Vị thế Nguyễn Đình Chiểu trong đời sống học thuật thế giới

Đến nay, Việt Nam có 6 nhân vật được tổ chức UNESCO vinh danh là Danh nhân Văn hóa thế giới: Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Hồ Chí Minh, Chu Văn An, Hồ Xuân Hương và Nguyễn Đình Chiểu. Trong đó, Nguyễn Đình Chiểu là nhân vật duy nhất ở Nam bộ vừa được long trọng tổ chức kỷ niệm 200 năm ngày sinh (1822-2022) tại Bến Tre với sự tham dự của rất nhiều chính khách, nhà khoa học, nhà văn trong và ngoài nước.

Từ lâu cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Đình Chiểu về văn chương, giáo dục, y học đã được khẳng định ở Việt Nam, nhưng còn ở nước ngoài thì ông có ảnh hưởng ra sao và các học giả quốc tế nhìn nhận thế nào về ông?

Nguyễn Đình Chiểu là một nhân vật đặc biệt, từ hành trình cuộc đời đến trước tác và cả sức ảnh hưởng. Truyện thơ “Lục Vân Tiên” của Nguyễn Đình Chiểu đã được dịch và đăng trên báo Pháp từ năm 1864, nghĩa là chỉ một thời gian ngắn sau khi nó xuất hiện ở Việt Nam. Và đây cũng là tác phẩm văn học Việt Nam đầu tiên được dịch ra tiếng nước ngoài, trước cả “Truyện Kiều” của Nguyễn Du dịch sang tiếng Pháp tới 20 năm.

Cuốn thư pháp “Nguyễn Đình Chiểu thi tuyển” được xác nhận Kỷ lục thế giới.

Tính đến nay, “Lục Vân Tiên” của Nguyễn Đình Chiểu được dịch ra 5 thứ tiếng với 11 bản dịch, trở thành tác phẩm văn học cổ điển Việt Nam được dịch ra ngoại ngữ nhiều thứ ba. Đứng đầu là “Truyện Kiều” của Nguyễn Du được dịch ra 21 thứ tiếng với 86 bản dịch. Đứng thứ hai là thơ Hồ Xuân Hương được dịch 12 thứ tiếng với 30 bản dịch. Qua đó chúng ta thấy sức lan tỏa của tác phẩm "Lục Vân Tiên" rất đáng kể, bên cạnh các tác phẩm khác của Nguyễn Đình Chiểu cũng đã và đang được dịch, xuất bản ở nước ngoài.

Ngoài việc phổ biến, lan tỏa thì tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu đi vào đời sống học thuật và được các học giả quốc tế đánh giá cụ thể ra sao. Đây là câu hỏi mà tôi canh cánh bên lòng khi được mời về Bến Tre tham dự lễ hội lớn về Cụ Đồ.

Trong số hơn 100 tham luận Hội thảo Khoa học quốc tế “Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu trong thời đại ngày nay” thì có gần 20 tham luận của các học giả nước ngoài. Và hai vị khách phương xa đầu tiên khi nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam và tôi vừa đặt chân tới Bến Tre gặp mặt là Giáo sư - Tiến sĩ Shimizu Masaaki và học trò là Tiến sĩ Kondo Mika đến từ Đại học Osaka của Nhật Bản. Điều thú vị hơn, Shimizu Masaaki là bạn học cùng lớp ngôn ngữ đại học với tôi khi anh sang du học tại Khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh mà sau 32 năm mới bất ngờ được gặp lại.

