Vị thế mới trên đường hội nhập

Năm 2018, cùng với hàng loạt sự kiện đối ngoại trọng đại của Đảng và Nhà nước, chúng ta còn được chứng kiến các hoạt động đối ngoại đa phương không ngừng được mở rộng và đi vào chiều sâu... Các hoạt động đó đã góp phần giúp Việt Nam hội nhập ngày càng chủ động, tích cực, sâu rộng, khẳng định là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

1. Trong số hàng loạt sự kiện đối ngoại nổi bật năm 2018 mà Việt Nam tổ chức cũng như tham gia, hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) diễn ra tại Hà Nội là hoạt động đối ngoại đa phương lớn trong năm, thu hút sự tham dự của quan chức cấp cao nhiều nước ASEAN và khu vực; các tổ chức quốc tế lớn và gần 1.000 lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu của ASEAN cũng như thế giới. “Chủ tịch sáng lập WEF Klaus Schwab đánh giá trong 27 năm tổ chức diễn đàn WEF khu vực ASEAN và Đông Á, đây là diễn đàn thành công nhất” - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn - Trưởng Ban Tổ chức WEF ASEAN 2018 nói tại cuộc họp báo sau lễ bế mạc hội nghị hôm 13.9.2018.

WEF ASEAN diễn ra trong bối cảnh tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN tiếp tục được đẩy mạnh, tình hình thế giới và khu vực biến chuyển nhanh và phức tạp, tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0 ngày càng sâu sắc. Trong bối cảnh đó, chủ đề của WEF ASEAN năm 2018 (“ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng công nghiệp 4.0”) được đối tác quốc tế đánh giá cao, phản ánh sự quan tâm chung của các nước ASEAN và khu vực, gắn kết và bổ sung cho chủ đề chung của ASEAN năm 2018 là hướng tới “ASEAN tự cường và sáng tạo”. Vì thế, thành công của WEF ASEAN năm 2018 góp phần mở rộng, đưa quan hệ giữa Việt Nam và các nước trong khu vực đi vào chiều sâu, ổn định và hiệu quả.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đón Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev thăm chính thức Việt Nam (tháng 11.2018). ảnh: P.T

2. Thành tựu đối ngoại của Việt Nam năm 2018 còn ghi dấu qua việc tổ chức thành công hàng loạt sự kiện khác. Đáng chú ý là Hội nghị thường niên lần thứ 26 của Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF - 26). Đây cũng là sự kiện chính trị quan trọng, không chỉ thể hiện vị thế và trách nhiệm của Quốc hội Việt Nam trong APPF mà còn thực hiện hiệu quả Chỉ thị của Ban Bí thư T.Ư về nâng tầm ngoại giao đa phương. Với chủ trương đó, những kết quả đạt được trong Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 6 (GMS-6) và Hội nghị Cấp cao hợp tác khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam lần thứ 10 (CLV-10) diễn ra tại Hà Nội tiếp tục khẳng định sự tham gia ngày càng tích cực, chủ động của Việt Nam vào các cơ chế hợp tác khu vực và thế giới.

Năm 2018 cũng cho thấy sự chủ động tham dự và đóng góp ý kiến xây dựng của Việt Nam tại nhiều diễn đàn đa phương khác như Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 32 và 33, Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng, các hoạt động trong khuôn khổ Liên Hợp Quốc, Hội nghị Cấp cao Á - Âu (ASEM)... Bên cạnh đó, các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao Đảng và Nhà nước ta tới nhiều quốc gia cũng như lãnh đạo nước ngoài đến Việt Nam đã cho thấy sự gắn kết ngày càng chặt chẽ của Việt Nam với cộng đồng thế giới. Sau mỗi sự kiện, thông điệp về một đất nước Việt Nam hòa bình, năng động, mở cửa, giàu tiềm năng, đang quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động và phục vụ đã được truyền tải rộng rãi đến bạn bè quốc tế.

Quan hệ ngoại giao với 188 nước
Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 188 nước, với mạng lưới 27 đối tác chiến lược và đối tác toàn diện, trong đó có tất cả 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Cục diện quan hệ rộng lớn này không chỉ góp phần nâng cao vị thế Việt Nam mà còn là cơ sở quan trọng, đóng góp trực tiếp vào bảo vệ và phát triển đất nước.

3. Bám sát đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XII, ngoại giao Việt Nam trong năm 2019 và các năm tới sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các nhiệm vụ đối ngoại, tiếp tục đưa các mối quan hệ đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững hơn nữa. Trong đó, triển khai các định hướng đối ngoại đa phương, chuẩn bị cho vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và ứng cử làm thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021; kiên quyết và kiên trì bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia; triển khai mạnh Nghị quyết 06 về nâng cao hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Tất cả nhằm khẳng định vai trò - vị thế mới của Việt Nam trong tiến trình hội nhập quốc tế!

Đình Hiệp

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/vi-the-moi-tren-duong-hoi-nhap-952132.html