Vị tướng đức độ, tài năng

Hơn 80 năm hoạt động cách mạng, trải qua nhiều cương vị khác nhau, Đại tướng Lê Đức Anh luôn đem hết tinh thần, nghị lực và tài năng cống hiến cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của nhân dân ta. Đồng chí là người chỉ huy đức độ, tài năng, có nhiều đóng góp xuất sắc cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Chủ tịch nước Lê Đức Anh với nhân dân xã Phú Ðình, huyện Định Hóa, tỉnh Bắc Thái (tháng 1/1995). Ảnh: Cao Phong/TTXVN

Chủ tịch nước Lê Đức Anh với nhân dân xã Phú Ðình, huyện Định Hóa, tỉnh Bắc Thái (tháng 1/1995). Ảnh: Cao Phong/TTXVN

Hơn 80 năm hoạt động cách mạng, trải qua nhiều cương vị khác nhau, Đại tướng Lê Đức Anh luôn đem hết tinh thần, nghị lực và tài năng cống hiến cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của nhân dân ta. Đồng chí là người chỉ huy đức độ, tài năng, có nhiều đóng góp xuất sắc cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Xuất phát từ mạch nguồn truyền thống yêu nước của quê hương và gia đình, năm 17 tuổi, đồng chí Lê Đức Anh đã tham gia hoạt động cách mạng, làm công tác tuyên truyền, xây dựng cơ sở cách mạng ở Thừa Thiên - Huế, rồi hoạt động bí mật, vận động công nhân đấu tranh chống thực dân Pháp ở đồn điền Lộc Ninh. Tháng 8-1945, đồng chí tham gia đấu tranh giành chính quyền cách mạng. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng chí lần lượt giữ các chức vụ từ trung đội trưởng, chính trị viên tiểu đoàn đến Tham mưu trưởng Khu 7, Khu 8 và Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn, Tham mưu phó, Quyền Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Nam Bộ.

Đầu năm 1964, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta bước vào giai đoạn quyết liệt, để tăng cường công tác lãnh đạo cách mạng miền nam, đồng chí Lê Đức Anh - Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam được phái vào chiến trường miền nam làm Phó Tư lệnh, kiêm Tham mưu trưởng Quân Giải phóng miền nam Việt Nam. Đồng chí trực tiếp thông qua kế hoạch, chỉ đạo lực lượng vũ trang mở chiến dịch Bình Giã (2-12-1964 đến 3-1-1965), tiến công tiêu diệt địch, hỗ trợ cho quần chúng, nhân dân trên địa bàn chiến dịch phá “ấp chiến lược”, mở rộng vùng giải phóng, góp phần thúc đẩy nhanh sự phá sản chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của địch.

Từ giữa năm 1965, đế quốc Mỹ chuyển sang thực hiện chiến lược “chiến tranh cục bộ”. Ở miền nam, chúng liên tiếp mở những cuộc hành quân, tiến công hòng “tìm diệt” bộ đội chủ lực và triệt phá các căn cứ kháng chiến của ta. Đồng chí Lê Đức Anh đã cùng Bộ Chỉ huy Quân Giải phóng miền nam chỉ đạo quân và dân ta vận dụng sáng tạo đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng, tổ chức xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân vững chắc, rộng khắp trên các chiến trường, góp phần đánh bại cuộc phản công mùa khô 1965-1966 của địch.

Đầu năm 1967, quân Mỹ mở cuộc hành quân Gian-xơn Xi-ty vào căn cứ Dương Minh Châu hòng tiêu diệt cơ quan T.Ư Cục miền nam và chủ lực ta. Nắm chắc ý đồ của địch, đồng chí Lê Đức Anh đã cùng Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền nam sáng suốt tham mưu với T.Ư Cục đánh địch bằng phương thức mới, đó là trụ bám và bung ra đánh địch. Đồng chí trực tiếp chỉ đạo các cơ quan xác định phương châm tác chiến là: tổ chức các ấp, xã chiến đấu, trụ bám đánh địch tại chỗ; nơi địch không đến thì bung ra tìm địch mà đánh, bám địch mà diệt, thực hiện tiêu hao địch rộng rãi; chỉ phân tán một trung đoàn, còn hai trung đoàn ở ngoài phối hợp tác chiến chặt chẽ giữa lực lượng trong và ngoài căn cứ. Nhờ tạo được thế chủ động, sáng tạo trong cách đánh, chỉ huy tập trung, thống nhất, quân và dân ta đã đập tan cuộc tiến công quy mô lớn nhất của quân Mỹ trên địa bàn Đông Nam Bộ, bảo vệ được căn cứ.