GS-TS Shimizu Masaaki khi còn học ở Việt Nam đã dành nhiều thời gian nghiên cứu về tác phẩm của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, người mà anh rất ái mộ. Sau khi trở thành chuyên gia tiếng Việt, giảng viên Đại học Osaka của Nhật Bản, Shimizu Masaaki đã đưa truyện thơ “Lục Vân Tiên” của Nguyễn Đình Chiểu vào giảng dạy trong bộ môn tiếng Việt. Từ góc nhìn thuần túy học thuật, trong tham luận của mình tại hội thảo anh cho hay: “Chủ trương của chúng tôi là phân tích tính ý nghĩa của thơ Nôm “Lục Vân Tiên” từ một góc độ hoàn toàn khác so với các cách đánh giá tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu khi thường chỉ chú trọng nội dung tác phẩm. Trong quá trình giảng dạy thơ Nôm cho sinh viên Nhật Bản, chúng tôi cũng cảm nhận được sự quan tâm của các bạn sinh viên đối với nội dung và nhịp điệu đặc biệt của thơ Nôm Việt Nam, vì đặc điểm của thơ Việt Nam là hoàn toàn khác với thơ vần trong tiếng Việt”.

Ngoài các bạn Nhật thì tham dự hội thảo, lễ kỷ niệm danh nhân Nguyễn Đình Chiểu còn có nhiều học giả, khách mời quốc tế đến từ Nga, Pháp, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Đài Loan,...

Tiến sĩ Christian Manhart - Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam khẳng định lại những nhận định của Ủy ban UNESCO khi trao quyết định vinh danh Đồ Chiểu: "Những triết lý của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu về hòa bình, về tình yêu của con người cũng như về lòng khoan dung hoàn toàn phù hợp với triết lý và mục tiêu của UNESCO. Ông cũng là một nhà giáo xuất sắc, đã cống hiến cả cuộc đời mình để lan tỏa kiến thức. Ngoài ra, Nguyễn Đình Chiểu còn là một thầy thuốc vĩ đại với một tầm nhìn sâu rộng trong việc cứu người. Bên cạnh đó, ông còn là niềm hy vọng cho những người khuyết tật bởi ông đã đạt được những thành công ngay cả khi ông bị mù. Câu chuyện cuộc đời của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu là một nguồn cảm hứng không chỉ đối với người dân Việt Nam mà còn với cả nhân loại".

Giáo sư A. Ya. Sokolovsky đến từ Đại học Tổng hợp Liên bang Viễn Đông của Nga, chia sẻ: “Tên tuổi của nhà thơ yêu nước Việt Nam vĩ đại nhất thế kỷ XIX - Nguyễn Đình Chiểu, được nhiều người biết đến ở Nga. Ông chủ yếu được biết đến với tư cách là một đại biểu xuất sắc của văn học chống Pháp tại Việt Nam thời thuộc địa. Tác phẩm chính của ông được biết đến ở đất nước chúng tôi, nhờ vào những bản dịch và nghiên cứu của những nhà Phương Đông học”.

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Sunjin (Tôn Tiến) của Đại học Dân tộc Quảng Tây, Trung Quốc thì nhận định: “Nguyễn Đình Chiểu không phải mượn câu chuyện tự sự “Lục Vân Tiên” chỉ là để phản ánh bi kịch cá nhân hoặc tận dụng cơ hội để biểu lộ tâm tư, tình cảm của mình, mà thông qua thơ ca, Nguyễn Đình Chiểu muốn đề xướng tư tưởng của Khổng Tử và Mạnh Tử: Nam lấy trung, hiếu làm đầu, nữ lấy tiết, đức làm trọng để giáo dục con người. Tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu có giá trị và ý nghĩa to lớn, người Pháp đã đem tác phẩm “Lục Vân Tiên” dịch sang tiếng Pháp, đăng tải trên một tờ báo ở Paris. Ở Trung Quốc, chúng tôi cũng đã thấy một số bài bình luận về sử truyện thơ “Lục Vân Tiên”.

