Vicem và bài toán Chính phủ giao

Dấu mốc lớn cho Vicem trong năm nay chính là việc thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm mà Chính phủ và Bộ Xây dựng giao.

Thương hiệu mới xi măng Vicem Sông Thao. Ảnh: Thu Hằng/BNEWS/TTXVN

Năm 2018, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Xây dựng đã giao cho Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) bài toán xây dựng kịch bản tăng trưởng cụ thể để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đóng góp cho mục tiêu phát triển chung của nền kinh tế. Cùng đó, Vicem phải nghiên cứu, tham mưu, đề xuất về chiến lược phát triển tổng thể ngành xi măng Việt Nam. Những lời giải đang dần được “mở” trong 2 quý đầu năm.

Giữ vai trò trụ cột của ngành xi măng Việt Nam, năm 2018, nhiệm vụ trọng tâm của Vicem là tiếp tục chú trọng quản trị doanh nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và quản lý; đồng thời, tiếp tục quan tâm bảo vệ môi trường, tham gia các công trình an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo…

Dấu mốc lớn cho Vicem trong năm nay chính là việc thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm mà Chính phủ và Bộ Xây dựng giao. Một trong những yếu tố đầu tiên được đề cập tới chính là việc tái cấu trúc Tổng công ty. Cùng đó khi làm việc với Vicem, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ cũng đã nhấn mạnh 2 nhiệm vụ cụ thể.

Quan điểm của Vicem trong tái cấu trúc doanh nghiệp là sắp xếp lại để thúc đẩy sản xuất kinh doanh; đồng thời, tái đầu tư để tập trung vào ngành chính cốt lõi. Cổ phần hóa theo lộ trình cũng sẽ gắn liền với tái cấu trúc doanh nghiệp.

Theo Tổng giám đốc Vicem Bùi Hồng Minh, việc đầu tiên Chính phủ giao Vicem là xây dựng kịch bản tăng trưởng cụ thể để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm nhiệu quả, phát triển bền vững và tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường. Chính phủ cũng giao các Bộ, ngành, địa phương liên quan hỗ trợ, tạo điều kiện trong vấn đề cấp phép các mỏ nguyên liệu để Vicem đạt được mục tiêu tăng trưởng đề ra từ 7-10%.

Cùng đó, tại công văn 4545/VPCP-TH (ngày 16/5/2018), Chính phủ còn giao cho Vicem phải kiểm soát chặt chẽ dòng tiền, khắc phục tình trạng nợ nội bộ và tăng năng suất lao động từ 7-10%. Thêm một vấn đề Vicem được Chính phủ chỉ đạo trực tiếp nữa là phải nghiên cứu, tham mưu, đề xuất về chiến lược phát triển tổng thể ngành xi măng Việt Nam – ông Minh cho hay.

Nhận “trọng trách” này, sau 2 quý, ước mức tăng trưởng của Viecm đạt 18,5% về tổng sản lượng; trong đó, nội địa tăng 8,3%, xuất khẩu tăng 238%.

Đáng chú ý, trong xuất khẩu thì cơ cấu xi măng chiếm tới 70%, còn lại 30% là clinker. Tính đến hết quý II/2018, các đơn vị thành viên trong hệ thống Vicem sản xuất đạt hơn 10 triệu tấn clinker trong tổng sản phẩm là 14,5 triệu tấn - cao nhất từ trước đến nay. Theo đó, tăng trưởng tổng sản phẩm của Vicem đạt 12%; trong đó, xi măng tăng 9%.

Với kết quả này, Vicem đã thể hiện khả năng bám sát và đạt mục tiêu của Chính phủ giao khi kết thúc quý II/2018 đạt mức tăng trưởng 9%. Tổng Giám đốc Bùi Hồng Minh cho hay, lợi nhuận của Vicem sau 2 quý đầu năm ước đạt 1.350 tỷ đồng - vượt 50% con số kế hoạch đề ra.

Trong khi đó, theo quy luật, các chỉ số 2 quý cuối năm ngành xi măng bao giờ cũng cao hơn 2 quý đầu năm vì giai đoạn những tháng đầu năm vướng vào dịp tết; nhất là tháng 2 - sản lượng thấp do tiêu thụ ít. Bởi vậy, doanh thu và sản lượng của 2 quý đầu năm thường chỉ chiếm khoảng 47% của cả năm. Còn 53% là 2 quý cuối. Tuy nhiên, 2 quý đầu năm 2018, Vicem đã bước qua mốc 50% chứng tỏ đây là nỗ lực rất lớn của Tổng công ty trong suốt thời gian qua – ông Minh chia sẻ.

Đánh giá về thị trường xi măng, ông Minh cũng viện dẫn một số thuận lợi. Hiện thị trường xuất khẩu clinke đang tăng mạnh do Trung Quốc đóng cửa một số nhà máy clinker do ô nhiễm môi trường. Nhu cầu clinker tăng mạnh khiến xuất khẩu tăng theo tháng, tháng sau cao hơn tháng trước. Tuy nhiên, sang tháng 6 đã bắt đầu chững ở mức ổn định.