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, đồng chí Lê Đức Anh được phân công chỉ huy bộ đội ở hướng tây Sài Gòn, từ Long An đánh vào Tổng nha Cảnh sát và Cảnh sát đô thành. Đồng chí chỉ đạo một tiểu đoàn của Long An đánh thọc sâu và kịp thời đưa Trung đoàn 3 vào áp sát quận 6, gần tới Phú Lâm. Các đơn vị hướng tây đã dũng cảm tiến công địch, thọc sâu vào tận quận 5, ở lại một ngày. Trước tình hình địch tập trung lực lượng vây đánh, sau đợt 2, đồng chí đã quyết đoán lệnh cho các đơn vị rút quân ra vùng ven, bảo toàn được lực lượng, tiếp tục chiến đấu.

Sau những nỗ lực của ba đợt Tổng tiến công và nổi dậy trong năm 1968, do địch phản công quyết liệt, cách mạng miền nam đứng trước muôn vàn khó khăn. Đầu năm 1969, đồng chí Lê Đức Anh được cấp trên giao trọng trách Tư lệnh Quân khu 9. Để khôi phục lực lượng và thế trận, đồng chí chỉ đạo lực lượng vũ trang Quân khu kiên quyết “trụ bám đánh địch, bám dân, sống trong dân, làm chỗ dựa cho dân, cùng với dân hình thành lực lượng tổng hợp tiến công địch”. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Lê Đức Anh, quân và dân ta đã đánh bại hai cuộc tiến công của địch vào căn cứ U Minh; chủ động tiến công, tiêu diệt nhiều đồn bốt của địch, từng bước khôi phục thế trận đánh địch.

Sau ngày Hiệp định Pa-ri (tháng 1-1973) được ký, chính quyền Sài Gòn công khai tuyên bố “ngừng chiến, không ngừng bắn”, ráo riết thực hiện kế hoạch “tràn ngập lãnh thổ” hòng xóa bỏ thế trận chiến tranh nhân dân, đẩy lực lượng ta ra khỏi vùng đồng bằng... Trong khi nhiều chiến trường ngừng bắn và bị địch o ép, ở Quân khu 9, đồng chí Lê Đức Anh và Khu ủy - Bộ Tư lệnh Quân khu đã họp đánh giá tình hình, xác định kiên quyết đánh địch vi phạm Hiệp định; quyết không để mất đất, mất dân. Nhờ nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, đánh giá đúng âm mưu, thủ đoạn của địch, đưa ra quyết định đúng đắn, Quân khu 9 đã chặn đứng nhiều đợt tiến công lấn chiếm của địch vào U Minh Thượng, Chương Thiện, bảo vệ được thành quả cách mạng, không bị lâm vào tình cảnh khó khăn như những nơi ngừng bắn. Thực tế đã chứng minh, chủ trương của đồng chí Lê Đức Anh và Khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 9 là đúng đắn, kịp thời.

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, đồng chí Lê Đức Anh được giao làm Phó Tư lệnh Chiến dịch, kiêm Tư lệnh cánh quân Tây - Tây Nam (Đoàn 232) đánh vào Sài Gòn. Đây là hướng phải băng qua rất nhiều cánh đồng sình lầy, chỉ có quốc lộ 4 là con đường giao thông huyết mạch. Nhiệm vụ của hướng này là hình thành thế trận chia cắt quân địch trên tuyến quốc lộ 4, khiến cho địch ở Sài Gòn không thể co cụm xuống cố thủ ở miền Tây Nam Bộ, đồng thời ngăn chặn quân địch ở Quân đoàn 4, Quân khu 4 không thể kéo về ứng cứu cho Sài Gòn, tạo điều kiện cho các cánh quân nhanh chóng giải phóng Sài Gòn.

Ngày 26-4-1975, năm cánh quân ta đồng loạt tiến công vào sào huyệt của địch. Nhờ bố trí lực lượng hợp lý, xây dựng thế trận tiến công chặt chẽ, đồng chí Lê Đức Anh đã chỉ huy các đơn vị Đoàn 232 vượt qua mọi khó khăn, thực hiện thành công nhiệm vụ chia cắt hoàn toàn Sài Gòn với các tỉnh miền tây, khiến toàn bộ Quân đoàn 4 của quân đội Sài Gòn vốn đang còn nguyên vẹn đã không thể nào ứng cứu được Sài Gòn và địch ở Sài Gòn cũng không thể chạy về miền Tây Nam Bộ tiếp tục chiến đấu như dự định của chúng.

