Vị Tổng thống 'nghèo nhất thế giới'

Jose Humberto Mujica Cordano, 88 tuổi được biết đến rộng rãi tại đất nước mình với biệt danh El Pepe. Ông còn được mệnh danh là 'Tổng thống nghèo nhất thế giới'. Jose được mô tả một cách chính xác từ tờ Daily Mail: 'Cuối cùng thì trên thế giới đã xuất hiện một chính trị gia không che giấu việc chi tiêu của mình'.

Và thực sự, với tư cách là người đứng đầu đất nước, ông là một tấm gương về sự thẳng thắn, trung thực và công bằng khác thường. Vì sao khi nắm bắt được những cơ hội tuyệt vời về tài chính, “người bảo trợ Hiến pháp” Uruguay lại không tận dụng điều này?

Jose Mujica là một người khổ hạnh, ăn chay và là cựu tổng thống Uruguay, người đã đứng đầu đất nước từ năm 2010 đến năm 2019. Ông từng dành 90% tiền lương của mình cho việc công và sống tại căn nhà nghèo nàn ở thôn quê.

Tổng thống Jose Mujica, biệt danh là El Pepe

Vô cùng lo ngại rằng tài nguyên của hành tinh không phải là vô hạn, Jose Mujica đã nhiều lần nhấn mạnh rằng ông không phản đối việc tiêu thụ mà chống lại sự lãng phí. Ông lên án phần lớn các nhà chính trị đương đại trên thế giới vì “ám ảnh một cách mù quáng với ý tưởng tăng trưởng kinh tế thông qua tiêu dùng, như thể nếu không có nó thì ngày tận thế sẽ đến”, bởi vì ông tin rằng: khi nhân loại học cách sống trong khả năng của mình, mọi người sẽ có mọi thứ họ cần. Nhưng tất cả điều này có thể đạt được, như El Pepe nghĩ, chỉ khi thay đổi nhận thức. Ông cũng lập luận rằng thiên đường không được xây dựng trong một sớm một chiều và ở khắp mọi nơi. “Từng bước, tôi cố gắng làm giảm bớt sự bất công ở đất nước của mình, để giúp đỡ những người cần nó” - ông nói, và đằng sau những lời nói tâm huyết này là những hành động thực tế…

Đường đến quyền lực

Ông Jose Mujica sinh năm 1935, có mẹ xuất thân từ một gia đình nghèo gốc Italy nhập cư, bố là người Tây Ban Nha. Ông sở hữu một trang trại, nhưng đã qua đời khi cậu bé Jose chưa đầy 5 tuổi. Jose bắt đầu quan tâm đến chính trị và đời sống xã hội từ rất sớm, tuân thủ các quan điểm cánh tả cấp tiến. Lấy cảm hứng từ những ý tưởng của cuộc cách mạng Cuba, ở tuổi 25, chàng trai trẻ đã tham gia phong trào giải phóng dân tộc trong một đội du kích.

Vào những năm 1960-1970, các thành viên của đội này giống như Robin Hood, đi cướp của người giàu và phân phát chiến lợi phẩm cho người nghèo. Jose thường trở thành người tích cực tham gia vào các cuộc đụng độ bạo lực “vượt chướng ngại vật”. Trên người anh là những vết sẹo của 6 vết thương. Anh phải ngồi tù tổng cộng là 14 năm, trong số đó hoàn toàn bị cách ly trong 2 năm. Và tất cả những điều này không thể không ảnh hưởng đến thế giới quan của nhà lãnh đạo chính trị tương lai.

Tổng thống Uruguay quyết định bắt đầu từ chính mình

Tổng thống tương lai được trả tự do vào năm 1985, khi chính phủ Uruguay hướng tới một nền dân chủ. Kể từ thời điểm đó, hoạt động chính trị của Jose bắt đầu. Và nếu khi còn trẻ, được truyền cảm hứng từ các hoạt động của Che Guevara, tìm cách xây dựng lại thế giới bằng vũ khí trong tay, thì khi có tuổi, ông đã sửa đổi quan điểm của mình “Một cuộc cách mạng không phải lúc nào cũng là bắn súng và bạo lực…”.

Với thái độ triết học như vậy, ông đã thăng tiến trong sự nghiệp. Từ chức danh Thứ trưởng và Bộ trưởng các Bộ Chăn nuôi, Nông nghiệp và Thủy sản đến một ghế trong Thượng viện, rồi lên chức Tổng thống mà ông đảm nhận vào năm 2010. Từ đó, huyền thoại về vị tổng thống “nghèo nhất” hành tinh ra đời.

