'Vị vua' của cuộc sống về đêm ở New York

Trước khi Peter Gatien đến thành phố không ngủ và mở các quán bar hoạt động muộn, đời sống giải trí của giới trẻ New York còn khá tẻ nhạt, khu trung tâm kém sôi động về đêm.

Peter Gatien là người được mệnh danh là “vua của cuộc sống về đêm ở New York”, theo NY Times. Người đàn ông sinh năm 1952 từng là chủ sở hữu nhiều câu lạc bộ, quán bar nổi tiếng tại Big Apple, và có công xây dựng ngành công nghiệp giải trí nightlife ở thành phố.

Tạp chí Billboard từng nhận định: “Ít ai biết rõ hơn về sự phát triển của cuộc sống về đêm ở New York hơn Peter Gatien, ông chủ hộp đêm một thời, người ở thời kỳ đỉnh cao đã điều hành 4 câu lạc bộ lớn ở khu Manhattan. Nếu bạn ở New York và trong độ tuổi tiệc tùng vào những năm 1990, bạn gần như chắc chắn đã dành thời gian ở một hoặc nhiều địa điểm của Gatien”.

Đến giờ, danh xưng ấy vẫn chưa có người thay thế. Nhiều quán bar hiện giờ ở thành phố không ngủ vẫn được truyền cảm hứng từ Gatien. Tuy nhiên, về sau, chính ông bị chính quyền New York trục xuất khỏi nơi ông đã mang lại cho nó vẻ sôi động.

Miếng bịt mắt đặc trưng của Peter Gatien.

Người "xây" ngành nightlife cho New York

Gatien sinh ra ở Cornwall, Ontario (Canada), là con trai giữa trong gia đình có 5 con trai. Năm lên 6 tuổi, trong lúc chơi trò bóng ném, một tai nạn xảy ra khiến người đàn ông bị mù bên mắt trái.

Về sau, hình ảnh Gatien trong các bộ đồ thời trang, đầu đeo một miếng dán che mắt màu đen giống các tên cướp biển, trở thành thương hiệu đóng đinh với danh xưng “ông hoàng cuộc sống về đêm”. Lời bài hát của rapper Jay-Z từng lấy cảm hứng từ nhân vật này: “Tôi và nhóm bạn chạy khắp đêm đêm ở New York với một mắt nhắm như Peter Gatien”.

Khởi điểm, Gatien tập tành kinh doanh với một cửa hàng bán quần jean ở địa phương. Số tiền lời từ đó được ông biến thành vốn xây dựng một quán pub ở quê nhà – CLB đêm đầu tiên trong sự nghiệp.

Đến cuối những năm 1970, Gatien bắt đầu mở rộng địa bàn kinh doanh ra ngoài biên giới, đồng thời là “miếng bánh béo bở”: nước Mỹ. Hộp đêm đầu tiên có tên là Limelight ở bang Florida, mở đường cho chi nhánh tiếp theo ở Atlanta.

Vào thời kỳ nở rộ của nhạc disco, những nơi này đón tiếp nhiều nhóm khách hàng là người nổi tiếng. Việc làm ăn khởi sắc, Gatien “tấn công” thị trường ở New York, Chicago và cả London (Anh).

Madonna (trái) và nhóm Club Kids tham dự tiệc ở quán bar của Gatien.

Theo Rolling Stone, trước khi Twitter, Tinder và TikTok ra đời, thậm chí trước khi Internet thịnh hành, văn hóa giới trẻ ra đời trong các CLB như của Peter Gatien. Ở đó, các nhà thiết kế thời trang tìm ra nguồn cảm hứng cho buổi diễn tiếp theo của họ. Các nhà sản xuất âm nhạc tìm ra chất liệu cho bản hit kế tiếp.

Cánh báo giới, truyền thông khi đó từng ra ngoài hàng đêm, lui tới những nơi ăn chơi nhất ở thành phố để tìm hiểu giới trẻ, người nổi tiếng đang đi đâu, làm những gì và tại sao họ lại thích chúng.

Trong đó, “bộ tứ” hộp đêm ở New York là các cái tên đình đám nhất, tạo dựng thời kỳ huy hoàng cho người đàn ông Canada: Club USA, The Limelight , Palladium và Tunnel.

