Video Nga phóng hệ thống đánh chặn mục tiêu không gian

Lực lượng phòng thủ Nga vừa thực hiện thành công vụ phóng với hệ thống đánh chặn thế hệ mới tại bãi thử Sary-Shagan ở Kazakhstan.

Theo tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga hôm 17/9, vụ phóng đã thành công tốt đẹp, mọi mục tiêu đề ra trước khi phóng đều hoàn thành.

"Tại bãi thử Sary-Shagan của Lực lượng Tên lửa Chiến lược (ở Cộng hòa Kazakhstan), một kíp chiến đấu của một đơn vị Phòng không và Phòng thủ Tên lửa thuộc Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga đã thực hiện thành công một vụ phóng của hệ thống phòng thủ tên lửa mới", Bộ Quốc phòng cho biết.

Nga phóng đạn đánh chặn 53T6M.

Phát biểu sau cuộc thử nghiệm, Thiếu tướng Sergei Grabchuk, Chỉ huy Đơn vị phòng thủ tên lửa trực thuộc Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga (VKS) cho biết:

"Sau một loạt các cuộc thử nghiệm, loại tên lửa đánh chặn mới thuộc hệ thống phòng thủ chống tên lửa đã khẳng định một cách chắc chắn những tính năng vốn có của nó, các kíp chiến đấu thực hiện thành công nhiệm vụ bắn trúng mục tiêu giả định với mức độ chính xác đúng yêu cầu đề ra".

Như thông báo trước đó của Bộ Quốc phòng, trong giai đoạn 2017-2021, Nga đã thực hiện ở thao trường Sary-Shagan 10 vụ phóng thử nghiệm loại tên lửa đánh chặn mới dành cho hệ thống phòng thủ chống tên lửa.

Theo ông Igor Korotchenko, thành viên Hội đồng công cộng trực thuộc Bộ Quốc phòng Nga, việc áp dụng loại tên lửa dánh chặn mới sẽ gia tăng đáng kể khả năng của hệ thống phòng thủ chống tên lửa bảo vệ Moskva và Vùng công nghiệp trung tâm.

Ông cho biết thêm, ở đây nói về tên lửa đánh chặn 53T6M thay thế cho loại tên lửa đánh chặn kiểu cũ phóng từ hầm cố định hiện đang được phiên chế cho hệ thống phòng thủ tên lửa A-135.

Căn cứ vào chủng loại tên lửa được ông Igor Korotchenko tiết lộ là 53T6M có thể thấy, hệ thống phòng thủ vừa được Nga thử nghiệm thành công chính là A-235 Nudol, hệ thống được phát triển để thay thế cho A-135 hiện nay.

Đạn tên lửa đánh chặn 53T6M là phiên bản nâng cấp của đạn tên lửa 53T6 Nga triển khai trong hệ thống A-135 Amur từ đầu những năm 1980. Hệ thống A-235 đang được hoàn thiện và được gọi là "lá chắn vàng" của lực lượng phòng thủ và không gian Nga.

Khả năng đánh chặn của A-235 sẽ được chia làm 3 cấp độ: Đạn tên lửa 51T6 sẽ đảm nhiệm việc đánh chặn ở khoảng cách 1.500km và tầm cao trên 800 km; tên lửa 58R6 – 1.000km và 120km; đạn tên lửa 53T6M đánh chặn mục tiêu ở khoảng cách 350km và độ cao 40-50km.

Tất cả chúng đều có khả năng mang đầu đạn thường hoặc đạn đặc biệt để nâng cao khả năng tiêu diệt tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) của đối phương. Với tầm cao đánh chặn đạt được, Nga tin rằng hệ thống A-235 hoàn toàn đủ sức bắn hạ cả vệ tinh đối phương. Hiện không rõ loại đầu đạn đặc biệt của A-235 có phải là hạt nhân hay không.

Theo nguồn tin quân sự Nga, dù là hệ thống A-135 hay hệ thống A-235 trong tương lai, đều không phải là hệ thống phòng thủ tiến hành chiến đấu độc lập mà được tích hợp vào hệ thống phòng thủ không gian của Nga.

Theo đó, A-135 sẽ phối hợp với hệ thống phòng không S-400/S-500, hệ thống phòng chống tên lửa đạn đạo – vệ tinh A-235 và hệ thống chống tên lửa tầm xa để tạo thành một hệ thống phòng thủ không gian nhiều tầng lớp.

Trong đó, A-235 chịu trách nhiệm chính trong việc đánh chặn các tên lửa đạn đạo bay xuyên qua bầu khí quyển.

Giới chuyên gia cho rằng, với sự đổ vỡ liên tiếp của một số thỏa thuận chiến lược giữa Mỹ và Nga, nhất là thông báo gần đây của Mỹ về "khả năng tấn công hạt nhân chiến thuật", hành động của Nga thể hiện rằng, mạng lưới chống tên lửa chiến lược của Nga với đại diện là hệ thống A-235 sẽ trở thành lá chắn đủ mạnh để chặn đứng đòn tấn công bằng vũ khí chiến lược từ bên ngoài.

Nga phóng đạn đánh chặn 53T6M từ giếng phóng

Hòa Bình

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/quoc-phong/vu-khi/video-nga-phong-he-thong-danh-chan-muc-tieu-khong-gian-3439090/