Cho dù xuất khẩu clinker có thuận lợi nhưng về mặt chuyên môn, Vicem đã chủ động báo cáo lên Bộ Xây dựng và Chính phủ về việc không nên xuất khẩu clinke bởi đây là xuất nguyên liệu thô. Theo tính toán của Vicem, xi măng từ 1 tấn clinker bán ra khi xuất khẩu thì giá trị tăng gấp 1,8 lần so với việc xuất khẩu trực tiếp clinker. Không chỉ giá xuất khẩu xi măng thu về lợi nhuận cao hơn mà còn tận dụng được các nguyên liệu trong nước – ông Minh phân tích.

Hiện nhu cầu tiêu thụ xi măng trong nước cũng tăng nhưng tốc độ không nhanh, không cao bằng xuất khẩu. Chính vì vậy, mặc dù có những thời điểm “nóng” về xuất khẩu nhưng Vicem cho rằng vẫn cần kiên trì rà soát, đánh giá lại quy hoạch và chiến lược phát triển ngành xi măng Việt Nam.

Về sản xuất kinh doanh, Vicem dự kiến 6 tháng cuối năm sẽ đạt mục tiêu mà Chính phủ và Bộ Xây dựng giao là tăng năng suất lao động từ 7-10%; tăng trưởng từ 7-10%. Các mục tiêu này hoàn toàn có thể đáp ứng bởi dây chuyền sản xuất toàn hệ thống vicem đang rất ổn định, hoạt động hết công suất.

Cùng với nhiệm vụ tái cấu trúc doanh nghiệp, Vicem còn đồng thời phải hoàn thành nhiệm vụ xử lý tồn tại, nhất là nợ nội bộ. “Bệnh” đã được “bắt” để có thuốc chữa. Nguyên nhân là năm 2010, hệ thống Vicem tăng công suất lên gấp 2 lần, nên việc trả nợ rất căng thẳng. Để trả nợ dài hạn, thậm chí có thời điểm, Vicem phải sử dụng vốn ngắn hạn trả nợ cho dài hạn. Chính vì vậy, vốn ngắn hạn tăng bất thường.

Tuy nhiên, đến thời điểm này và sang năm 2019, các đơn vị trong hệ thống Vicem cơ bản trả hết nợ vốn vay dài hạn; từng bước sinh lợi nhuận; có tiền đầu tư. Sau khi trả hết nợ vốn vay thì vốn vay lưu động cũng sẽ giảm xuống. Cùng đó, Vicem thực hiện thiết lập kỷ cương xử lý công nợ nội bộ.

Năm nay, Tổng công ty siết chặt chính sách nợ phải thu – phải trả với các đơn vị thành viên; từng bước lành mạnh hóa tài chính nội bộ. Một số dự án đầu tư không sinh lời, không hiệu quả sẽ được tái cấu trúc lại để tập trung vào hướng chính là tăng năng lực sản xuất, tăng ngành nghề cốt lõi.

Một trong những thành công đáng ghi nhận của Vicem là cơ cấu lại thành công 2 đơn vị nhận từ Bộ Xây dựng là Công ty Xi măng Hạ Long và Sông Thao. Từ khi đưa 2 đơn vị này về với hệ thống, Vicem đã trả nợ cho Xi măng Hạ Long khoản nợ 1.400 tỷ đồng chưa trả được cho Bộ Tài chính và tiếp tục cân đối trả tiếp. Với xi măng Sông Thao, Vicem cũng đang cân đối để từng bước trả nợ cho nước ngoài khoản nợ vay đến hạn.

Sau việc tái cấu trúc thành công 2 đơn vị này, mới đây, Bộ Công Thương đã đề xuất Chính phủ giao Nhà máy Xi măng Quang Sơn (Tổng công ty cổ phần Xây dựng Công nghiệp Việt Nam – Vinaincon thuộc Bộ Công thương làm chủ đầu tư) về Vicem. Trong báo cáo đề xuất, Bộ Công Thương cũng nêu rõ, Vicem đã có kinh nghiệm, năng lực và làm tốt việc tái cơ cấu xi măng Hạ Long và Sông Thao.

Hiện Vicem đang tập trung rà soát để điều phối sản xuất giữa khu vực miền Nam và miền Trung; đồng thời tối ưu hóa logistics, sử dụng tài nguyên, giảm thiểu tác động đến môi trường và tăng khả năng cạnh tranh…

Thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ giao, từ tháng 5, Vicem đã rà soát, đánh giá lại năng lực sản xuất của toàn ngành xi măng trong nước và có đề xuất cụ thể trong xây dựng chiến lược phát triển chung.

Theo đó, Vicem tập trung vào trọng tâm đánh giá thương hiệu, năng lực quản trị, tài chính, khai thác tài nguyên; từng bước thực hiện chiến lược tiếp cận với xu hướng quốc tế. Hiện xi măng Việt Nam đã xuất khẩu sang Pháp, Chile, Peru và nhiều nước ASEAN… Điều này cho thấy, chất lượng xi măng Việt Nam có thể đáp ứng các chuẩn mực quốc tế./.

Thu Hằng/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/vicem-va-bai-toan-chinh-phu-giao/89208.html