Vị yêu

Với tôi, vị của Sài Gòn nhiều vô số kể. Thắm trong làn gió thổi ướp hương nguyệt quế nồng nàn trong con hẻm nhỏ, ngọt ngào như thanh kẹo, tươi mát như làn sương đong đầy thao thức tạo thành vị của tình yêu.

Sài Gòn trong tôi là một niềm thương khó tả, ngày đó tôi đã đến Sài thành lập nghiệp bỏ ngoài tai sự phản đối của gia đình. Cha mẹ sợ một thân một mình thì sự gian nan vất vả sẽ thêm bội phần. Ngồi trên xe khi đã đến mảnh đất hoa lệ, tôi thấy khang khác lạ thường. Một cảm giác nhẹ nhõm, bình yên chạy khắp người. Sài Gòn với một dân tỉnh lẻ chật vật đến đây mưu sinh, ngoài một niềm khát khao cháy bỏng, đó còn là tình cảm đặc biệt khi lựa chọn Sài Gòn bất chấp sự phản đối của mẹ cha.

Ảnh minh họa.

Hơn hai năm sống tại Sài Gòn, tôi đã rảo bước qua nhiều con phố, đắm mình trong từng nhịp điệu xô bồ đến thả hồn vào góc quán cà phê, để thời gian như chậm rơi từng nhịp. Để lắng nghe, thấu hiểu, cảm nhận vị Sài thành hiền hòa miên man thiết đãi du khách gần xa. Khi họ muốn đến để thưởng thức, rồi mắt tròn mắt dẹt khi có quá nhiều sự lựa chọn, đến vấn vương chẳng muốn rời khi dư vị Sài thành như còn nằm trong khoang miệng. Lần đầu đến Sài Gòn, tôi đã choáng ngợp biết bao, khi đứng trước khu chợ Bến Thành sầm uất bán rất nhiều món ngon vật lạ. Từ thứ quà quê dân giã, đến những món lạ phố giao thoa hội tụ cũng dễ dàng bắt gặp.

Trong góc chợ món bún riêu thơm phức dẫn dắt tôi vào thưởng thức, cũng là mớ bún, nước lèo xăm xắp với ít riêu cua, khoanh giò heo,... Vậy thôi mà khiến tôi da diết nhớ quê khôn cùng. Hỏi ra thì chủ quán cũng là dân miền Tây rời quê lập nghiệp, thương mến Sài Gòn nên ở đây hơn hai mươi năm qua. Sài Gòn trong tôi còn thêm vị nhớ, nhớ lắm quê hương xứ sở, dẫu ở đâu thì người sống ở phố thị này làm sao quên đi được hình bóng quê nhà. Họ đem đến Sài Gòn hương vị đặc trưng vùng miền, đặc sản trứ danh khiến cho Sài Gòn là thiên đường ẩm thực của du khách gần xa. Là cái bếp ăn tổng hợp mùi vị trong đó có vị nhớ, khi ăn xong rồi nhớ mãi mùi vị đó trên đầu lưỡi, hằng sâu trong tiềm thức. Để được thêm lần nữa, thật nhiều lần nữa thưởng thức cái vị Sài thành, ngon say đắm nhớ lắm rồi quay lại, rồi lại thầm thương đến yêu đơn phương chẳng cần hồi đáp.

Ảnh minh họa.

Trời giăng sáng, tôi lại rảo bước khám phá những món ngon vật lạ ở nơi đô thị này, thu hút sự chú ý của tôi là thúng xôi bày bán trên lề, đôi bàn tay thoăn thoắt gói xôi cho khách đi đường. Mùi xôi bay lên nóng hổi phà vào tiếng rao nghe thật thiết tha. Gánh xôi dường như bé nhỏ hẳn ra khi nằm trong khu đô thị sầm uất. Khép mình trước những hàng quán sang trọng, dưới bóng mát của tán cây vươn mình bao lấy kiếp người nhỏ nhoi thầm lặng mưu sinh. Gói xôi được gói bằng lá sen, lá chuối làm tôi nhớ đến thứ quà quê dân giã. Cứ mỗi sang sáng mẹ cho mấy ngàn đồng, mua gói xôi ăn cho no bụng. Bàn tay lam lũ, hằng bóng thời gian đôi chân trĩu nặng, nhưng gánh xôi vẫn được sáng đi chiều về bất luận mưa hay nắng. Cũng như bao gánh hàng rong khác, gánh xôi tôi vừa lướt qua làm nên một nền ẩm thực phong phú hơn. Khi đặc sản của Sài Gòn là thời tiết thất thường, mưa nắng bất chợt, nét đặc trưng là con hẻm nhiều vô số kể. Đến cả những gánh hàng rong vẫn giữ cho mình nét hoang sơ cổ kín, mộc mạc, không hề lạc lỏng hay bỏ lại sau lưng.

