Vị vua mang tên chuyến đi lớn

Lên ngôi trong tình thế đất nước biến loạn, họa ngoại xâm cận kề, vua nhanh chóng ổn định nội trị, đánh tan ngoại xâm. Đất nước thanh bình, vua chú trọng bang giao, mở mang khuyến khích nông nghiệp. Cuộc đời và sự nghiệp của vua vượt ngoài mọi thước đo Nho giáo. Tiếc là không lo được cho sự kế nghiệp lâu dài nên khi vua băng hà, con cái mải tranh nhau ngôi vua không đặt tên thụy nên vua mãi đi vào lịch sử với cái tên tạm: Lê Đại Hành hoàng đế.

Tượng Hoàng đế Lê Đại Hành tại khu di tích Bạch Đằng Giang.

Vượt qua lễ giáo

Ngày nay, Hoàng đế Lê Đại Hành (941-1005) được nhiều tỉnh thành lập đền thờ. Trong 48 nơi thờ vua của nhiều tỉnh, Ninh Bình là tỉnh nhiều nhất khi có tới 13 nơi thờ. Ninh Bình cũng được một số sử gia coi là quê hương của vua.

Ngoài ra, hai tỉnh khác là Hà Nam (xã Bảo Thái, huyện Thanh Liêm) và Thanh Hóa (xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân) cũng được sử sách và truyền tụng là quê hương của hoàng đế Lê Đại Hành. Tuy nhiên, ở Hà Nam chỉ có 3 di tích và Thanh Hóa có 2 di tích thờ vua.

Sách Việt sử lược ghi: “Đại hành vương húy là Hoàn, họ Lê, người Trường Châu (Ninh Bình), cha là Mịch, mẹ họ Đặng, khi xưa có nằm mộng thấy trong bụng có cánh hoa sen, bồng chốc kết thành hạt, hái lấy chia cho mọi người còn mình không ăn, khi tỉnh dậy không hiểu nguyên do thế nào”.

Đến khi sinh ra Lê Hoàn, bà hiểu ra, bèn nói với mọi người rằng: “Thằng bé này lớn lên, ta sợ không kịp hưởng lộc của nó”. Được vài năm, cha mẹ qua đời, Lê Hoàn một mình sống trong cảnh nghèo khổ.

Sau đó, ông được viên quan án sát cũng họ Lê nhận làm con nuôi và cho ăn học.

Tương truyền một đêm trời rét, Lê Hoàn nằm khom cho đỡ lạnh để ngủ. Trong đêm, viên quan án sát tỉnh dậy thấy ánh sáng tỏa ra từ chỗ Lê Hoàn nằm. lặng lẽ để ý, quan án sát thấy có rồng vàng che ấp bên trên…

Khi trưởng thành, Lê Hoàn đầu quân cho Nam Việt vương Đinh Liễn. Đinh Bộ Lĩnh trông thấy, khen ngợi là trí dũng rồi giao cho cai quản 1000 quân. Đến khi Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế năm 968, Lê Hoàn được cất nhắc.

Đến năm 971, Đinh Tiên Hoàng phong cho Lê Hoàn chức vụ Thập đạo tướng quân. Nguyễn Bặc là Định Quốc Công, Lưu Cơ làm Đô hộ phủ Sĩ sư, Tăng thống Ngô Chân Lưu được ban hiệu Khuông Việt đại sư…

Đang khi triều đình ổn định thì nội biến. Tháng 10 năm 979, Hoàng đế Đinh Tiên Hoàng và Nam Việt Vương Đinh Liễn bị hành thích trong nội cung. Đỗ Thích – người bị coi là nghi can ngay lập tức bị giết chết. Sau đó, Vệ vương Đinh Toàn lên nối ngôi (khi mới 6 tuổi). Lê Hoàn làm nhiếp chính đảm đương việc nước, xưng là Phó Vương.

Thấy Lê Hoàn thao túng triều đình, và e ngại việc tiếm ngôi sẽ xảy ra bất cứ lúc nào nên Định Quốc Công Nguyễn Bặc, ngoại giáp Đinh Điền, Phạm Hạp bèn dấy binh, chia hai đường thủy bộ, muốn tiến về kinh đô giết Lê Hoàn. Không ngờ, với tài thao lược, Lê Hoàn lần lượt đánh tan đội quân của Nguyễn Bặc, Đinh Điền và Phạm Hạp.

