Vì Việt Nam, vì hòa bình

Sự đồng hành và ủng hộ của nhân dân thế giới đã tạo nên sức mạnh và động lực để Việt Nam giành được hòa bình, thống nhất đất nước. Phong trào phản chiến từng làm 'dậy sóng' nước Mỹ thời kỳ chiến tranh Việt Nam cách đây hơn nửa thế kỷ đã cho thấy có không ít những trái tim vì Việt Nam, vì hòa bình.

Việt Nam không phải là một cuộc chiến tranh mà là một đất nước, một dân tộc

Nhà hoạt động vì hòa bình Tom Hayden đã là một trong những người Mỹ đầu tiên sớm thấy rằng Việt Nam không phải là một cuộc chiến tranh mà là một đất nước, một dân tộc.

Từng là Thượng nghị sĩ bang California, giảng viên tại nhiều trường đại học danh tiếng như: Đại học California, Los Angeles, Scripps College, Pitzer College, Viện chính trị Havard đồng thời là một cây bút sắc sảo với khoảng 20 cuốn sách, tuy nhiên, điều khiến Tom Hayden trở thành một cái tên quen với dư luận thế giới là những hoạt động tích cực của ông vì Việt Nam, phản đối chiến tranh Việt Nam như: tham gia nhiều buổi nói chuyện phản đối chiến tranh, kêu gọi Quốc hội Mỹ cắt bỏ ngân sách cho cuộc chiến, kêu gọi chính quyền Mỹ bấy giờ rút quân khỏi Việt Nam tham gia Hội nghị Brastislava tố cáo tội ác của Mỹ và đòi hòa bình cho Việt Nam…

 Ông Tom Hayden và Nghệ sỹ Jane Fonda năm 1972. (Nguồn: AP)

Ông Tom Hayden và Nghệ sỹ Jane Fonda năm 1972. (Nguồn: AP)

Năm 1965, khi cuộc chiến tranh leo thang của Mỹ ngày càng ác liệt ở Việt Nam, ông Hayden đã cùng nhiều nhà hoạt động vì hòa bình tới thăm Việt Nam. Trở về nước, ông đã cùng các bạn viết cuốn sách đầu tiên về Việt Nam “Phía bên kia” (Another Side) kể lại những điều mắt thấy, tai nghe ở miền Bắc Việt Nam, giúp người Mỹ nhận thức đúng về cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.

Một điều rất thú vị là từ việc tham gia các hoạt động đòi chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình tại Việt Nam, ông Tom Hayden đã gặp nữ nghệ sĩ nổi tiếng Jane Fonda. Cùng chí hướng, cùng lý tưởng, giữa họ đã nảy nở tình yêu. Điều thú vị hơn nữa là năm 1973, trái ngọt từ mối tình ấy, cậu con trai của Tom Hayden và Jane Fonda đã ra đời và được đặt tên Troy Garity - theo tên của người anh hùng Nguyễn Văn Trỗi.

15.000 người tham gia biểu tình tại thành phố California, Mỹ, đòi chính phủ Mỹ chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam, ngày 15/10/1965.

“La Jeune Fille a la Fleur" - Bông hoa trước họng súng

Năm 1967, ở tuổi 17, cô gái người Mỹ Jan Rose Kasmir có lẽ cũng không thể ngờ mình sẽ là nhân vật chính của một trong những bức ảnh phản chiến ấn tượng nhất thế kỷ 20 do nhiếp ảnh gia người Pháp Marc Riboud thực hiện.

Câu chuyện của Jan Rose Kasmir cũng khá đặc biệt. Ở tuổi 17, cô gái trẻ tham gia phong trào biểu tình phản đối chiến tranh Việt Nam, bởi trong suy nghĩ của cô lúc ấy, cuộc chiến đó là hoàn toàn phi nghĩa và nước Mỹ không nên can thiệp vào tình hình Việt Nam lúc bấy giờ. Một ngày tháng 10/1967, Jan Rose Kasmir có mặt trong đoàn biểu tình trước Lầu Năm Góc.

Theo hồi ức của Jan Rose Kasmir, khi đoàn biểu tình trong đó có cô tiến tới Lầu Năm Góc, lực lượng quân đội quốc gia đang xếp thành hàng, ngăn những người biểu tình tiến vào sâu hơn. Có vài người đang cầm những bông hoa, Jan Rose Kasmir đã cầm lấy một bông, cầm bông hoa tiến gần tới trước mặt những người đang cầm súng.

Sau này, Jan Rose Kasmir cho biết cô không biết ai đã chụp bức hình đó, mãi sau này khi cha cô mua một tờ tạp chí và thấy bức hình con gái mình được in trong đó, cô mới biết về bức ảnh và cũng không thể ngờ, bức ảnh với cái tên đầy sức gợi “La Jeune Fille a la Fleur - cô gái và bông hoa” lại trở nên nổi tiếng đến vậy.

Jan Rose Kasmir trong bức ảnh nổi tiếng “La Jeune Fille a la Fleur”.

Điều thú vị là hành động mang tính biểu tượng “cầm bông hoa trước mũi súng” không chỉ mình Jan Rose Kasmir đã làm. Theo lời kể của Bill Zimmerman, một trong những người tham gia cuộc biểu tình phản đối chiến tranh Việt Nam trước Lầu Năm Góc năm 1967, với tờ Guardian (Anh), ông đã từng chứng kiến một nam thanh niên mặc áo len đang cầm theo bó hoa.