Rồi những nắng và mưa, trên con hẻm nhỏ heo hút. Những gánh hàng rong vẫn lặng lẽ văng vẳng tiếng rao, giữa mảnh đất hơn ba trăm năm lịch sử. Không bị bỏ lại với thời gian, vẫn là một nét văn hóa ẩm thực thú vị trên hành trình vì yêu mà đến của du khách gần xa. Sài Gòn còn nhiều lắm những tinh hoa ẩm thực, từ nhà hàng sang trọng đến quán cóc ven đường, rồi ẩn náu trong từng gánh hàng rong, vượt qua sức mạnh của thời gian mà không bị bỏ rơi ở lại. Đâu đó, dường như tôi đã thấy hình bóng của người bà, người mẹ tần tảo sớm hôm để đồ xôi. Để bán bưng những gì mình nâng niu quý trọng. Từ gạo nếp được chọn lựa ra sao, canh củi lửa thế nào để làm ra thúng xôi ngon như vị xưa năm cũ. Cái vị quà quê dân giã vẫn len lỏi vào tiềm thức của mọi người. Lẽ nào những người đầu bếp, người bà, người mẹ đó đã nêm thêm vào trong đồ ăn thức uống, những tình cảm thiết tha. Đong đầy nỗi nhớ quê, nỗi niềm mang đến thực khách những món ngon nhất. Cốt làm sao để người ta ăn một lần rồi nhớ đến thương, vấn vương khi cảm nhận thứ tình cảm đong đầy hào sảng này.

Ảnh minh họa.

Phải chăng, ẩm thực Sài thành độc đáo đến như vậy, ngoài sự đa dạng món ăn vùng miền, dân tộc, văn hóa trong và ngoài nước mà còn là mùi vị tình yêu được thêm vào. Họ thêm lúc chuẩn bị nguyên liệu khi hạt gạo còn nằm trong bao, được mang ra sàng kĩ để loại bỏ hết sạn, trấu, thóc. Rồi thêm vào lúc ngâm hạt gạo no tròn căng mọng, được xay ra thành bột gói ghém biết bao yêu thương. Rồi những hạt gạo ban đầu tạo thành món ngon đủ loại, khi thì bánh ít, khi thì bánh giò khi thì sợi bún, cọng mì níu lấy từng vệt thời gian. Vì đã qua bao nhiêu năm tháng thì họ vẫn thổi hồn vào hạt gạo, để làm nên tinh hoa ẩm thực trên mảnh đất Sài thành. Họ truyền từ đời ông, đời bà đến hiện tại và cả tương lai. Để cùng chung tay lưu giữ nét văn hóa ẩm thực xưa xa, chẳng thể nào mất đi giữa sự giao thoa văn hóa toàn cầu. Nào là gánh hàng rong đến quán cóc ven đường, đến cả những quán ăn cả trăm năm lịch sử vẫn giữ trong mình cách bày trí khi xưa.

Tôi thấy Sài Gòn vẫn nguyên vẹn nét văn hóa xa xưa, nhưng lại mang trong mình nét hiện đại khi ánh đèn đường rực rỡ lung linh sáng bừng giữa màn đêm u tối. Người Sài Gòn đến cả những người xa xứ, cùng làm nên một tượng đài Sài thành với bề dày văn hóa ẩm thực độc đáo, thu hút du khách gần xa. Khi dòng chảy thời gian vẫn chưa ngơi nghỉ, thì cái vị của Sài thành vẫn là mùi vị của tình yêu. Vì phải yêu Sài Gòn như thế nào thì họ mới làm ra những món ngon như vậy, bày bán trên mảnh đất hoa lệ này suốt bao nhiêu năm mà không ngơi nghỉ. Từ đời này truyền sang đời khác, nhưng vẫn giữ cho mình nét độc đáo riêng, làm nên hương vị Sài thành trứ danh trong lòng du khách gần xa...

Trần Thùy Mỵ

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn/an-gi/vi-yeu-c12a66942.html