Thấy Đại Việt lục đục, quan lại nhà Tống bèn tâu lên hoàng đế nhà Tống xin cất quân xâm chiếm. Trước tình thế đất nước nguy nan, tướng quân Phạm Cự Lượng (em của Phạm Hạp) đã đứng trước ba quân đề nghị Hoàng đế Đinh Toàn nhường ngôi cho Phó vương Lê Hoàn. Ba quân reo hò cổ vũ. Vì vậy, trước thềm rồng, Thái hậu Dương Thị Vân (người đời sau gán cho tên là Dương Vân Nga) đã khoác áo long cổn lên người Lê Hoàn…

Và ngay khi lên ngôi, Lê Hoàn đã lấy ngay Dương Thị Vân, mẹ của Đinh Toàn làm hoàng hậu. Điều này rất lỗi đạo theo quan điểm Nho giáo.

Và có lẽ từ đây, thiên hạ bắt đầu nảy sinh nhiều câu chuyện dị nghị về cái chết của hai cha con Đinh Tiên Hoàng có thể do âm mưu của Lê Hoàn?.

Có ý kiến còn đi quá xa khi cho Đinh Toàn là con của Lê Hoàn và Dương Thị Vân chứ không phải con của Đinh Tiên Hoàng. Thậm chí, người dân còn bịa ra câu chuyện mỗi dịp lễ hội, khi rước kiệu Hoàng đế Lê Đại Hành và hoàng hậu Dương Thị Vân sang đền Hoàng đế Đinh Tiên Hoàng thì tượng Dương Thị Vân lại toát mồ hôi…

Phá Tống, bình Chiêm, dựng nước

Năm 980, quân Tống lăm le tràn vào xâm lược Đại Cồ Việt. Hoàng đế Lê Hoàn tỏ ra không hề run sợ. Con người xuất chúng đó được Tống Cảo – sứ giả nhà Tống mô tả khi sang Đại Cồ Việt là: “một con người mắt lé, hung hãn và có chí vác cả núi, ngăn cả bể” một mặt dùng đường lối ngoại giao mềm dẻo kéo dài thời gian chuẩn bị, mặt khác tích cực củng cố các thành trì và xây dựng thành Đồ Lỗ (Bình Lỗ).

Thành Đồ Lỗ ở đâu, cho đến nay còn gây ra một số tranh cãi. Tuy nhiên, giả thiết thành Đồ Lỗ phải là thành án ngữ nơi ra vào thành Hoa Lư là có tính thuyết phục hơn cả. Theo đó, thành có quy mô kéo dài kết hợp chủ trương đóng cọc ngăn sông.

Thành này tương ứng với đoạn sông Hồng ngày nay từ phía Bắc ngã ba Lềnh xuống đến phía Nam ngã ba Vàng.

Đoạn sông Hồng này bên hữu ngạn đi qua địa phận huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, bên tả ngạn đi qua một phần huyện Kim Động, qua Tiên Lữ, qua cửa Hải Triều (tức cả sông Luộc), qua huyện Hưng Hà tỉnh Thái Bình đến xã Phạm Nỗ, qua cửa Trà Lý rồi qua đất Thư Trì, xuống đến ngã ba Vàng. Như vậy thành Bình Lỗ đã đủ chặn hết các cửa sông quan trọng của tất cả các tuyến sông vào Hoa Lư.

Sau vua Ngô Quyền, hoàng đế Lê Đại Hành là người thứ hai đánh tan giặc phương bắc trên sông Bạch Đằng. Tuy nhiên, khác với vua Ngô Quyền chỉ đánh một trận trên sông Bạch Đằng là tiêu diệt quân Nam Hán, đuổi chúng về nước thì ở trận Bạch Đằng dứt điểm của hoàng đế Lê Đại Hành lại có sau khi đã đánh đã bị thua trận trên sông bạch Đằng đầu tháng 1-981 và sau đó phải lui về phòng tuyến Đồ Lỗ.