“Đột nhiên, người hùng này đặt bông hoa vào nòng khẩu súng trường đang nhắm vào đầu mình và tất cả mọi người ở hai phía đều bỏ vũ khí” - ông Zimmerman nhớ lại. Khoảnh khắc đặt bông hoa lên họng súng đó đã được ghi lại và lan truyền trên truyền thông, tuy nhiên không ai biết tên chàng trai ngày đó.

Những hành động như của Jan Rose Kasmir hay chàng trai bí ẩn ấy thật giản dị, mang tính biểu tượng nhưng ý nghĩa mang lại thật lớn lao. Có lẽ khi thực hiện những hành động ấy, những người như Jan Rose Kasmir hay chàng trai ấy chẳng màng nổi tiếng, với họ, lúc đấy, đơn giản là một hành động để biểu thị niềm căm ghét với súng đạn, chiến tranh. Họng súng với bông hoa - sự tương phản ấy để con người thêm yêu quý, trân trọng hơn với hòa bình.

Rải truyền đơn bằng máy bay để phản đối chiến tranh

Người làm chuyện “chẳng mấy ai từng làm” ấy là Susan Schnall – một nữ y tá Mỹ. Trong chuyến thăm Việt Nam năm 2006 và đón nhận “kỷ niệm chương vì hòa bình, hữu nghị giữa các dân tộc” do Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam trao tặng, bà Susan Schnall kể lại rằng, hồi đó, năm 1967, bà đang tham gia hải quân Mỹ, làm y tá ở California, chữa bệnh cho các thương binh trở về từ chiến trường Việt Nam. Ngày ngày chăm sóc vết thương cho thương binh có dịp lắng nghe các câu chuyện từ họ, nữ y tá trẻ người Mỹ dần nhận ra rằng dường như những gì xảy ra tại chiến trường miền Nam Việt Nam thật khác so với những gì Chính phủ Mỹ đang cố thuyết phục người dân Mỹ. Những câu chuyện của những binh lính Mỹ, như chuyện họ đã giết người như thế nào đã khiến Susan Schnall thấy căm ghét chiến tranh, thấy mình phải làm một điều gì đó.

“Tôi biết máy bay B52 Mỹ thả truyền đơn kêu gọi binh lính Việt Nam đào ngũ. Vì thế tôi muốn dùng cách tương tự, sử dụng máy bay để thể hiện quan điểm của mình trên chính đất Mỹ. Một người bạn của tôi là phi công, tôi mượn máy bay của bạn ấy” - Susan Schnall kể lại nguyên cớ dẫn tới hành động “có một không hai của mình”.

Y tá Hải quân Susan Schanall phát biểu tại cuộc diễu hành vì Hòa bình tại Vịnh San Francisco ngày 12 tháng 10 năm 1968. (Nguồn: baotangchungtichchientranh.vn)

“Ngày 12/10/1968, chúng tôi chất đầy lên máy bay truyền đơn nói về buổi diễu hành hòa bình của các binh lính và cựu chiến binh ở San Francisco, sẽ diễn ra hai ngày sau đó. Từ độ cao vài trăm mét, chúng tôi bắt đầu mở cửa máy bay để thả truyền đơn tại các căn cứ quân sự vùng Vịnh San Francisco, tàu sân bay USS Enterprise, và bệnh viện Hải quân Oak Knoll, nơi tôi làm việc. Sau đó, chúng tôi tổ chức một cuộc họp báo để nhân dân Mỹ hiểu rằng đã có những binh sĩ Mỹ phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Tại nơi biểu tình vì hòa bình, Susan luôn mặc bộ đồ y tá và hô vang khẩu hiệu “Hãy đưa những người con trai của nước Mỹ còn sống trở về nước” - Susan Schnall nhớ lại.

Tháng 2/1969, vì hành động của mình, Susan Schnall bị tòa án binh kết án 6 tháng tù giam và đuổi khỏi quân đội.

Một điều rất thú vị là người phụ nữ phản chiến ấy sau này lại trở thành Chủ tịch Hội Cựu chiến binh vì hòa bình của New York. Vào ngày 25/5 hằng năm, các cựu binh tại New York tổ chức gặp mặt ở công viên Battery để ôn lại những ký ức đau thương của những người đã đi qua chiến tranh và nhắc nhở những người Mỹ được may mắn sống trong hòa bình về cái giá quá đắt của chiến tranh.

Trước đó, bà Susan Schnall làm việc cho Quỹ Cứu trợ Y tế cho Đông Dương, tổ chức chuyên cung cấp hàng cứu trợ và thuốc men cho các nạn nhân trong cuộc chiến của Mỹ ở Đông Dương và một số bệnh viện của Việt Nam. Năm 1972, bà thuyết phục tổ chức này quyên góp và chuyển 3.000 USD cho chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Bà hợp tác với tổ chức Vietnam Agent Orange Relief and Responsibility Campaign (Tổ chức Trách nhiệm và Cứu trợ nạn nhân da cam Việt Nam) và Hội Cựu chiến binh Mỹ đi tới nhiều nơi ở Việt Nam, phỏng vấn những người bị nhiễm chất độc da cam và hỗ trợ những nỗ lực làm sạch chất độc da cam ở Việt Nam. “Chiến tranh, rồi tham gia phản chiến, đã thay đổi cuộc đời tôi” - bà Susan Schnall tâm sự.

Nguyễn Thư

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/vi-viet-nam-vi-hoa-binh-post244150.html