơn tại V-League nhưng đội tuyển Việt Nam trong tương lai sẽ có họ mạnh mẽ hơn. Hy vọng có thêm nhiều cầu thủ Việt Nam vươn ra những sân chơi lớn, để từ đó tạo dựng vị thế và giúp bóng đá nước nhà thật sự cất cánh.

MINH GIANG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thethao/bong-da-viet-nam/item/39185802-vi-the-moi-qua-cac-hop-dong-%E2%80%9Cxuat-ngoai%E2%80%9D.html