Đến từ Viện khảo cứu cao cấp Pháp, Tiến sĩ Pascal Bourdeaux nhìn nhận rằng: “Nguyễn Đình Chiểu thuộc thế hệ nếm trải cuộc xâm lăng của Pháp và hứng chịu những hậu quả đầu tiên của chế độ thực dân. Sự nghiệp văn chương của ông phản ánh rõ điều này. Nếu như về nội dung, tác phẩm của ông vì thời cuộc mà có khuynh hướng bày tỏ lòng yêu nước, thì về hình thức, nó cũng có những chuyển biến quan trọng nhờ sự phát triển của ngành in ấn và việc một số tác phẩm sớm được dịch sang tiếng Pháp như “Lục Vân Tiên”, “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”. Chính vì thế, nhà cầm quyền Pháp duy trì mối quan hệ đầy mâu thuẫn với Đồ Chiểu lúc sinh thời. Hay nói rộng ra, đó là quan hệ văn hóa đặc biệt được hình thành giữa nền văn học Pháp, nơi đón nhận những bản dịch của nhà thơ và di cảo của ông, vẫn cần được tiếp tục khám phá”.

Hai nhà nghiên cứu và chuyên gia tiếng Việt của Hàn Quốc là GS Jeon Hye Kyung và TS Lee Hyeo Heong đã nêu lên sự tương đồng giữa 2 tác phẩm “Lục Vân Tiên” của Nguyễn Đình Chiểu và “Chun - Hyang Jeon” quen thuộc ở Hàn Quốc, và nhận xét: “Ở cả Việt Nam và Hàn Quốc, thế kỷ XVIII và XIX là giai đoạn đánh dấu sự kết thúc thời kỳ toàn thịnh của văn học chữ Hán, vốn là thể loại văn viết phổ biến ở khu vực Đông Á, và đón chào thời kỳ toàn thịnh của văn học chữ quốc ngữ. Trong thời kỳ này, văn học chữ Nôm phổ biến tại Việt Nam và văn học Hangeul lên ngôi tại Hàn Quốc. Theo đó, tại Việt Nam có các tác phẩm tiêu biểu như “Truyện Kiều” và “Lục Vân Tiên”, còn tại Hàn Quốc xuất hiện “Thẩm Thanh truyện” và “Xuân Hương truyện”.

Một học giả khác của Trung Quốc là Tiến sĩ Bùi Long thuộc Học viện Nghệ thuật Quảng Tây thì đánh giá rằng, Nguyễn Đình Chiểu là một nhà thơ có vai trò quan trọng trong việc thừa kế tiền nhân, tiếp truyền hậu thế trong tiến trình lịch sử văn học Việt Nam từ cổ đại đến cận đại. Cả cuộc đời ông là sự kết hợp giữa tinh thần lao động không mệt mỏi và lòng yêu nước bất khuất. Bất chấp hoàn cảnh khó khăn, nghèo đói, bệnh tật, ông đã đem toàn bộ tâm huyết, sức lực và tinh thần hiến dâng cho sự nghiệp giáo dục, làm thuốc và sáng tác văn học.

Ở góc độ ngữ học, Tiến sĩ Kondo Mika từ Đại học Osaka của Nhật cũng có những quan điểm học thuật giống như GS-TS Shimizu Masaaki và chị còn nhấn mạnh thêm về vai trò các tác phẩm Nôm của Nguyễn Đình Chiểu trong phương ngữ Nam bộ. Theo TS Kondo Mika: “Một trong những tư liệu quý báu có thể cho chúng ta biết về một giai đoạn trong quá trình hình thành phương ngữ Nam bộ chính là các tác phẩm Nôm của Nguyễn Đình Chiểu”.

Từ nghiên cứu của các học giả quốc tế cho thấy Nguyễn Đình Chiểu là một nhân vật đặc biệt. Đặc biệt về hành trang cuộc đời. Đặc biệt về nhân cách. Đặc biệt về tác phẩm. Không chỉ hôm nay, mà sức ảnh hưởng của ông nhất định sẽ còn lan tỏa trên nhiều phương diện của học thuật, đời sống trong và ngoài nước, góp phần cảnh báo đẩy lùi cái xấu cái ác, tôn vinh cái thiện cái đẹp của nhân loại.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/vi-the-nguyen-dinh-chieu-trong-doi-song-hoc-thuat-the-gioi-i661231/