Vị tướng công an và ký ức 26 ngày đêm ở Huế trong Tết Mậu Thân

50 năm đi qua, nhưng những ngày cùng đồng đội đấu tranh anh dũng, tiêu diệt cơ quan đầu não của địch ở Huế trong Tết Mậu Thân 1968 vẫn in đậm trong tâm trí vị tướng công an Phan Văn Lai.

Ký ức hào hùng

Thiếu tướng Phan Văn Lai, Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân, nguyên Chánh văn phòng ban An ninh khu Trị Thiên-Huế, nguyên Phó Tổng cục trưởng tổng cục Chính trị CAND đã gần 90 tuổi, nhưng sức khỏe và trí tuệ của ông vẫn còn mẫn tiệp. Vị tướng già nhớ như in cái Tết năm 1968.

Trong đợt tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, chiến trường Trị Thiên là chiến trường trọng điểm mà Huế là trọng điểm của trọng điểm. Huế là chiến trường xuất sắc nhất, làm chủ 26 ngày đêm, góp phần làm phá sản “chiến tranh cục bộ”, kéo Mỹ phải xuống thang chiến tranh, buộc Mỹ phải đơn phương ngừng ném bom miền Bắc.

Thiếu tướng Phan Văn Lai.

Thiếu tướng nhớ lại, từ giữa mùa đông năm 1967, dù lạnh thấu xương và đường đi lầy lội nhưng những đoàn dân công người Thượng vẫn nối dài vô tận gồng mình vác những thùng hàng, bao gạo, thùng đạn cỡ lớn... Ở đồng bằng, người dân chuẩn bị hậu cần cho chiến dịch tấn công chưa từng có trong lịch sử chống Mỹ. Dù giặc luôn tìm cách ngăn chặn và đe dọa sẽ bắn bỏ nếu ai tiếp tế lúa gạo cho “Việt cộng” thế nhưng, ban ngày, bà con vẫn mua lúa gạo tự xay giã, chờ tối đến tập trung lại để chuyển về căn cứ. Đồng thời, hàng tấn vũ khí được chuyển về nội thành và các vùng ven Huế để chuẩn bị cho cuộc tổng tấn công.

Tết Mậu Thân năm 1968 có lẽ là một cái Tết nhớ nhất trong cuộc đời của người chiến sĩ công an Phan Văn Lai. Ông kể, mùa đông năm đó giá rét cắt da cắt thịt. Ta có nhiều hoạt động đánh lạc hướng, “ru ngủ” quân thù, tung tin quân dân sẽ ăn Tết to và lơ là việc chiến đấu, bố trí chốt hết bìa rừng và công bố đóng cửa rừng để ăn Tết.

Ngày 30 Tết, Tỉnh trưởng Thừa Thiên Phan Văn Khoa họp các ngành, có cả Ngô Quang Thưởng, Chuẩn tướng Tư lệnh sư đoàn 1 Ngụy dự. Khoa nói: “Có tin Việt cộng đã đặt tên lửa xung quanh Huế, liệu chúng có khả năng đánh vào dịp Tết không?”. Ngô Quang Thưởng bình thản trả lời: “Việt cộng có thể đánh vào, nhưng lập tức phải rút ra ngay thôi. Vì Việt cộng gùi cõng, đi bộ. Còn quân đội Hoa Kỳ cơ giới hóa cao độ bằng “Thần sấm”, “Con ma” và B52 trợ ứng. Việt cộng ở lại thì làm sao mà chịu nổi”.

Trước đó, công tác chuẩn bị nhiều mặt đã được chúng ta lên kế hoạch cẩn thận, chu đáo. Riêng lực lượng an ninh đã theo dõi chi tiết hành tung của những tên đầu sỏ trong đội ngũ mật vụ của địch. “Đúng sáng 30 Tết, đồng chí Nguyễn Đình Bảy, Phó ban An ninh khu họp cơ quan truyền đạt chủ trương tấn công vào Huế. Chiều 30 Tết, chúng tôi bắt tay vào lau chùi vũ khí, chuẩn bị quân trang, bông băng với lương khô và bánh tét dự trữ trong 2 ngày. Sáng mồng 1, lãnh đạo động viên mọi người đi ngủ để lấy sức nhưng chẳng ai chịu ngủ. Cho đến chiều mồng 1 được thông báo giờ xuất phát, mọi người reo vui, chuẩn bị lên đường”, Thiếu tướng Phan Văn Lai cho hay.

Chỉ trong ngày đầu, các cán bộ của an ninh khu và phân đội trinh sát vũ trang Huế đã lùng sục vào các cơ quan trọng yếu và thu thập được rất nhiều tài liệu quan trọng của CIA và ngụy quyền Sài Gòn. Với những tên cầm đầu cơ quan trọng yếu của Mỹ-Ngụy, ta có chủ trương phải bắt sống.

“Nhiều đối tượng quan trọng đã bỏ trốn trong đó có Hồ Thúc Tứ, ủy viên Trung ương Quốc dân Đảng-người từng có nhiều thời gian làm tay sai cho quan thầy từ Tưởng Giới Thạch, thực dân Pháp rồi đến đế quốc Mỹ và có tư tưởng chống ta quyết liệt. Do ta làm tốt công tác vận động quần chúng nên con trai và con dâu người lái xe cho Tòa Khâm cũ đã báo cho biết, Hồ Thúc Tứ đang lẩn trốn trong bệnh viện. Một cuộc truy lùng khẩn cấp, ta đã bắt được tên này, bên trong người còn mang theo thẻ căn cước với nghề nghiệp là một thương gia.