Bắt đầu từ chính mình

Jose không bao giờ che giấu rằng chính những năm tháng trong tù đã giúp ông hình thành quan điểm sống về nhiều mặt. Và giờ đây, khi đã đảm nhận vị trí nguyên thủ quốc gia, thay cho sự nhiệt thành của tuổi trẻ kiểu Robin Hood, Jose đã hiểu rằng phải tìm kiếm những phương pháp mới để chống lại nghèo đói và bất công. Và Tổng thống El Pepe quyết định bắt đầu từ chính bản thân mình.

Tổng thống Jose phát biểu trước công chúng khi còn tại vị

Đầu tiên, nhận được mức lương hàng tháng là 12.500 đôla cho nguyên thủ quốc gia, Tổng thống mới được bổ nhiệm đã ngay lập tức tuyên bố rằng 1/10 số tiến này là đủ để ông sinh sống. Và trong suốt 5 năm làm tổng thống, Jose đã dành 90% tiền lương cho công việc từ thiện và các nhu cầu của xã hội. Do đó, thu nhập hàng tháng của ông chỉ nằm ở mức lương trung bình toàn quốc, vào thời điểm đó là khoảng 775 đôla.

Ngoài ra, Jose từ chối việc rời trang trại của gia đình ông ở ngoại ô thành phố Montevideo để chuyển đến Dinh Tổng thống. Ông hoàn toàn không ngại ngần bởi con đường nối liền trang trại với thủ đô là đường đất. Việc bảo vệ an ninh ngôi nhà của ông chỉ được đảm trách bởi hai cảnh sát, và tủ quần áo chỉ có một bộ lễ phục duy nhất cho các cuộc gặp chính thức.

Được biết, ông Jose vẫn sống trong một ngôi nhà nhỏ ở trang trại, là tài sản của vợ ông - Lucia Topolansky Saavedra. Họ kết hôn vào năm 2005. Lucia là một đồng nghiệp tại Thượng viện và là người lãnh đạo phong trào nhân dân. Người vợ luôn ủng hộ chồng trong mọi việc, kể cả trong những năm cầm quyền và hiện giờ, khi Jose đã nghỉ phục vụ. Điều đáng chú ý là nơi ở khiêm tốn của vợ chồng tổng thống thậm chí còn không có nguồn cung cấp nước từ trung tâm, chủ nhân phải đi lấy nước từ giếng.

Tài sản của họ, ngoài bất động sản, vẫn là chiếc xe Volkswagen Beetle cũ đời 1987, một chiếc xe tay ga và một vài chiếc máy kéo. Ngôi nhà hiện được bảo vệ bởi một chú chó lai ba chân và một con chó tha mồi Labador đã già. Năm 2014, Jose được đề nghị bán chiếc xe hơi cổ hiếm với giá 1 triệu đôla những ông đã từ chối. Đáng chú ý là vào năm 2018 cựu tổng thống cũng đã từ chối nhận khoản lương hưu, ông cho rằng số tiền này là thừa. Ông không có tài khoản ngân hàng cũng như các khoản nợ. Niềm vui lớn nhất của ông là công việc bận rộn tại nhà kính và chơi với chú chó ba chân Manuela. Trước khi làm tổng thống, vợ chồng ông không thuê nhân viên, họ tự trồng hoa để bán. Nhưng bây giờ thì sức lực đã không được như trước nữa…

Thay đổi cuộc sống của người dân Uruguay

Nhưng, trở lại với công việc quản lý, bởi cựu tổng thống Uruguay dù có khác biệt so với các nhà lãnh đạo khác như thế nào, thì ông vẫn là một chính trị gia, và là người khá khôn ngoan. Trong 5 năm điều hành đất nước ông đã giảm được gần một nửa tỷ lệ thất nghiệp tại Uruguay và hiện được coi là thấp nhất trong tất cả các nước Mỹ Latinh. Tổng thống cũng đã giảm đáng kể số người sống dưới mức nghèo khổ. Theo sáng kiến của ông, nhà nước đã cấp cho mỗi học sinh một máy tính miễn phí. Nhà nước cũng trả tiền cho giáo dục và thiết lập việc kiểm soát giá cả đối với các mặt hàng thiết yếu.