Từ ngày 29 đến 30-4-1975, cánh quân Tây - Tây Nam liên tục tiến công, lần lượt đánh chiếm các mục tiêu Bộ Tư lệnh Biệt khu thủ đô, Bộ Tư lệnh Cảnh sát quốc gia, Bộ Tư lệnh hải quân và một số mục tiêu khác, rồi hợp điểm tại Dinh Độc Lập đúng kế hoạch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần vào thắng lợi của trận quyết chiến, chiến lược.

Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước, toàn quân thực hiện giảm biên chế, giải thể nhiều đơn vị. Đồng chí Lê Đức Anh và Bộ Tư lệnh Quân khu 9 đã có quyết định đúng đắn là không giải thể mà giữ nguyên ba sư đoàn (330, 8 và 4), trong đó hai sư đoàn 8 và 4 chuyển sang nhiệm vụ làm kinh tế và sẵn sàng chiến đấu. Vì thế, khi quân Pôn Pốt đánh sang toàn tuyến biên giới tây nam, Quân khu 9 không rơi vào tình trạng bỏ trống địa bàn, kịp thời ngăn chặn địch xâm nhập sâu vào nội địa, rồi chuyển sang tiến công, phản công, đập tan các cuộc tiến công xâm lược của địch.

Từ năm 1980, đồng chí Lê Đức Anh được giao nhiệm vụ Trưởng ban phụ trách công tác Cam-pu-chia, rồi Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam. Suốt hơn bảy năm (1980-1986) thực hiện nhiệm vụ quốc tế tại Cam-pu-chia, đồng chí Lê Đức Anh đã chỉ huy Quân tình nguyện Việt Nam vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, hy sinh, cùng quân và dân Cam-pu-chia từng bước đánh bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực phản động nhằm khôi phục chế độ diệt chủng; giúp nhân dân bạn vượt qua nạn đói, bệnh dịch, từng bước khôi phục sản xuất, ổn định đời sống, hồi sinh đất nước; đồng thời, giúp Đảng Nhân dân Cam-pu-chia xây dựng lực lượng vũ trang, chính quyền cách mạng và các tổ chức đoàn thể đủ sức tự đảm đương nhiệm vụ quản lý, xây dựng và bảo vệ đất nước.

Từ năm 1987 đến 1991, với cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự T.Ư, Bộ trưởng Quốc phòng, Đại tướng Lê Đức Anh đã nghiên cứu, tham mưu với Bộ Chính trị nhiều chủ trương, giải pháp đúng đắn về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ đất nước trong tình hình mới; chỉ đạo xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân, xây dựng quân đội nhân dân tinh, gọn, mạnh, góp phần đấu tranh, phòng chống, làm thất bại chiến tranh phá hoại nhiều mặt của các thế lực thù địch, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Trước những diễn biến phức tạp ở Biển Đông, đồng chí đã cùng tham gia và trực tiếp chỉ đạo lực lượng hải quân gấp rút tăng cường lực lượng, phương tiện, xây dựng hệ thống phòng thủ, kiên quyết chiến đấu bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Đại tướng Lê Đức Anh là người chỉ huy luôn nắm vững và vận dụng sáng tạo đường lối chiến tranh nhân dân, nghệ thuật quân sự của Đảng vào thực tiễn chiến trường. Đồng chí là nhà quân sự tài năng, vị tướng có tầm nhìn chiến lược, tư duy phân tích thực tiễn nhạy bén, kịp thời đưa ra quyết định đúng đắn và chính xác ở những thời điểm quan trọng. Trong bất cứ tình huống và nhiệm vụ nào, đồng chí luôn kiên định, nêu cao quyết tâm chiến đấu, biết tìm cách khắc phục khó khăn, nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ Đảng, quân đội và nhân dân giao phó.

Đồng chí Đại tướng Lê Đức Anh nêu một tấm gương sáng về phẩm chất đạo đức cách mạng, lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc và nhân dân; về tinh thần tiến công cách mạng, tư duy sáng tạo, quyết đoán của người chiến sĩ cộng sản trước mọi khó khăn, thử thách. Noi gương Đại tướng Lê Đức Anh, mỗi cán bộ, chiến sĩ ra sức học tập, rèn luyện, đem sức lực và trí tuệ cống hiến cho sự nghiệp xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, sẵn sàng đánh bại chiến tranh xâm lược của kẻ thù, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thiếu tướng, TS Nguyễn Hoàng Nhiên
Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/40008302-v%E1%BB%8B-tu%C3%B3ng-d%C3%BAc-d%E1%BB%8D-t%C3%A0i-nang.html