Khi tôi hỏi: Tại sao mang trong người một thẻ căn cước là thương gia trong khi bản thân đường đường là người có thế lực ở miền Nam và lại đang sống trong vùng có sự bố phòng, kiểm soát, bảo vệ chặt chẽ của người Mỹ và chế độ ngụy quân Sài Gòn? Hồ Thúc Tứ ngập ngừng đáp: “Tôi đã lường trước là có ngày sẽ nằm trong tay quân giải phóng nên đã làm thẻ căn cước là một thương gia để có cơ may thoát thân. Nhưng tôi chưa hiểu hết là cách mạng có nhiều tai mắt trong dân chúng!”.

Trong cuộc tấn công này, toàn bộ cơ quan đầu não an ninh của địch đều bị phá. Nhiều tình báo CIA bị bắt. Trên đường bị dẫn giải lên căn cứ, một tên làm tình báo cho CIA nói: “Các ông hơn chúng tôi là phải, đi đến đâu cũng thấy các ông đều có nước uống và lương thực. Người Mỹ chúng tôi phải lấy nước uống từ Philippines và lương thực từ Nhật đến”, Thiếu tướng Phan Văn Lai cho hay.

Chiến thắng bất ngờ ở nhà lao Thừa Phủ

Tướng Phan Văn Lai cho biết, một trong những mục tiêu quan trọng là phải giải phóng được lao Thừa Phủ. Nơi đây giam giữ 2.300 cán bộ, chiến sĩ cách mạng. Địch đã cài dày đặc mìn claymore, nếu “có biến” chúng chỉ việc bấm nút là sẽ nổ tung tất cả. Vì thế, tấn công vào nhà lao Thừa Phủ vô cùng khó khăn. Đã hai ngày lực lượng chúng ta chiếm lĩnh thành phố mà chưa thể tấn công vào nhà lao.

“Quân ta cho loa chĩa thẳng vào nhà lao thông báo tin chiến thắng ở miền Nam và thông báo quân giải phóng đã chiếm lĩnh được thành phố Huế. Đồng thời, kêu gọi lính gác nhà lao ra đầu hàng sẽ được khoan hồng. Trong đêm 3/2/1968, đồng chí Nguyễn Đình Bẩy đã khích lệ mọi người: “Đêm nay, chúng ta hứa với nhau dù có hy sinh cũng phải giải cứu cho được anh em mình đang bị giam cùm trong ngục tù, nhất định không để chúng sát hạ đồng chí, đồng đội của mình”. Rồi thống nhất hẹn nhau đúng 3h sáng 4/2/1968 sẽ tập kết lại vị trí đã định để 3h30 nổ súng.

Đến 1h sáng ngày 4/2, một ngụy quân sau khi nghe ta tuyên truyền đã trốn ra ngoài. Tên này cho biết: “Anh chị em trong nhà lao đang sẵn sàng chờ quân giải phóng tới để phá nhà lao. Bọn cai ngục và lính gác đang rất hoang mang vì không thấy quân ngụy đến cứu viện”. Đặc biệt, người này tiết lộ, có một đường hầm bí mật từ trong nhà lao ra ngoài. Ta đã cho người đi theo đường bí mật đó để vào trong nhà lao. Bị đánh bất ngờ, địch đã đầu hàng. 5h sáng, toàn bộ cán bộ chiến sĩ đã được đưa ra ngoài an toàn. 500 người trong số đó đã được lựa chọn để bổ sung vào đội hình chiến đấu trong thành phố.

Qua ngày tấn công thứ 7, chiến trường miền Nam đã lắng xuống và Mỹ rảnh tay ở phía Nam và Khu 5 nên bắt đầu triển khai lực lượng ra Huế để phản kích. Chiến sự diễn ra ác liệt, ta giành giật từng dãy nhà, từng đường phố với địch. Đến ngày thứ 10, Mỹ đã bắc lại cầu phao qua sông Hương để thay thế cầu Tràng Tiền và Bạch Hổ bị ta đánh sập. Một cuộc chiến đấu dài ngày, không cân sức nhưng quân và dân ta vẫn nỗ lực để ép Mỹ ngồi vào bàn đàm phán, đến ngày 26/2/1968 toàn bộ lực lượng của chúng ta đã rút khỏi thành phố.

Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã làm đảo lộn về thế bố trí chiến lược trên chiến trường, làm phá sản chiến lược “chiến tranh cục bộ”, làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, mở ra điều kiện và thời cơ cho những đòn tấn công tiếp theo mà đỉnh cao là Đại thắng mùa Xuân 1975, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Với việc giữ được thành phố 26 ngày, quân Giải phóng tại Huế đã tạo thành công lớn nhất và giữ được thành phố lâu nhất, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung về chính trị của tổng tiến công và nổi dậy trên toàn Miền.

Nguồn Người Đưa Tin: http://nguoiduatin.vn/vi-tuong-cong-an-va-ky-uc-26-ngay-dem-o-hue-trong-tet-mau-than--a357614.html