Việt sử lược chép: “Năm Tân Tỵ, năm đầu niên hiệu Thiên Phúc, mùa Xuân tháng Ba (4-981), quân của Hầu Nhân bảo (chủ tướng) đến Ngân Sơn, Trần Khâm Tộ đến Tây Kết, Lưu Trừng đến sông Bạch Đằng, vua tự làm tướng đi chống Tống, sai người cắm cọc ngăn sông. Quân Tống lùi giữ Ninh Giang, vua sai trá hàng để dụ Nhân Bảo. Quân Tống thua, ta bắt chém Hầu Nhân Bảo, bọn Khâm Tộ nghe tin quân Bảo thua, liền lui quân…”. Tống sử cũng ghi chép những thông tin như vậy.

Nghe tin Hầu Nhân Bảo bị giết, tướng giặc như Tôn Toàn Hưng đem quân tháo chạy. Tướng giặc Trần Khâm Tộ bị truy kích tiêu diệt quá nửa. Các tướng giặc khác như Quách Quân Biện, Triệu Phụng Huân bị bắt giải về Hoa Lư và sau này được trao trả cho nhà Tống.
Cũng chính trong trận chiến chống Tống, lần đầu tiên nước ta xuất hiện Bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên. Sau này, có lẽ do “không ưa” Lê Hoàn mà các sử gia thời Lê gán cho bài thơ thần Nam Quốc Sơn Hà do Thái úy Lý Thường Kiệt làm. Kỳ thực, bài thơ đã xuất hiện trong sách Lĩnh Nam chích quái (thế kỷ XV của Vũ Quỳnh và Kiều Phú). Dị bản của bài thơ như sau:

Nam Quốc sơn hà nam đế cư
Hoàng thiên dĩ định tại thiên thư
Như hà Bắc lỗ lai xâm phạm
Bạch nhận phiên thành
phá trúc dư.

Nghĩa là:

Núi sông nước Nam
vua nước Nam ngự trị
Điều ấy đã ghi rõ nơi sách trời
Cớ sao giặc Bắc sang xâm phạm
Bay sẽ bị lưỡi gươm sắc
chém như chẻ tre.

Và cũng ở thời kỳ hoàng đế Lê Hoàn trị vì, ngài đã trọng dụng nhiều bậc thiền sư đắc đạo như Vạn Hạnh, Đỗ Pháp Thuận, Khuông Việt, nhiều danh tướng như Thái úy Phạm Cự Lượng, Từ Mục, Tử An… thậm chí còn sử dụng cả người Hán là Hồng Hiến làm vào chức vụ quan lại cao trong triều đình.

Ngoài bài thơ thần được coi là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên, còn có bài thơ Quốc tộ (Vận nước) được coi là Tuyên ngôn hòa bình. Đó là bài thơ của thiền sư Đỗ Pháp Thuận trả lời hoàng đế về vận nước:

Quốc tộ như đằng lạc
Nam thiên lý thái bình
Vô vi cư điện các
Xứ xứ tức đao binh

Nghĩa:

Vận nước như dây cuốn
Trời Nam hưởng thái bình
Vô vi nơi điện gác
Xứ xứ hết binh đao.

Cùng trong thời gian phá Tống, quân Chiêm Thành theo hàng tướng Ngô Nhật Khánh đánh vào Đại Cồ Việt. Vì vậy, hai năm sau khi phá Tống, hoàng đế Lê Đại Hành lại trực tiếp cầm quân đánh Chiêm Thành. Sau thắng lợi này, nhà vua còn trực tiếp cầm quân đánh Chiêm hai lần nữa và đều toàn thắng.

Đất nước thái bình, hoàng đế Lê Đại Hành còn chú trọng phát triển nông nghiệp. Lễ cày tịch điền ở Đọi Sơn năm 987 mở ra truyền thống đẹp cho các vua sau này.

Nhà vua còn cho đào nhiều kênh thủy lợi, mà nổi tiếng như: Công trình sông đào Nhà Lê nối liền 4 tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.

Trị vì 24 năm, lập võ công hiển hách, xây dựng đất nước hùng mạnh, nhưng tiếc là sự chuẩn bị cho con cháu kế nghiệp của vua chưa chu toàn. Vì lẽ đó, triều đại Tiền Lê ngắn ngủi do các con của ngài giết hại nhau để tranh đoạt vương quyền và sa đà ăn chơi hưởng lạc…

Từ Khôi

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/vi-vua-mang-ten-chuyen-di-lon-tintuc404596