Palladium (nay là ký túc xá của Đại học New York) nằm trên đường 14, Tunnel nằm ở phía tây thành phố gắn với biệt danh “vùng đất linh thiêng của Hip hop", đóng vai trò như một hội quán tụ tập dành cho nhóm thiểu số trong xã hội, cụ thể là người da màu.

Tunnel khi đó trở thành không gian an toàn ở trung tâm thành phố Manhattan cho cộng đồng người Mỹ gốc Phi trẻ tuổi. Các tên tuổi nổi tiếng sau này như Dr.Dre, Lil 'Kim, 50 Cent, Missy Elliott, Jay-Z, Nas và Snoop Dogg đều từng thường xuyên ghé nơi này chơi vào cuối tuần.

Peter Gatien chụp bên cạnh Donald Trump (trái).

Nổi tiếng nhất là Limelight, hộp đêm được xây dựng trên nền cũ là một nhà thờ theo phong cách Gothic, nằm trên Đại lộ số 6 tại Phố 20 khu dân cư Chelsea.

"Khi mở Limelight, khu vực xung quanh đầy rẫy những tòa nhà bỏ hoang. Thực sự không có gì ở đó. New York vẫn hoang vắng về đêm, còn khu phố 20 chỉ có những cửa hàng, nhà máy hoạt động vào ban ngày. Không có nhà hàng, siêu thị, nó giống như một ốc đảo", ông nhớ lại.

Bị trục xuất khỏi Mỹ

Giai đoạn huy hoàng của "ông vua cuộc sống về đêm ở New York" kéo dài trong suốt 2 thập kỷ và tàn lụi dần, sau khi Rudy Giuliani lên nắm quyền thị trưởng của thành phố và quyết tâm dẹp bỏ "đế chế" của Gatien.

Năm 1998, cảnh sát New York cáo buộc Gatien biến các hộp đêm của mình thành tụ điểm sử dụng chất cấm, "siêu thị ma túy ngay giữa trung tâm thành phố".

"Chủ sở hữu của 4 hộp đêm lớn nhất Manhattan đã bị buộc tội biến hai trong số đó, Limelight và Tunnel, thành nơi bán loại thuốc kích thích có tên Ecstasy. Nhiều khách hàng là sinh viên đại học, trẻ vị thành niên", New York Post đưa tin.

Gatien hiện sống ở Toronto (Canada), sau khi bị trục xuất khỏi Mỹ. Năm 2020, ông cho ra mắt cuốn hồi ký The Club King nói về đế chế kinh doanh một thời. Ảnh: NY Times.

Nhờ luật sư, Gatien được tuyên bố trắng án tội buôn bán và tàng trữ ma túy. Thực tế, về sau, chính ông lên tiếng về việc chất kích thích có mặt trong mọi cơ sở của mình, gọi đó là "phần không thể thiếu của cuộc sống về đêm".

Song, các buộc khác tiếp tục xuất hiện. Đến năm 1999, ông bị điều tra tội trốn thuế.

Năm 2002, tòa án kết luận ông có tội và một năm sau, Gatien bị trục xuất về quê nhà Canada, với đúng 500 USD trong túi. Các CLB đình đám một thời nhanh chóng lụi tàn, chuyển đổi sang hình thức kinh doanh khác.

Trong những chuyến thăm lại New York về sau, "ông hoàng của các quán bar, club" thường tránh đi ngang qua nơi từng là hộp đêm Limelight. Sau khi đóng cửa, nó trải qua quá trình cải tạo thành nhà hàng, cửa hàng thời trang, phòng gym trong nhiều năm.

"Những nơi đó rất có ý nghĩa với tôi. Tôi đã gắn bó với New York suốt 20 năm. Thông thường, các hộp đêm chỉ được yêu thích trong vài năm ngắn ngủi, trước khi giới trẻ đổ đến những nơi mới mẻ hơn", Gatien trả lời phỏng vấn của NY Times vào năm 2020.

Cũng trong bài phỏng vấn đó, Gatien khẳng định không bao giờ quay lại kinh doanh hộp đêm nữa.

"Tôi được nhiều quán bar, club ở Las Vegas tiếp cận nhưng đều từ chối. Ngành công nghiệp giải trí về đêm giờ là trò chơi của những người trẻ".

Hiền Thy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vi-vua-cua-cuoc-song-ve-dem-o-new-york-post1429359.html