Vị tướng đứng giữa vòng xoáy bạo lực tại Sudan

Từ một người buôn bán lạc đà và đồ nội thất, Mohamed Hamdan Dagalo đã có bước thăng tiến thần tốc để trở thành một trong những lãnh đạo hàng đầu trong chính quyền quân sự ở Sudan.

Theo Guardian, tình trạng bạo lực đã bùng phát trong quá trình chuyển giao quyền kiểm soát Sudan về tay chính quyền dân sự khi căng thẳng leo thang giữa 2 con người quyền lực nhất tại quốc gia châu Phi này.

Một trong 2 người này là tướng Mohamed Hamdan Dagalo, người đứng thứ 2 trong chính quyền và chỉ huy Lực lượng Phản ứng nhanh (RSF), nhóm bán vũ trang lớn nhất tại Sudan.

Dagalo (còn được gọi là Hemedti) và chỉ huy quân đội Sudan Abdel Fattah al-Burhan đã cùng chia sẻ quyền lãnh đạo Sudan sau khi đảo chính lật đổ lực lượng dân sự khỏi chính phủ lâm thời của nước này vào năm 2021.

Tuy nhiên, liên minh trên nhanh chóng xuất hiện những rạn nứt khiến 2 vị tướng thường xuyên có sự nghi ngờ lẫn nhau, dẫn đến xung đột bùng phát hôm 15/4.

Hemedti lần đầu được biết tới rộng rãi trên chính trường Sudan vào 4 năm trước. Chỉ trong một thời gian ngắn, vị tướng này đã kéo quân đội Sudan và toàn bộ quốc gia này chìm vào một cuộc xung đột chưa từng có tiền lệ.

Một người ngoài cuộc

Hemedti là một người xa lạ đối với giai cấp cầm quyền của Sudan. Nếu chỉ là một chính trị gia cấp trung tại Sudan, ông sẽ bị nhiều người chú ý do phong cách riêng biệt và lí lịch của mình.

Khác với những nhà lãnh đạo khác của Sudan, ông Hemedti chỉ sử dụng tiếng địa phương trong giao tiếp. Vị tướng này nói tiếng Arab với một ngữ điệu đặc trưng của những bộ lạc sống tại khu vực miền Tây hẻo lánh của Sudan. Những bộ lạc này sống rất xa thủ đô Khartoum, quê hương của nhiều lãnh đạo trong lịch sử nước này.

Hemedti có khuôn mặt khác biệt so với những chính trị gia khác tại Sudan với nước da sáng và một nụ cười bí hiểm, đi cùng danh tiếng là một người tàn bạo. Biệt danh Hemedti của Dagalo - có nghĩa là "Mohamed bé nhỏ" - cũng ám chỉ những đặc điểm trên khuôn mặt của ông.

Xuất thân của Hemedti là yếu tố chính khiến ông không có đồng minh trong chính trường Sudan. Tuy nhiên, với việc là chỉ huy của lực lượng RSF có 70.000 quân, yếu tố trên vẫn chưa ảnh hưởng đến con đường chính trị của vị tướng này.

Quá khứ bí ẩn

Giống với nhiều người khác sống tại những vùng hẻo lánh của Sudan, ngày sinh và nơi Hemedti được sinh ra không được biết đến do không có trong các hồ sơ chính thức. Nhiều người tin rằng vị chỉ huy của RSF đang ở độ tuổi gần 50.

Theo Hemedti, ông được sinh ra ở Sudan. Tuy nhiên, gia đình của vị tướng này được cho là những người tị nạn, chạy trốn tình trạng hạn hán và xung đột tại Chad trước khi di cư đến vùng Darfur của Sudan vào những năm 1980.

Sau khi bỏ học từ lớp 3, Hemedti cho biết đã trở thành một thương nhân buôn bán lạc đà tại khu vực biên giới của Sudan với Lybia và Ai Cập. Tuy nhiên, nhiều người đã bày tỏ sự nghi ngờ tuyên bố của ông.

"Bạn không tìm thấy bất kỳ ai ở vùng Darfur làm chứng cho việc ông ấy là một người buôn lạc đà", Neimat al Mahdi, một cư dân ở miền Bắc Darfur cho biết.

Khói bốc lên tại sân bay ở Khartoum, Sudan. Ảnh: Reuters.

"Ông ta là một tên cướp. Cha tôi từng là một quan chức cấp cao trong khu vực Darfur. Những nhà buôn lạc đà phải đến thị trấn của chúng tôi để mua bảo hiểm cho hàng hóa trước khi khởi hành đến vùng biên giới. Thông tin của họ đều được lưu lại. Những con lạc đà mà Hemedti sở hữu là do ông ta cướp của người khác", bà bổ sung.

Sau khi làm công việc buôn bán lạc đà và cừu, Hemedti đã mở rộng sang buôn bán đồ nội thất với một cửa hàng lớn tại thành phố Nyala.