Tổng thống Jose tại ngôi nhà ở ngoại ô

Tổng thống El Pepe lãnh đạo bằng ý thức lành mạnh và sự quan tâm đến người dân của mình, ông trở nên nổi tiếng với những cải cách “tự do” của mình. El Pepe đã hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính, phá thai và ông trở thành tổng thống đầu tiên hủy bỏ lệnh cấm sử dụng cần sa. Tất cả những biện pháp này đã được cộng đồng thế giới hưởng ứng nhiệt tình. Vì vậy, vào năm 2014, Tổng thống Uruguay thậm chí còn được đề cử giải Nobel Hòa bình vì luật định về cần sa. “Sử dụng cần sa không phải là điều tồi tệ nhất - El Pepe nói. - Vấn đề thực sự - đó là buôn bán ma túy”.

Tuy nhiên, không nên nghĩ rằng mọi thứ trong nước đều diễn ra suôn sẻ. Phe đối lập Uruguay thường chỉ trích các cải cách và phương pháp của tổng thống và tuyên bố rằng sự tăng trưởng kinh tế của đất nước không dẫn đến những cải thiện về giáo dục và chăm sóc sức khỏe v.v… Dù luật pháp Uruguay không quy định khả năng tổng thống tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai thì El Pepe cũng không màng đến quyền lực, nên ông vẫn tiếp tục toàn tâm với chính sách của mình và diệt trừ tận gốc rễ nạn tham nhũng. Tất cả các công chức nhà nước ở Uruguay đã phải công khai các nguồn thu nhập và tài sản cá nhân của họ trên cơ sở bắt buộc.

Rời nhiệm kỳ tổng thống vào năm 2015, El Pepe có quyền giữ chức danh thượng nghị sĩ cho đến năm 2020 để tiếp tục tham gia các chính trường lớn, đồng thời nhận được mức lương xứng đáng. Nhưng ông đã từ chối cả đặc ân này lẫn khoản trợ cấp cho thượng nghị sĩ. Ông nói: “Tôi có thể sống rất tốt với những gì mình có”. Ông thích một cuộc sống yên bình, khiêm nhường và chừng mực trong ngôi nhà ấm cúng của mình với một khu vườn và nhà kính để trồng hoa. Ông nói: “Tôi tiết kiệm và điều độ, nhưng tôi không nghèo”.

Cựu tổng thống đã khéo léo đưa triết lý của mình về người làm thuê vào một câu nói: “Họ gọi tôi là tổng thống nghèo nhất, nhưng tôi không cảm thấy mình nghèo. Người nghèo là những người làm việc chỉ để sống xa hoa. Lúc nào họ cũng muốn có nhiều hơn và nhiều hơn nữa… Họ không còn thời gian cho bản thân, cũng như cho chính cuộc sống…”.

Tám năm đã trôi qua kể từ khi El Pepe rời vị trí này và một câu hỏi hợp thời được đặt ra: đất nước ngày nay sống như thế nào? Dường như có thể là điều gì đó thú vị đối với chúng ta từ một quốc gia nhỏ bé ở bên kia thế giới, được lãnh đạo bởi một vị tổng thống nghèo nhất thế giới? Tuy nhiên, sau khi mở một số trang web trên Internet thì rõ ràng Uruguay, còn được gọi là “Thụy Sĩ của Mỹ Latinh” và ngày nay vẫn là một trong những quốc gia phát triển nhất về kinh tế ở Mỹ Latinh. Đây là đất nước dân chủ nhất, hòa bình nhất, có mức tham nhũng thấp nhất và là chính phủ điện tử phát triển nhất. Uruguay cũng đứng thứ hai ở lục địa này về mức tự do kinh tế, sự bình đẳng thu nhập… cho dù vẫn là quốc gia nhỏ nhất tại lục địa Nam Mỹ chỉ có 3,4 triệu người. Uruguay giáp Brazil về phía bắc và Argentinna ở phía Tây.

Bình dị nhưng thật giàu ý nghĩa lời tuyên bố của Tổng thống Uruguay: “Mục tiêu của tôi là giúp đỡ những người không được bảo vệ và dễ bị tổn thương nhất, để đảm bảo có ít bất công hơn ở Uruguay. Tất nhiên, tôi sẽ không xây dựng một thiên đường, nhưng tôi phấn đấu vì sự phát triển của phúc lợi xã hội”. Và bằng những việc làm và chính cuộc sống của mình, ông đã thực tốt tâm nguyện của mình.

Hải Yến (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/hau-truong/vi-tong-thong-ngheo-nhat-the-gioi-i716600/