Đây có thể là điểm kết thúc trong sự nghiệp của Hemedti nếu như không có cuộc nổi dậy của người dân vùng Darfur vào năm 2003.

Chỉ huy lực lượng Janjaweed

Do tình trạng hạn hán kéo dài và bị đối xử bất công, cộng đồng người dân tộc thiểu số tại khu vực Darfur đã nổi dậy chống chính quyền Sudan.

Chính phủ của Tổng thống Omar al-Bashir - nhà độc tài quân sự đã cầm quyền trong 30 năm tại Sudan trước khi bị lật đổ vào năm 2019 - đã sử dụng nhóm vũ trang Janjaweed làm lực lượng đàn áp cuộc nổi dậy này.

Nhóm vũ trang Janjaweed - với phần lớn thành viên là người Arab - thường được biết tới với các hành vi bạo lực, bóc lột người dân và vơ vét tài nguyên tại các vùng hẻo lánh của Sudan.

Cuộc đời của Dagalo đã rẽ sang một chương mới sau khi ông gia nhập nhóm vũ trang Janjaweed. Ảnh: Reuters.

Vào năm 2003, Hemedti, lúc này ở cuối độ tuổi 20, đã gia nhập nhóm vũ trang Janjaweed. Trong cuộc phỏng vấn với truyền hình Sudan, Hemedti cho biết ông gia nhập nhóm vũ trang này sau khi một số người thân bị lực lượng nổi dậy sát hại,

Nhờ vào liên kết của gia đình với các nhóm vũ trang người Arab cũng như mối quan hệ được xây dựng trong công việc kinh doanh, Hemedti đã nhanh chóng bước lên hàng ngũ chỉ huy của Janjaweed.

"Năm 2005 là khoảng thời gian tồi tệ nhất. Các tay súng Janjaweed sẽ vào một ngôi làng của cộng đồng người da đen và giết hại toàn bộ nam giới. Những người phụ nữ thì bị các tay súng này cưỡng hiếp", Neimat al Mahdi, một cư dân của thị trấn Kabkabiya trả lời Guardian.

Vào năm 2007, Hemedti đã dùng quyền lực mà bản thân đã tích lũy được tại vùng Darfur để tống tiền chính phủ Sudan, đe dọa sẽ hợp tác cùng lực lượng nổi dậy trong khu vực này nếu yêu cầu của ông không được chấp thuận.

Chính quyền trung ương đã phải chấp thuận các yêu cầu của Hemedti, cung cấp ngân sách, vũ khí và quân phục cho nhóm bán vũ trang Janjaweed. Nhóm vũ trang này cũng trở thành một lực lượng chính thức của Sudan, nằm dưới sự chỉ huy của Dịch vụ An ninh và Tình báo.

Trong khi đó, Hemedti, từng chỉ là lãnh đạo của một nhóm vũ trang, giờ đây được thăng hàm lên chuẩn tướng. Sau khi tống tiền thành công chính phủ Sudan, trong những năm sau đó, quyền lực của vị tướng này đã tăng theo cấp số nhân.

Vào năm 2013, cựu Tổng thống Bashir đã quyết định cải tổ nhóm vũ trang Janjaweed thành lực lượng RSF với mục đích tạo ra một đội quân riêng nhằm bảo vệ nhà lãnh đạo này khỏi những âm mưu lật đổ trong chính quyền Sudan. Ngoài ra, RSF, với sự hỗ trợ của không quân Sudan, cũng là lực lượng chuyên trách để đàn áp các cuộc nổi dậy trong nước.

Nhờ vào vị trí chỉ huy RSF, tướng Mohamed Hamdan Dagalo đã tích cực vơ vét của cải và tích lũy quyền lực để trở thành một trong những nhà lãnh đạo cao cấp nhất ở Sudan sau cuộc đảo chính năm 2021. Ảnh: Reuters.

Trong vai trò chỉ huy của RSF, Hemedti đã được cựu Tổng thống Bashir cho hưởng nhiều đặc ân. Vị tướng này sở hữu một công ty khai thác vàng với những khu mỏ tại những vùng đất giàu tài nguyên mà ông chiếm được ở Darfur vào năm 2017.

Vào năm 2018, Tổng thống Bashir đã cho phép ông khai thác và bán số vàng này. Trong một video được chia sẻ vào năm 2022, em họ của Hemedti cho biết gia đình Dagalo đã trở thành "một trong những gia tộc giàu nhất ở châu Phi".

Dù hưởng những đặc quyền trên, Hemedti vẫn tham gia lật đổ Tổng thống Bashir vào năm 2019 và cuộc đảo chính giải tán chính quyền dân sự vào năm 2021 nhằm giành thêm quyền lực cho bản thân.

Với các cuộc xung đột trong tháng 4 vừa qua, dường như vị chỉ huy của lực lượng RSF đang hướng tới một mục tiêu mới, trở thành người lãnh đạo tối cao của quốc gia châu Phi này.

An Bình

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vi-tuong-dung-giua-vong-xoay-bao-luc-tai-sudan-post1424962.html